Dấu ấn nữ quân nhân: Hương sắc bay xa

06/01/2022
Cùng với lan tỏa những việc làm ý nghĩa thì sức mạnh nội tại được các nữ quân nhân phát huy cao độ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ở đó, những nỗ lực, cố gắng của phụ nữ quân đội đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để chạm tới thành công...
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga và các em nhỏ ở Nam Sudan (năm 2018).

Nở rộ "hoa trạng nguyên”

Cách đây gần hai tháng, chúng tôi được dự buổi gặp mặt, chúc mừng các nữ tiến sĩ do Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10). Tại buổi gặp mặt, Trung tướng Cao Minh Tiến, Chính ủy học viện phấn khởi cho biết: 31 nữ tiến sĩ là con số ấn tượng và đáng tự hào không riêng đối với Đảng ủy, Ban giám đốc học viện mà còn là niềm tự hào của phụ nữ quân đội.

Lời phát biểu của Trung tướng Cao Minh Tiến đã “chạm” đúng tâm tư của những người có mặt hôm đó. Để rồi bao câu chuyện xúc động, bao nỗi niềm cũng như những mong muốn để có điều kiện cống hiến nhiều hơn nữa của những “bông hoa trạng nguyên” cứ thế được bộc bạch, giãi bày...

Trong số đó, câu chuyện của Thiếu tá, TS Nguyễn Thùy Linh (sinh năm 1985), Khoa Vô tuyến Điện tử là một ví dụ. Khi chị đi làm nghiên cứu sinh ở Nhật Bản, con lớn bắt đầu vào lớp 1, con trai út vừa được 8 tháng tuổi. Chị Linh bộc bạch: "Được sự động viên của lãnh đạo, chỉ huy học viện, của đồng chí, đồng đội và đặc biệt là hậu thuẫn vững chắc của gia đình, tôi gạt bỏ mọi băn khoăn, lo lắng, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu sinh".

Chia sẻ của Thiếu tá, TS Nguyễn Thùy Linh cũng là tâm sự của phần nhiều nữ quân nhân có học hàm, học vị hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Đề cập đến vấn đề này, nhiều lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cho rằng: Đạt được học vị tiến sĩ thì ngay cả nam giới cũng không dễ phấn đấu. Trong khi đó, phụ nữ còn gánh thêm thiên chức người giữ lửa tổ ấm gia đình. Đó cũng là lý do để nhiều "bông hoa trạng nguyên" băn khoăn, trăn trở rằng quỹ thời gian cống hiến sau khi đạt học hàm của phụ nữ thường ngắn hơn nam giới...

Tuy nhiên, trên thực tế, trước yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, các nữ quân nhân ngày càng nỗ lực hoàn thiện bản thân và khẳng định mình trên nhiều lĩnh vực công tác. Gần 30.600 nữ quân nhân có trình độ đại học; 32 phó giáo sư; 154 tiến sĩ; hơn 2.000 thạc sĩ; 295 bác sĩ chuyên khoa I, II... hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trong toàn quân là những con số minh chứng rõ nét cho điều đó.

Sáng đẹp "hoa hòa bình"

Trái ngược với hình dung của chúng tôi về nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) ở Nam Sudan, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam có vóc dáng nhỏ nhắn cùng giọng nói nhẹ nhàng, lôi cuốn và nụ cười luôn thường trực.

Trò chuyện cùng chị, ai cũng cảm nhận một nguồn năng lượng mạnh mẽ của ý chí, nghị lực và niềm tin. Có lẽ đây cũng chính là “bí quyết” giúp chị vượt qua các thử thách cam go để có mặt trong đội hình sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan vào tháng 1-2018.

12 tháng làm nhiệm vụ tại đất nước với những khác biệt quá xa về ngôn ngữ, văn hóa cùng bao khó khăn, thiếu thốn lại chính là khoảng thời gian quý báu giúp chị tiếp tục rèn luyện, thử thách bản thân. Kết thúc nhiệm kỳ, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga được Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan tặng hai Huy chương Vì sự nghiệp hòa bình và ổn định của LHQ và được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mọi mặt công tác (Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga nằm trong tỷ lệ 1-2% cán bộ hằng năm được LHQ ghi nhận).

Không thua kém người tiền nhiệm, tháng 11-2019, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương ghi dấu ấn là nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ trên cương vị là Quan sát viên quân sự tại Phái bộ Nam Sudan. Thay vì 12 tháng, nhiệm kỳ của chị kéo dài 17 tháng do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và yêu cầu nhiệm vụ.

Với bản lĩnh, nghị lực, tinh thần vượt khó cùng sự chuyên nghiệp, thông minh trong xử lý các tình huống, chị được đồng nghiệp quốc tế đặc biệt ấn tượng, nể phục đặt cho biệt danh “Bông hồng thép” giữa mảnh đất châu Phi cằn khô. Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương được phái bộ đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng Huy chương Gìn giữ hòa bình LHQ và bằng khen, giấy khen của chỉ huy phái bộ vì những đóng góp xuất sắc trong nhiệm kỳ công tác.

Tại lễ tuyên dương các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình LHQ của Bộ Quốc phòng diễn ra mới đây, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, tự hào cho biết: Đến nay, Việt Nam đã cử 246 lượt quân nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam đi làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình LHQ tại trụ sở LHQ và các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi. Trong đó, có 33 lượt nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến và 5 nữ sĩ quan theo hình thức cá nhân, đạt tỷ lệ 15,5%, cao hơn tỷ lệ trung bình hiện tại của lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình LHQ tại các phái bộ (6,4%).

Những nỗ lực và cố gắng của các nữ sĩ quan tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình LHQ đã được ghi nhận. Tại Hội nghị quốc tế về vai trò của phụ nữ và phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động gìn giữ hòa bình tổ chức tại Hà Nội tháng 11-2020, đại diện LHQ đánh giá cao các nữ quân nhân Việt Nam về tính chuyên nghiệp, khả năng hoàn thành nhiệm vụ và là điểm sáng trong nhiều hoạt động của LHQ tại các phái bộ thực địa, nhất là trong công tác đối ngoại nhân dân. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ mà những nữ quân nhân Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình còn tạo ra không khí, cảm hứng, truyền những giá trị của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

QĐND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video