Nghệ An: Những cán bộ Hội cơ sở năng động, trách nhiệm với phong trào
Chị Hoàng Hương Thảo - Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu
Là Chủ tịch Hội luôn chủ động dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong các hoạt động Hội, trong những năm qua, chị Thảo cùng với Ban Thường vụ Hội LHPN xã đã sáng tạo phát động và triển khai hiệu quả phong trào “Phụ nữ Quỳnh Đôi chung sức xây dựng nông thôn mới”, gắn với tuyên truyền, vận động, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, hội viên và nhân dân thực hiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu với 8 tiêu chí của cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”.
Hội LHPN xã đã chủ động đưa vào chỉ tiêu thi đua “Mỗi chi hội đăng ký giúp đỡ ít nhất 02 hộ gia đình đạt tiêu chí “5 có 3 sạch”. Toàn xã giúp đỡ ít nhất 5 hộ gia đình gắn với xây dựng mô hình “Chi hội phụ nữ 5 có 3 sạch” và mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”; hướng dẫn các chi hội phụ nữ phối hợp với ban quản lý thôn rà soát các gia đình chưa đạt 8 tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch” trong năm để tập trung, quyết liệt chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm với chỉ tiêu được giao. Thông qua các hoạt động của tổ chức Hội, từ năm 2021 đến nay, Hội đã giúp đỡ 09 hộ là hội viên phụ nữ thoát cận nghèo, trong đó có 4 phụ nữ làm chủ theo tiêu chí đa chiều.
Nhiều mô hình hay, sáng tạo góp phần xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, tiêu biểu đã được Hội LHPN xã triển khai hiệu quả như: “Phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình”, “Chi hội phụ nữ 5 có 3 sạch”; “Tuyến đường xanh, Tường bao xanh”, “Biến rác thải thành yêu thương”. Qua đó, đã trao tặng 100 thùng đựng rác hữu cơ, 130 thùng đựng rác tại hộ gia đình với tổng số tiền trên 35 triệu đồng; đảm nhận 5km các tuyến đường để thực hiện vệ sinh môi trường, trồng hoa, quản lý “Đoạn đường mẫu”, đoạn đường “Xanh - Sạch - Đẹp”.
Bên cạnh đó, Hội LHPN xã cũng tích cực triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ, đồng hành cùng phụ nữ, trẻ em; nhất là phụ nữ yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, thông qua hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, tạo việc làm.
Chị Hoàng Hương Thảo chia sẻ: Từ năm 2022 đến nay, các chi hội đã tặng 132 suất quà, thẻ BHYT cho hội viên phụ nữ, các cháu có hoàn cảnh khó khăn trị giá gần 43 triệu đồng; giúp đỡ hội viên mắc bệnh hiểm nghèo số tiền 185 triệu đồng. Chương trình “Mẹ đỡ đầu gắn kết yêu thương” cũng nhận được sự quan tâm của hội viên, phụ nữ và các mạnh thường quân, đến nay có 15 cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đã được nhận đỡ đầu với số tiền 63 triệu đồng và quà trị giá 15 triệu đồng.
Chị Trần Thị Trung - Chủ tịch Hội LHPN xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ
Là một xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Kỳ với 70% là người dân tộc Thổ, bản thân chị Trung cũng là người dân tộc thiểu số nên hiểu rõ bản sắc văn hóa và phong tục của người địa phương, vì vậy, chị luôn trăn trở để lựa chọn các nội dung, hoạt động phù hợp từng thời điểm, từng đối tượng tham gia vừa đáp ứng yêu cầu của Hội, vừa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, được hội viên phụ nữ tích cực hưởng ứng.
Chị Trần Thị Trung - Chủ tịch Hội LHPN xã Giai Xuân phát biểu tại Hội thi Gia đình ươm mầm măng non
Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, Hội LHPN xã đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, hướng các hoạt động về chi hội, quan tâm chi hội khó khăn. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động nhằm thu hút, tập hợp hội viên tham gia sinh hoạt Hội; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao gắn với sinh hoạt chuyên đề, lựa chọn phương thức, tổ chức hoạt động phù hợp thực tế địa phương. Đa dạng hóa các hình thức, nội dung sinh hoạt; tăng cường tập hợp, thu hút các nhóm đối tượng là phụ nữ cao tuổi vào tham gia sinh hoạt. Tổ chức các hoạt động, các mô hình như: “Triệu phần quà chia sẻ yêu thương”; “Gian hàng không đồng”, “Làn nhựa đi chợ”, “bán hàng gây quỹ vì trẻ em và phụ nữ nghèo”; “Hỗ trợ Mô hình sinh kế”; chương trình “Mẹ đỡ đầu”, “Đèn lồng thắp sáng ước mơ trẻ em nghèo”.
