Bắc Giang: Hợp tác xã Lục Ngạn Xanh góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương
![](https://www.hoilhpn.org.vn/documents/20182/10008627/20_Nov_2024_091837_GMT%C4%90%E1%BA%A1i_di%E1%BB%87n_HTX_L%E1%BB%A5c_Ng%E1%BA%A1n_Xanh_%28%C4%91%E1%BB%A9ng_th%E1%BB%A9_t%C6%B0_t%E1%BB%AB_tr%C3%A1i_sang%29_nh%E1%BA%ADn_gi%E1%BA%A3i_Ba__t%E1%BA%A1i_L%E1%BB%85_trao_gi%E1%BA%A3i_Chung_k%E1%BA%BFt_c%E1%BA%A5p_v%C3%B9ng_khu_v%E1%BB%B1c_mi%E1%BB%81n_B%E1%BA%AFc.jpg/85c7eedf-1901-428b-b652-c02e4accb31c)
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Chính phủ, từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội LHPN tỉnh Bắc Giang đã giúp cho trên 2.000 hội viên phụ nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế; hỗ trợ thành lập 205 hợp tác xã/tổ phụ nữ liên kết/tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ.
Với sự quan tâm của các cấp Hội, phong trào phụ nữ khởi nghiệp đã có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn thể hội viên phụ nữ tỉnh Bắc Giang, từng bước giúp chị em có điều kiện phát triển kinh tế, không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, gương làm kinh tế giỏi, góp phần to lớn vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Mô hình “Hợp tác xã Lục Ngạn Xanh” của chị em hội viên phụ nữ huyện Lục Ngạn là một điển hình tiêu biểu.
Hợp tác xã (HTX) Lục Ngạn xanh thành lập năm 2021 với 8 thành viên, do chị Nguyễn Thị Minh Thùy làm Giám đốc. Hiện nay, HTX đã có 22 thành viên, trong đó có 6 thành viên nữ, 12 thành viên là người dân tộc thiểu số. Đây là một mô hình sản xuất các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, chất lượng, cung ứng tất cả các sản phẩm nông sản hàng hóa cho tất cả các cửa hàng, đại lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh với nhiều mặt hàng nông sản. Trong đó, có các sản phẩm mang thương hiệu OCOP Bắc Giang.
Những ngày đầu hoạt động, HTX gặp không ít lúng túng trong việc thống nhất cách thức hoạt động, cách thức áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và cũng gặp khó khăn trong việc giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đầu ra, giá cả không ổn định, chưa tiếp cận được nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước. Chính vì vậy, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực thành viên trong HTX, các thành viên HTX đã được tham gia các lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp, tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh trực tiếp tổ chức hoặc phối hợp với Liên minh HTX, Sở nông nghiệp và PTNT tổ chức. Ngoài ra, Ban Giám đốc HTX cũng tổ chức tham quan học tập các mô hình kinh tế tập thể, các khu sản xuất công nghệ cao để tìm hiểu, nghiên cứu, tham khảo, học hỏi tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất của các HTX thành công, để áp dụng cho phù hợp với điều kiện địa phương, đồng thời nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
HTX Lục Ngạn Xanh tham gia trưng bày sản phẩm
Hiện nay, HTX sản xuất chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích là 25 ha, trong đó vải thiều là 15 ha (sản xuất và đạt chứng nhận VietGAP), còn lại là 10 ha trồng các loại như táo, ổi, hoa cúc chi, rau công nghệ cao. Ở lĩnh vực chế biến, HTX có 1 xưởng sản xuất Mỳ Chũ truyền thống tại thôn Thủ Dương, xã Nam Dương và 01 xưởng chế biến nhỏ để sấy hoa cúc chi, trà dược liệu, sấy vải thiều tại thôn Trường Sinh, xã Tân Quang. HTX đang ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất, đặc biệt là cải tạo đất, xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón vi sinh, tạo thuốc bảo vệ thực vật sinh học để hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ trong sản xuất. Mô hình như dưa lê, dưa chuột, hoa cúc chi… của HTX hiện nay hoàn toàn dùng phân bón hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học để sản xuất. Với cách làm này, HTX đã giảm được chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là giảm sử dụng phân bón hóa học trong sản xuất, tăng sử dụng nguồn phụ phẩm để tạo nguồn phân bón tại chỗ.
Để quảng bá sản phẩm, HTX cùng với Hội phụ nữ và các ngành tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; tham gia các hoạt động Kết nối cung cầu; Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức …
Năm 2024, tham gia Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức với dự án “Phát triển nông nghiệp xanh tại vùng cây ăn quả Lục Ngạn, Bắc Giang”, HTX Lục Ngạn Xanh đã đạt giải ba tại vòng Chung kết Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp Vùng khu vực miền Bắc.
Hiện nay, HTX đang tập trung làm chủ yếu sản phẩm chế biến đó là vải sấy, mỳ Chũ truyền thống, trà dược liệu sấy (hoa cúc chi, cỏ ngọt, bạc hà). Đây là nhóm sản phẩm HTX có thế mạnh về vùng nguyên liệu, kiểm soát được mức độ an toàn nguyên liệu đầu vào, có quy trình chế biến hoàn thiện, sản phẩm có chất lượng tốt so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Mô hình HTX Lục Ngạn Xanh không những góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống cho các thành viên trong HTX, mà còn là nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm để hội viên phụ nữ cũng như người dân địa phương cùng học tập, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Trong thời gian tới, Ban Giám đốc HTX sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, mở rộng phát triển quy mô, đồng thời tập trung đầy mạnh xây dựng thường hiệu sản phẩm nông sản sạch an toàn.