Phụ nữ và thanh niên cần sử dụng công nghệ một cách thông minh để ngăn chặn nạn mua, bán người
Chương trình đối thoại có sự tham gia của Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương; bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; bà Park Mi-Hyung, Trưởng đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM); Đại tá Vũ Xuân Đại, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; bà Phan Thị Minh Giang - Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; các Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper, Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil, Đại biện lâm thời Thụy Điển tại Việt Nam Lina Roine, Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Carmen Cano De Lasala, Phó Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Ginny Chapman, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Shige Watanabe; đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Hội LHPN TP. Hà Nội và 200 phụ nữ, thanh niên, sinh viên từ các trường Đại học, Học viện, các chi hội phụ nữ trên địa bàn thành phố.
Các đại biểu tham dự chương trình
Chương trình “Đối thoại: Phụ nữ và thanh niên tích cực dẫn đầu công tác truyền thông phòng, chống mua bán người” được tổ chức nhằm tạo môi trường giao lưu, trao đổi và nâng cao tiếng nói của những người trẻ trong PCMBN và di cư lao động. Đây là một trong chuỗi các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2024 với chủ đề “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”, góp phần cụ thể hóa các cam kết của Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại nạn mua, bán người.
Theo số liệu thống kê đầu năm 2024, Việt Nam có hơn 78 triệu người dùng internet và số lượng người dùng mạng xã hội là gần 73 triệu người, chiếm 73.3% dân số. Mạng internet và các thiết bị di động phổ biến, dễ tiếp cận và sử dụng vừa là cơ hội cho người dân tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển kinh tế nhưng cũng làm tăng nguy cơ khiến họ có thể trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, Internet và không gian mạng xã hội là môi trường phù hợp để truyền đi nhanh chóng và hiệu quả các thông điệp về phòng, chống mua bán người và di cư lao động an toàn tiếp cận với đại đa số người dân.
Trong bối cạnh đó, Hội LHPN Việt Nam đã và đang tăng cường phát huy những lợi thế của công nghệ số, mạng xã hội để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người. Các cấp Hội Phụ nữ hiện có khoảng gần 10 nghìn trang fanpage facebook, hơn 70 nghìn nhóm zalo được thành lập phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức hoạt động Hội. Các Cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội là diễn đàn cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hội viên, phụ nữ và nhân dân về phòng, chống mua bán người. Các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội về phòng, chống mua bán người với các hình thức mới mẻ, nội dung hấp dẫn cũng được triển khai, đã thu hút được hàng triệu lượt tiếp cận từ công chúng khắp cả nước.
Đồng thời, Hội LHPN các cấp cũng ưu tiên triển khai nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục PCMBN tới các đối tượng thanh thiếu niên; tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng làm cha mẹ để tăng cường chăm sóc và bảo vệ trẻ em; tổ chức nhiều hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế gia đình tạo điều kiện giúp trẻ em được học hành, vui chơi; chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ các trẻ em mồ côi để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em vươn lên trong học tập và cuộc sống. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội đã giúp đỡ 122/144 nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về được tiếp cận ít nhất 01 dịch vụ trợ giúp xã hội, đạt tỷ lệ 85%.
Hội LHPN Việt Nam cũng xác định sinh viên, học sinh vừa là đối tượng nhắm đến của loại tội phạm mua bán người, đồng thời vừa là lực lượng tích cực dẫn đầu trong công tác này. Với sức trẻ, nhiệt huyết và vốn kiến thức được bồi đắp qua những hoạt động, sự kiện truyền thông, các em thanh thiếu niên chắc chắn sẽ đóng góp một phần to lớn tạo nên cuộc sống bình yên, an toàn và lành mạnh cho chính các em và toàn xã hội.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại chương trình
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh: “Chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống mua bán người năm nay là "Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người. Mỗi chúng ta hãy luôn là một tuyên truyền viên, là cầu nối và lá chắn vững chắc góp phần cùng toàn dân, toàn xã hội chung tay phòng chống tội phạm mua bán người và tạo ra môi trường di cư lao động an toàn. Đồng thời, với những người trẻ, tôi cũng mong rằng các bạn với thế mạnh về sự hiểu biết và tinh thần học hỏi trong thời đại công nghệ số sẽ sử dụng công nghệ một cách thông minh để chủ động bảo vệ bản thân mình và đóng góp vào công cuộc phòng, chống mua bán người để bảo vệ những người xung quanh và gìn giữ an ninh, an toàn xã hội”.
Phát biểu tổng kết về Cuộc thi “Sáng kiến truyền thông của thanh niên thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người” và Triển lãm sáng kiến tại chương trình, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc gửi lời chúc mừng đến tất cả các bạn trẻ đã kiến tạo sự thay đổi thông qua “Cuộc thi sáng kiến truyền thông của thanh niên thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người” do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc gửi lời chúc mừng đến tất cả các bạn trẻ đã kiến tạo sự thay đổi thông qua “Cuộc thi sáng kiến truyền thông của thanh niên thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người”
“Cùng nhau tiếp tục thúc đẩy sự sáng tạo, tiếp nguồn năng lượng và thắp sáng quyết tâm của thanh niên Việt Nam để đối mặt với những thách thức phức tạp của thời đại kỹ thuật số bằng cách đầu tư vào giáo dục, trang bị kiến thức và kỹ năng cũng như ủng hộ các sáng kiến của thanh niên, chúng ta có thể cùng đấu tranh với các mối đe dọa hiện nay. Những người trẻ đã đang truyền cảm hứng, dẫn đầu phong trào toàn cầu tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá. Cùng nhau, chúng ta có thể chặn đứng nạn mua bán người. Chúng ta có thể xây dựng một tương lai nơi mọi trẻ em đều có thể phát triển trong môi trường an toàn và tôn trọng nhân phẩm”, bà Pauline Tamesis khẳng định.
Đối thoại "Phụ nữ và thanh niên dẫn đầu trong công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người"
Tại chương trình, thông qua hình thức đối thoại giữa thanh thiếu niên và đại diện một số Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, đại diện một số đại sứ quán Anh, Mỹ, Canada… không chỉ cung cấp thêm kiến thức về thực trạng cũng như những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, nhất là thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, mạng Internet mà còn cung cấp địa chỉ tìm kiếm nguồn thông tin chính thống về cơ hội học tập và lao động tại một số quốc gia; giải pháp tiếp tục phát huy mạnh mẽ, đồng bộ sức mạnh và sự lan tỏa của không gian mạng vào việc PCMBN và thúc đẩy di cư an toàn.
Các bạn sinh viên thuyết trình về “Sáng kiến truyền thông của thanh niên thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người”
Bên cạnh đó, các học sinh, sinh viên, phụ nữ, thanh niên cũng được nghe thuyết trình về “Sáng kiến truyền thông của thanh niên thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người” với ý tưởng “Ba Lô di cư” và “Ngày hội Hộ chiếu di cư an toàn”...; xem video truyền tải thông điệp, tham gia trò chơi tương tác tìm hiểu kiến thức, nắm bắt thông tin về PCMBN và di cư an toàn.
Một số hình ảnh tại chương trình: