Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững

21/08/2023
Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả ngành nông nghiệp, doanh nghiệp và đặc biệt là người nông dân. Chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung trao đổi tại Hội thảo “Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững” ngày 17/8 vừa qua.
Quang cảnh Hội thảo “Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững”

Ngày 17/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững” .

Nhấn mạnh đến việc thiết lập kiến trúc dữ liệu nền tảng số của ngành nông nghiệp cũng như tăng cường sự phối hợp giữa địa phương với Trung ương trong bảo vệ các hoạt động nông nghiệp xanh và bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, theo "Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Đến nay, ngành đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp thực hiện chức năng tham mưu, tổ chức triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử trong Bộ và ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Với sự nỗ lực, quyết tâm của các bên liên quan, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các địa phương sẽ góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả ngành nông nghiệp, doanh nghiệp và đặc biệt là người nông dân. Chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất.

Đánh giá cao những giải pháp chuyển đổi xanh và bền vững của ngành nông nghiệp, ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, hệ thống truy xuất nguồn gốc các-bon được số hóa đối với hai mặt hàng xuất khẩu gồm thanh long và tôm của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng, hướng đến “nền kinh tế xanh”. Bằng việc sử dụng công nghệ để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh thông minh thích ứng với khí hậu và tạo sinh kế bền vững của nông dân địa phương, chúng ta đang cùng nhau mở đường cho một tương lai xanh hơn, thịnh vượng hơn cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Tại Hội thảo, các tham luận đã chia sẻ về tầm nhìn chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; khai thác các nền tảng kỹ thuật số để giám sát và theo dõi "dấu chân” các-bon trong lĩnh vực xuất khẩu các nông sản chủ lực, đồng thời thúc đẩy chuỗi cung ứng phát thải các-bon thấp, thân thiện môi trường cho các sản phẩm như: thanh long và tôm cũng như triển khai các hệ thống kỹ thuật số để tăng cường quản lý sản xuất lúa.

dangcongsan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video