Thanh Hoá: Mỗi phụ nữ cần nâng cao trình độ văn hóa, cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi của tội phạm mua bán người
Những năm gần đây, mua bán người đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Liên Hiệp quốc đã xác định đây là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất hiện nay và được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”. Tại Việt Nam, nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đa số thuộc các dân tộc thiểu số, thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Đối với Thanh Hoá, là tỉnh có diện tích rộng, đông dân cư, đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội và nhận thức của quần chúng nhân dân không đồng đều, một số xã kinh tế còn nghèo, trình độ dân trí thấp, có nhiều phụ nữ đi làm ăn và lấy chồng sinh sống tại Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc... hoặc số phụ nữ là bị hại trong các vụ án mua bán người trước đây hàng năm trở về địa phương buôn bán, thăm thân, lễ Tết, lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để tìm cách dụ dỗ, lừa gạt đưa những người Việt Nam bán sang Trung Quốc và một số quốc gia khác để làm vợ, bóc lột tình dục và bóc lột sức lao động.
Thời gian qua, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và ký kết nhiều hiệp định, tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân cũng như tăng cường đấu tranh trấn áp tội phạm. Qua đó, Hội LHPN tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động phòng, chống mua bán người, như: Truyền thông, hỗ trợ tạo việc làm cho nạn nhân, hỗ trợ pháp lý...
Ngày toàn dân phòng chống mua bán người năm 2024 có chủ đề: “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”, nhằm thúc đẩy nâng cao nhận thức và kêu gọi tăng tốc các hoạt động để chấm dứt nạn mua bán người đối với trẻ em. Với tinh thần đó, đại diện lãnh đạo Hội LHPN tỉnh đã kêu gọi các cấp Hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực hưởng ứng, thực hiện bằng những việc làm cụ thể thiết thực; Hội LHPN các cấp đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về phòng, chống mua bán người tại cộng đồng, nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, hội viên nòng cốt tại địa phương; tham mưu cho cấp ủy, tích cực trong phối hợp với chính quyền chỉ đạo và thực hiện công tác phòng, chống mua bán người.
Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp cũng tạo điều kiện cho nạn nhân được tham gia các chương trình, chính sách hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề để tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng, nhân rộng các mô hình truyền thông, mô hình hỗ trợ nạn nhân có hiệu quả; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người; thường xuyên sơ kết, tổng kết, khen thưởng, biểu dương, rút kinh nghiệm nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm mua bán người ở cơ sở.
Thông qua chương trình đã truyền đi thông điệp, mỗi phụ nữ hãy nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, tinh thần cảnh giác, kỹ năng tự bảo vệ mình và gia đình trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm mua bán người; nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết...