Hà Tĩnh: Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội

23/05/2025
Nhằm triển khai Đề án 1893 của Thủ tướng Chính phủ về “Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ giai đoạn 2019 - 2025” có hiệu quả, Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều giải pháp gắn với thực tiễn đội ngũ cán bộ Hội, đặc biệt là cán bộ cơ sở và chi hội trưởng của địa phương.
Tập thể Hội LHPN Hà Tĩnh và các tập thể được TW Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen có thành tích trong triển khai thực hiện Đề án 1893 giai đoạn 2019- 2025

Chủ động làm tốt vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện

Ngay sau khi Đề án 1893 được ban hành, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án, xác định rõ mục tiêu, nội dung, chỉ tiêu và lộ trình bồi dưỡng cụ thể theo từng năm. Từ cấp tỉnh đến cơ sở, các cấp Hội đã tiến hành rà soát đội ngũ cán bộ, đánh giá thực trạng về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng công tác để phân loại, tổng hợp nhu cầu bồi dưỡng, đảm bảo sát với điều kiện thực tế và yêu cầu phát triển của phong trào phụ nữ.

Các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được thiết kế khoa học, đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ với Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trường Chính trị Trần Phú, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố, thị xã… Việc lựa chọn giảng viên được chú trọng, đảm bảo chất lượng, nội dung giảng dạy cập nhật kiến thức lý luận gắn với thực tiễn sinh động, phương pháp giảng dạy hiện đại, kết hợp thuyết trình, thảo luận nhóm, xử lý tình huống.

Đổi mới nội dung, hình thức bồi dưỡng, hướng đến thực chất và hiệu quả

Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và khả năng áp dụng vào thực tiễn của đội ngũ học viên. Bộ tài liệu bồi dưỡng được biên soạn công phu, theo từng nhóm đối tượng cụ thể; ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp tài liệu qua email, nhóm Zalo, quét mã QR, vừa thuận tiện khai thác, vừa tiết kiệm chi phí in ấn.

Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 42 lớp đào tạo cấp tỉnh với gần 1.000 lượt cán bộ tham gia. Cấp huyện, thành phố, thị xã tổ chức 376 lớp với hơn 43.000 lượt cán bộ cấp cơ sở, chi, tổ hội viên tham gia. Riêng các Trung tâm Chính trị huyện tổ chức 170 lớp, bồi dưỡng cho gần 22.000 lượt cán bộ Hội các cấp. Các chuyên đề được đưa vào giảng dạy không chỉ là kiến thức nghiệp vụ công tác Hội, mà còn mở rộng sang kỹ năng lãnh đạo, phương pháp làm việc khoa học, kỹ năng truyền thông, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý hội viên bằng phần mềm, triển khai các phong trào thi đua, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giảm nghèo bền vững…

Chuyển biến tích cực về chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp

Sau gần 6 năm triển khai Đề án, chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp tại Hà Tĩnh đã có sự chuyển biến rõ nét. Đến nay, 100% Chủ tịch Hội LHPN cấp xã có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị trung cấp trở lên; 95% có chứng chỉ nghiệp vụ công tác Hội; 100% cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện đạt chuẩn chức danh theo quy định; 100% chi hội trưởng được tập huấn, cập nhật kiến thức nghiệp vụ công tác Hội.

Các cán bộ Hội sau khi tham gia bồi dưỡng đã vận dụng linh hoạt kiến thức vào thực tiễn công tác tại địa phương, chủ động đề xuất giải pháp, sáng kiến, phương thức hoạt động mới, thu hút hội viên, phát huy vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từ đó góp phần nâng cao vị thế của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị cơ sở.

Với sự chủ động, sáng tạo và nỗ lực bền bỉ, việc thực hiện Đề án 1893 tại Hà Tĩnh không chỉ là quá trình nâng cao năng lực cán bộ Hội, mà còn là hành trình tạo dựng đội ngũ cán bộ “vững chuyên môn – chắc chính trị – giàu tâm huyết – giỏi vận động quần chúng”, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Nguyễn Huyền – Ban Tổ chức kiểm tra

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video