Phụ nữ Đắk Nông tích cực bảo vệ an ninh Tổ quốc, hỗ trợ kịp thời nạn nhân bị bạo lực, xâm hại
Tỉnh Đắk Nông hiện có trên 110.893 hội viên, phụ nữ sinh hoạt tại 227 chi, tổ Hội. Xác định đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc tham gia xây dựng Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" góp phần giữ vững an ninh trật tự từ cơ sở, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực phối hợp với các cấp, các ngành đề ra các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Một trong những giải pháp tích cực đó đẩy mạnh và đa dạng các hoạt động tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như: hội thi, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt chi Hội, CLB…
Đại diện lãnh đạo Hội LHPN tỉnh cho biết, để công tác truyền thông đi vào chiều sâu, Hội luôn chú trọng tuyên truyền bằng hình thức thích hợp tại vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); phối hợp chặt chẽ đối với lực lượng công an các cấp để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
Hội Phụ nữ Công an tỉnh Đắk Nông nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bon N’Jriêng, xã Đắk Nia, Gia Nghĩa
Kết quả ban đầu, Hội đã tổ chức được trên 2.000 hoạt động tuyên truyền, thu hút trên 130.000 lượt hội viên, phụ nữ tham gia. Ngoài ra, các cấp Hội còn đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức về pháp luật, tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng ngừa các tệ nạn xã hội từ gia đình…
Hỗ trợ kịp thời nạn nhân bị bạo lực, phụ nữ và trẻ em bị xâm hại
Không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, các cấp Hội phụ nữ Đắk Nông còn chú trọng xây dựng các mô hình, câu lạc bộ, điển hình tiên tiến trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng, duy trì và nhân rộng trên 200 mô hình, điển hình, trong đó tiêu biểu như: "Gia đình không có người thân phạm tội và tệ nạn xã hội", "Gia đình 5 không, 3 sạch", "Phụ nữ với pháp luật", "Phòng chống bạo lực gia đình về tảo hôn và hôn nhân cận huyết", "Gia đình không có bạo lực"… Từ thực tế của phong trào, đã xuất hiện nhiều tập thế, cá nhân điển hình như: Hội LHPN thành phố Gia Nghĩa, Hội LHPN huyện Đắk R’lấp, Chi hội trưởng thôn Nam Cao, xã Đắk Sô, huyện Krông Nô Nguyễn Thị Lâm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Glong H’Mhêl…
Thời gian qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng lên tiếng 39 vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; hỗ trợ được 41 trẻ bị bỏ rơi và xâm hại, bạo hành; phối hợp các đơn vị liên quan giáo dục, cảm hóa hơn 45 trường hợp phạm tội và tệ nạn xã hội tự giác đầu thú, tuân thủ các quy định của pháp luật… Ở cấp cơ sở, nhiều hội viên phụ nữ còn tham gia các tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (tổ hòa giải, tổ xung kích…). Đây được xem là lực lượng nòng cốt, kịp thời có mặt phục vụ yêu cầu công tác giữ gìn giữ an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, duy trì, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.
Chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản” của Hội LHPN Đắk Song, tỉnh Đắk Nông
Vận dụng, lồng ghép hoạt động các đề án hiệu quả
Các cấp Hội cũng đã vận dụng thực hiện Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" gắn với việc chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên thông qua triển khai các chương trình, đề án. Cụ thể như: thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không/5 có, 3 sạch"; Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025"; Chương trình "Mẹ đỡ đầu"; Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" giúp hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn ở địa bàn biên giới… Thông qua các hoạt động này, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2023 còn 5,18%; nâng cao đời sống tinh thần, góp phần phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội chung của tỉnh.
Đánh giá của Hội LHPN tỉnh cho thấy, với những nỗ lực của các cấp Hội phụ nữ trong việc tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm; các vụ, việc phức tạp đã được phát hiện, giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở. Phong trào đã góp phần củng cố tình đoàn kết gia đình thôn xóm, giữ vững trật tự an toàn trên địa bàn.
Thông qua các buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ nắm bắt tư tưởng, truyền tải các thông tin chính thống, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Ảnh: Báo Đắk Nông
Phát huy hiệu quả đạt được, trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên phụ nữ và người dân tích cực tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", nhất là nâng cao ý thức phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, ý thức trách nhiệm trong chấp hành pháp luật. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về công tác phòng, chống tội phạm, ưu tiên các nhóm nguy cơ cao. Thường xuyên cập nhật và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội về các hình thức, thủ đoạn và kỹ năng phòng ngừa các hành vi của tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao.