Bình Định: Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định đã chia sẻ như trên với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
Đa dạng hình thức, hướng mạnh vào môi trường bền vững
Các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới thông qua sinh hoạt chi hội/tổ, hội thi, diễn đàn, game show; tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ giúp nhau thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp; vận động hội viên hiến đất, góp công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn và đường bê tông tại địa phương; hướng dẫn và hỗ trợ hội đăng ký, sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; giúp đỡ hội viên xây dựng Mái ấm tình thương, thực hiện nếp sống văn hóa văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa vùng, miền.
Bên cạnh đó, Hội đã vận động mỗi hội viên lựa chọn 01 môn thể thao phù hợp để luyện tập rèn luyện sức khỏe; phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe; mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình “Tổ phụ nữ tự quản vệ sinh môi trường”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”....
Chuyển tải hơn 40 tin, bài, phóng sự về các hoạt động của Hội tham gia xây dựng nông thôn mới, phối hợp Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh cung cấp nội dung tuyên truyền tiêu chí môi trường cho Đài truyền thanh - truyền hình các huyện và Đài truyền thanh các xã góp phần hoàn thành nhiều nội dung như tiêu chí 10 (thu nhập), tiêu chí 11 (hộ nghèo), tiêu chí 12 (cơ cấu lao động), tiêu chí 16 (văn hóa), tiêu chí 17 (môi trường), tiêu chí 19 (an ninh trật tự và xã hội).
Theo đồng chí Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, hằng năm, 100% Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp triển khai đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động thiết thực, phù hợp tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh chủ yếu tập trung thực hiện tiêu chí môi trường như xây dựng mô hình tổ tự quản về văn minh đô thị, nhà từ thiện - gian hàng miễn phí, đường hoa do phụ nữ chăm sóc...
Hoạt động vệ sinh môi trường, phòng tránh rủi ro, thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu được các cấp Hội tiếp tục thực hiện gắn với thực hiện tiêu chí 3 sạch “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” thông qua nhiều hình thức phong phú, thiết thực như hội thi “Phụ nữ với công tác bảo vệ môi trường” (huyện Tuy Phước, Phù Cát), hội thi “Sức sống mới từ vật liệu phế thải” (huyện Vĩnh Thạnh)…
Hội hỗ trợ kinh phí xây dựng 07 Mái ấm tình thương trị giá 255 triệu đồng, tặng 262 suất quà cho học sinh khó khăn, trên 60 suất quà cho phụ nữ nghèo, trao gần 100 suất học bổng cho trẻ em nghèo, phối hợp với Viện Khoa học Duyên hải Nam trung bộ hỗ trợ giống Thanh Long ruột đỏ, bí đỏ và hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cho 30 hộ tại làng 3, huyện Vĩnh Thạnh…
Vận động các nhà hảo tâm trao 03 con bê cho phụ nữ nghèo ở huyện miền núi Vân Canh (trị giá 45 triệu đồng) giúp chị em vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững, phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh thành lập 67 tổ tự quản vệ sinh môi trường và hỗ trợ xe thu gom rác thải tại 39 xã của 8 huyện, thị xã, thành phố.
Tích cực bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho Hội viên
Tính đến cuối năm 2018, các cấp Hội đã công nhận 177.213 hộ đạt 8 tiêu chí/227.604 hộ đăng ký thực hiện (đạt 77,8%), trong đó có 266 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều. Duy trì và nhân rộng các mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản, mô hình 3 sạch, mô hình gia đình thân thiện với môi trường, chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch..., đến nay đã có 1.145 mô hình với 57.017 thành viên.
Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã thể hiện tốt vai trò, chức năng đại diện của mình trong việc chủ động, chủ trì tổ chức các hoạt động giám sát và phối hợp giám sát theo tinh thần Quyết định 217 và Quyết định 218, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới và những vấn đề liên quan đến môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Tham gia xây dựng công trình nông thôn mới
Tỉnh Hội đã chủ trì giám sát 03 chính sách về Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 tại 02 huyện Phù Cát và Hoài Ân; vệ sinh an toàn thực phẩm tại 02 cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm, bánh phở tại thành phố Quy Nhơn; khoản 3 Điều 54, Luật Bảo hiểm xã hội về điều kiện hưởng lương hưu của lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tại 11 huyện/thị/thành phố.
Nhờ xác định “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, sau 10 năm, các cấp Hội đã nỗ lực không ngừng để xây dựng đội ngũ cán bộ Hội theo phương châm “sâu một việc, biết nhiều việc”, từng bước chuẩn hóa theo chức danh, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới, thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ.
Nhiều mô hình tập hợp hội viên có hiệu quả được hình thành và nhân rộng như “Phụ nữ tôn giáo”, “Nữ thanh niên”, “Phụ nữ hưu trí”, “Nữ cán bộ công nhân viên chức”, “Nữ tiểu thương tự tin tự trọng”, “Nữ thương binh đảm đang, trung hậu”, “Phụ nữ nòng cốt”...
Thông qua các hoạt động, tỷ lệ thu hút hội viên tham gia ngày càng được nâng lên rõ rệt, đạt 81,66% hội viên tham gia sinh hoạt và các hoạt động do Hội Phụ nữ các cấp tổ chức. Đến tháng 6/2019, tổng số hội viên là 232.509 (không bao gồm hội viên thuộc lực lượng vũ trang và đoàn viên công đoàn, Hội Nữ doanh nhân).
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định thẳng thắn thừa nhận một số địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của tỉnh, một số xã miền núi, đặc thù tập trung phần lớp người đồng bào dân tộc, cuộc sống khó khăn, nhận thức chưa đồng đều vì vậy tham gia đóng góp chưa nhiều. Nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hằng năm còn ít, chủ yếu vận động từ các nguồn xã hội hóa nên đôi lúc chưa đảm bảo và kịp thời. Tình trạng ô nhiễm môi trường còn chậm khắc phục ở một số địa phương, đời sống của dân cư tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Còn khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động thực hiện một số tiêu chí: tiêu chí xóa đói nghèo (vì đa phần rơi vào hộ không còn sức lao động, già yếu, neo đơn); tiêu chí xóa trẻ em bỏ học, suy dinh dưỡng (phần lớn rơi vào các gia đình có kinh tế khó khăn, những tác động của mặt trái xã hội vào đối tượng trẻ em bị nghiện game, cha mẹ ít quan tâm đến con cái... dẫn trẻ em bỏ học, suy dinh dưỡng).
Thời gian tới, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định xác định tiếp tục công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chị em về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm phổ biến sâu rộng các tiêu chí của nông thôn mới để mọi người nhận thức và tự giác thực hiện.
Giúp nhau thu hoạch lúa
Vận động các ngành hỗ trợ giúp đỡ hội viên nghèo phát triển kinh tế để tăng thu nhập cải thiện đời sống và thoát nghèo; khai thác các nguồn vốn vay và dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ; kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm...
Bên cạnh đó, tích cực vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ gương mẫu tham gia góp công, góp của để xây dựng, tu sửa, nâng cấp hệ thống đường giao thông thôn xóm, các công trình nhà văn hoá, trường học, trạm y tế, bảo vệ môi trường, thực hiện các tiêu chí về nhà ở, khu dân cư, ủng hộ, giúp đỡ cho phụ nữ nghèo…
Tăng cường phối hợp các ngành mở các lớp tập huấn hướng dẫn kiến thức về công tác xây dựng nông thôn mới, tập trung các nội dung: vai trò của phụ nữ trong kỹ năng nuôi dạy con; quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội, mắc các tệ nạn xã hội, phòng chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS, bạo lực gia đình… gắn với giáo dục truyền thống, đạo đức lối sống.
“Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, cũng như triển khai “Cuộc vận động 5 không, 3 sạch” xây dựng nông thôn mới”, đồng chí Thu Thủy cho biết.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định đề nghị Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ Hội; quan tâm hỗ trợ nguồn lực và tài liệu tuyên truyền để các cơ sở Hội tiếp tục triển khai thực hiện "Cuộc vận động 5 không, 3 sạch" gắn với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đạt hiệu quả; nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, cũng như quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình Chi hội 5 không, 3 sạch, nhóm cha mẹ có con từ 0-8 tuổi….