Hội LHPN TP. Lào Cai - điểm tựa vững chắc cho phụ nữ nghèo
Giúp phụ nữ nghèo an cư
Sau nhiều năm sử dụng, ngôi nhà 40 m2 của bà Nguyễn Thị Vụ ở tổ 11, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng do kinh tế quá khó khăn nên gia đình không có điều kiện để sửa chữa. Biết được hoàn cảnh đó, Hội Phụ nữ phường đã hỗ trợ 35 triệu đồng để gia đình bà Vụ sửa sang ngôi nhà. “Nhờ sự chung tay của bà con trong họ và sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ phường, gia đình tôi đã sửa sang được căn nhà. Giờ đây, nơi ở tươm tất hơn, gia đình tôi cũng yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống”, bà Vụ tâm sự.
Cũng là hội viên được nhận “Mái ấm tình thương”, chị Nông Thị Muốn ở thôn Pèng 2, xã Hợp Thành như khỏe hơn từ khi về ở trong ngôi nhà mới. Chị Muốn là hội viên có hoàn cảnh khó khăn, một mình nuôi 2 con nhỏ, sức lao động lại hạn chế, thu nhập không ổn định. Đồng cảm với hoàn cảnh của chị, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, trong đó có Hội Phụ nữ thành phố đã kêu gọi những tấm lòng hảo tâm góp ngày công, kinh phí để xây dựng nhà mới cho gia đình chị Muốn với tổng trị giá hơn 220 triệu đồng.
Theo chị Đồng Tố Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ thành phố Lào Cai: Quỹ “Mái ấm tình thương” của Hội Phụ nữ thành phố được thành lập từ năm 2004, đến nay đã bàn giao 55 nhà “Mái ấm tình thương” với tổng kinh phí hơn 4,9 tỷ đồng cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Riêng năm 2020, thực hiện “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, hội tiếp tục xây dựng, sửa chữa 5 nhà “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo trên địa bàn thành phố.
Vượt khó cùng hội viên
Nhằm tạo nguồn vốn cho chị em có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, các cơ sở hội trên địa bàn thành phố đã tăng cường khai thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện tại, Hội Phụ nữ thành phố đang quản lý nguồn vốn ủy thác hơn 75 tỷ đồng cho 2.965 hội viên, phụ nữ vay thông qua các nhóm hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; vốn vay giải quyết việc làm… Việc cung cấp các khoản vay phù hợp theo hình thức trả dần hằng tháng đã tạo thói quen tiết kiệm. Việc vay vốn không cần tài sản thế chấp, mà chỉ thông qua tổ bảo lãnh đã gắn bó hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Mặt khác, Hội Phụ nữ thành phố chỉ đạo hội cơ sở tổ chức tốt việc thực hiện hợp đồng ủy thác, bình xét hộ vay vốn bảo đảm đúng đối tượng, công khai, dân chủ. Hiện nay, các tổ tiết kiệm, vay vốn do Hội Phụ nữ thành phố quản lý đều hoạt động đúng quy định, duy trì sinh hoạt nền nếp, lồng ghép với hoạt động của hội. Thông qua sinh hoạt, các tổ trưởng kịp thời nắm hoàn cảnh, điều kiện của các thành viên để có kế hoạch động viên, giúp đỡ chị em hoàn trả vốn, lãi đúng hạn. Nhờ đó, tỷ lệ thành viên vay vốn đóng tiền tiết kiệm đạt hơn 90%, tổng dư nợ tiết kiệm đến nay đạt gần 4 tỷ đồng.
Chị Phan Thị Ngọc ở thôn Lắp Máy, xã Tả Phời cho biết: Sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đàn lợn của gia đình đã bị tiêu hủy. Đang trong lúc không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập thì gia đình được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để nuôi thỏ. Nhờ cần cù, chịu khó, cuộc sống của gia đình chị ngày càng được cải thiện. Đến nay, đàn thỏ thịt của gia đình đã tăng lên hàng trăm con mỗi lứa và đáp ứng một phần nhu cầu thỏ giống của thị trường. Sau hơn 1 năm thực hiện mô hình, gia đình chị Ngọc có nguồn thu hơn 100 triệu đồng và dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới.
Không chỉ chị Ngọc mà rất nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn thành phố Lào Cai được vay vốn phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ… cho thu nhập bình quân từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Năm 2020, Hội Phụ nữ thành phố còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở 3 lớp nghiệp vụ nấu ăn và thương mại - dịch vụ cho 90 hội viên, phụ nữ; tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, tránh các dịch bệnh như tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm… thu hút hơn 9 nghìn lượt hội viên, phụ nữ tham gia.
Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, Hội Phụ nữ thành phố tiếp tục chỉ đạo hội cơ sở phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, tuyên truyền nâng cao mức gửi tiết kiệm nhằm giúp hội viên, phụ nữ vừa có vốn phát triển kinh tế, vừa có ý thức tích lũy, chủ động tham gia sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.