Thay đổi quan niệm sinh con tại nhà cho chồng và mẹ chồng sản phụ

05/08/2024
“Muốn thay đổi quan niệm về việc sinh con tại nhà cần có sự tham gia của chồng và mẹ chồng sản phụ; cán bộ địa phương và những người có ảnh hưởng như trưởng thôn, người cao tuổi trong cộng đồng”, cô đỡ thôn bản Hnhach (tại xã Đê Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) chia sẻ.
Cô đỡ thôn bản Hnhach (thứ 2 từ phải sang) với các sản phụ tại Trung tâm Y tế xã Đê Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai

Giống như các xã vùng sâu, vùng xa, người dân xã Đê Ar (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là với phụ nữ mang thai. 

Chị Hnhach (SN 1993), người dân tộc Ba Na, hiện là cô đỡ thôn bản tại xã Đê Ar. Hnhach cho biết: "Không dễ gì thay đổi những quan niệm đã ăn sâu trong tâm trí của bà con nơi đây. Phụ nữ nơi tôi sinh sống vẫn còn ngần ngại việc sinh con tại bệnh viện do khoảng cách từ nhà đến cơ sở y tế khá xa và do kinh phí đi lại. Nhiều người chỉ đơn giản cảm thấy không thoải mái khi sinh con trong bệnh viện".

Cô đỡ thôn bản Hnhach kể lại một trường hợp đáng tiếc. Tháng 3/2023, có một sản phụ chưa đầy 30 tuổi mang thai lớn, ngôi thai ngược. Khi thăm khám, Hnhach đã thuyết phục sản phụ và gia đình sản phụ đến ngày dự sinh thì phải đi bệnh viện nhưng họ không nghe. 

"Đúng lúc tôi về chịu tang mẹ chồng, cách nhà sản phụ này 150km thì sản phụ đau đẻ quá mới gọi điện thoại cho tôi. Biết sự việc gấp gáp, tôi liền báo ngay đến Trạm Y tế xã để xuống nhà sản phụ hỗ trợ nhưng đã quá muộn, không thể cứu được em bé", chị Hnhach kể lại.

Tại xã Đê Ar, chúng tôi gặp Yeng, một người mẹ có 6 con. Chị Yeng kể: "Tôi sinh 6 đứa con thì 5 đứa sinh ở nhà, chỉ có chồng đỡ đẻ cho tôi". Chồng chị Yeng, anh Ngyưk, thừa nhận việc giúp vợ đẻ tại nhà tuy hơi sợ nhưng "đó là việc cần phải làm".

Cô đỡ kiêm phiên dịch cho sản phụ

Chị Yeng, anh Ngyưk và các con

Hnhach là một trong hai cô đỡ thôn bản ở xã Đê Ar tham gia lớp tập huấn cho cô đỡ thôn bản do Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức. Biết rằng việc thay đổi thói quen sinh đẻ tại nhà của sản phụ là điều không thể làm trong một sớm, một chiều nên cô đỡ HNhach đã dành nhiều thời gian để tuyên truyền theo kiểu "mưa dầm thấm lâu". 

Sau khi tham gia chương trình tập huấn, Hnhach bắt đầu vận động các sản phụ tham gia các buổi trò chuyện về lợi ích của việc sinh con tại bệnh viện. "Thay đổi quan niệm truyền thống cũng cần hướng tới người chồng và mẹ chồng của sản phụ, cán bộ địa phương và những người có ảnh hưởng như trưởng thôn, người cao tuổi trong cộng đồng", Hnhach chia sẻ.

Chỉ riêng trong năm 2022, cô đỡ thôn bản Hnhach đã hỗ trợ 24 ca sinh con tại nhà, đồng thời vận động sản phụ người Ba Na đến bệnh viện sinh nở. Những nỗ lực của Hnhach dần có kết quả khi nhiều sản phụ nơi đây nhận ra ý nghĩa của việc sinh con tại bệnh viện. 

Có những sản phụ không biết nói tiếng phổ thông, khi vận động họ đến cơ sở y tế sinh con, cô đỡ HNhach lại khăn gói đi theo sản phụ để làm người phiên dịch. 

HNhach chia sẻ: "Nhiều ca dự đoán khó đẻ, mình quyết tâm theo sát, đốc thúc sản phụ đến cơ sở y tế. Bác sĩ khuyên, nhắc nhở gì thì mình dịch sang tiếng Ba Na cho sản phụ nghe, còn khi sản phụ trao đổi bằng tiếng Ba Na thì mình dịch sang tiếng phổ thông cho bác sĩ nghe".

Cần tăng cường đầu tư vào mạng lưới cô đỡ thôn bản

Với sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, đến nay, tỉnh Gia Lai đã kéo giảm được tỷ lệ tử vong mẹ xuống 40% (năm 2023 còn 3 ca tử vong mẹ, giảm 2 ca so với năm 2022). 

Trên 60% phụ nữ mang thai được khám thai định kỳ, hơn 91% sản phụ được cán bộ có kỹ năng đỡ đẻ. Gần 75% trẻ được chăm sóc theo quy trình sản khoa mới EENC nhằm giảm tai biến sản khoa và tử vong ở trẻ sơ sinh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, những năm qua tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm hơn 5 lần (từ mức 233/100.000 trẻ sinh sống năm 1990 xuống còn trên 44/100.000 trẻ sinh sống năm 2023). 

Tuy nhiên, còn có sự cách biệt về tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa các nhóm dân tộc. Tỷ lệ tử vong mẹ ở người dân tộc thiểu số cao gấp 7 lần so với người Kinh; tỷ lệ tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng ở trẻ, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi ở khu vực miền núi cao gấp 2 - 3 lần so với tỷ lệ trung bình toàn quốc. 

Đặc biệt, tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em và suy dinh dưỡng ở trẻ còn rất cao ở vùng khó khăn, trong các hộ nghèo, cận nghèo và một số nhóm dân tộc.

Trước thực trạng này, ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, đề xuất Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào mạng lưới cô đỡ thôn bản. Theo đó, cần có những chế độ phù hợp để giữ chân các cô đỡ thôn bản trong mạng lưới. 

Ngoài ra, cũng cần tăng cường hỗ trợ cho cán bộ y tế, đặc biệt là trên phương diện đào tạo và trang thiết bị. "Các nhân viên y tế và các cô đỡ thôn bản cần phải có những trang thiết bị phù hợp để có thể chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản tốt hơn. 

UNFPA cam kết tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế nhằm chấm dứt tử vong mẹ và đảm bảo các quyền và lựa chọn cho mọi người ở mọi nơi", ông Matt Jackson nhấn mạnh.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video