Hà Giang: Gương phụ nữ thu nhập cao từ phát triển chăn nuôi tổng hợp

Năm 2020, chị Thanh đầu tư mua 4 con bò, 2 lợn nái và gà, vịt về nuôi. Do biết chăm chỉ cần cù và ham học hỏi kinh nghiệm của những người đã thành công, đàn gia sức, gia cầm của gia đình chị Thanh phát triển tốt, mang lại lọi ích kinh tế dần dần. Năm 2021, nhận thấy chăn nuôi cho lợi nhuận cao, chị Thanh tiếp tục mạnh dạn mở rộng quy mô chuồng trại, đầu tư mua thêm bò giống và lợn thịt về nuôi. Hiện chị Thanh duy trì nuôi 10 – 15 con bò, mỗi năm xuất bán từ 7 – 8 con, kết hợp mua thêm bò con và bò gầy về nuôi gối đàn.
Bên cạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, tận dụng quỹ đất rộng, gần dòng suối chảy quanh năm, chị Thanh còn đào thêm ao thả cá rộng trên 2.000 m2 và trồng cấy 2ha lúa, ngô. Trong một năm, gia đình chị thu hoạch từ 2 – 3 đợt cá rồi áp dụng phương thức “đánh tỉa thả bù” – tức khai thác loại cá nào sẽ tiến hành thả bù loại cá đó.
Từ năm 2022 đến nay, thu nhập từ tiền bán bò mỗi năm khoảng 300 triệu đồng, sau khi trừ tiền giống và các chi phí khác như tiền thuốc tiêm phòng… còn lãi khoảng khoảng trên 250 triệu đồng. Tiền bán lợn giống và lợn thịt vào khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi năm còn lãi khoảng 150 triệu đồng. Thu nhập từ nuôi cá vào khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí như tiền giống, tiền thức ăn… còn lãi khoảng 180 triệu đồng. Sản phẩm thu nhập từ cấy lúa và trồng ngô nhằm phục vụ cho sinh hoạt gia đình và phát triển chăn nuôi. Tính chung, mỗi năm gia đình chị Thanh có thể thu về khoảng 580 triệu đồng sau trừ các khoản chi phí đầu tư.
Theo chị Thanh, để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi thì cần quan tâm đến công tác chọn giống và chất lượng thức ăn. Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng các loại bệnh chủ yếu trên gia súc, gia cầm có một vai trò qua trọng để bảo vệ đàn vật nuôi. Ngoài ra, cần vệ sinh chuồng trại thường xuyên kết hợp với phun khử trùng chuồng trại định kỳ, giữ ấm chuồng trại vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè nhằm bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh và nâng cao khả năng chống dịch bệnh của đàn gia súc, gia cầm. Các sản phẩm phụ từ chăn nuôi đều được chị tận dụng triệt để.
Bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh cho biết, gia đình chị Hoàng Thị Thanh là một tấm gương điển hình của xã trong phát triển chăn nuôi tổng hợp. Bên cạnh đó, gia đình chị cũng luôn gương mẫu trong thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Từ những thành tích trong phát triển kinh tế, từ năm 2022 đến nay, chị Hoàng Thị Thanh đã được Hội Nông dân Vị xuyên biểu dương, khen ngợi và tặng nhiều giấy khen.