Từ các hoạt động thiết thực, ý nghĩa đã huy động được hơn 60 triệu đồng giúp cho phụ nữ nghèo, học sinh nghèo và gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã phát triển kinh tế; hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương, tặng quà gia đình chính sách và nhận đỡ đầu 02 trẻ mồ côi cả cha và mẹ.
Trên cơ sở đa dạng hóa các hình thức tập hợp thu hút hội viên, từ 2021 đến nay, toàn xã đã phát triển thêm 385 hội viên, tổng số hội viên trên địa bàn là 1.928, đạt tỷ lệ 61,7%.
Chị Lữ Thị Lê – Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu
Xã Châu Hội là xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi huyện Quỳ Châu, kể cả nếp nghĩ, cách làm của người dân. Với vai trò người đứng đầu tổ chức Hội Phụ nữ xã, chị Lữ Thị Lê đã cùng với Ban Thường vụ triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Hội Phụ nữ xã lựa chọn nội dung, phát động phong trào “Phụ nữ với môi trường xanh, sạch, đẹp”; chương trình “1 tỷ cây xanh”, xây dựng “Tuyến đường hoa Bằng Lăng”; vận động hội viên hiến đất, hiến cây, góp công, tiền mặt với tổng số tiền 304 triệu đồng để xây dựng đường giao thông nội bản, nội đồng, xây dựng nhà văn hoá cộng đồng, đường điện thắp sáng; trồng hơn 1.000 cây xanh tại các tuyến đường. Bên cạnh đó, Hội còn triển khai mô hình tuyến đường phụ nữ tự quản từ đó góp phần nâng cao nhận thức, tạo thói quen vệ sinh đường làng, ngõ xóm, để rác đúng nơi quy định, phân loại rác thải trong hội viên phụ nữ nói riêng và người dân nói chung.
Chị Lữ Thị Lê - Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Hội nhận giấy khen của UBND huyện Quỳ Châu trong dịp sơ kết nửa nhiệm kỳ đại hội nhiệm kỳ 2021-2026
Đặc biệt, cùng với thực hiện bảo vệ môi trường, xã thực hiện mô hình “Làm theo” Bác nhằm “Giúp đỡ phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”; từ phân loại rác gắn xây dựng mô hình “Tận dụng ống lon, nhựa để xây dựng quỹ hội” ở thời gian đầu và nay phát triển thành mô hình “Biến rác thải thành con giống, sổ tiết kiệm và nhà tiêu hợp sinh” đã tạo ra một nguồn lực đáng kể để thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của Hội; hỗ trợ 18 phụ nữ nghèo mua con giống phát triển kinh tế; mua tặng 3 sổ tiết kiệm cho hội viên tàn tật, đặc biệt khó khăn; hỗ trợ xây dựng 30 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh.
Theo chia sẻ của chị Lữ Thị Lê: Từ hiệu quả “kép” trong “câu chuyện” bảo vệ môi trường của tổ chức Hội đã góp phần thay đổi tập quán, nếp sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tạo cảnh quan, môi trường nông thôn miền núi sạch, đẹp hơn; đồng thời tăng tình đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ hội viên khó khăn vươn lên và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.
Chị Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn
Là người lâu năm gắn bó với Hội, gần 10 năm dẫn dắt phong trào phụ nữ xã, chị Dung luôn là một cán bộ Hội mẫn cán, nhiệt huyết với phong trào Hội, gương mẫu trong mọi hoạt động. Thông qua triển khai các Chương trình “Triệu phần quà chia sẻ yêu thương”; “Tết ấm áp xuân sẽ chia”, “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương” , “Đồng hành cùng phụ nữ, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn” cho đến các mô hình “Thùng rác văn mimh”, “Biến phế liệu thành con giống”; “Hỗ trợ mô hình sinh kế”, mô hình phụ nữ giúp nhau về ngày công đã huy động được hơn 200 triệu đồng; trao 47 suất quà, 40 thùng rác, gần 700 con giống cho hội viên phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, kết nối đỡ đầu 9 trẻ mồ côi với số tiền 200.000đ - 700.000đ/ tháng.
Chị Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Lĩnh cùng BTV Hội LHPN xã Nam Lĩnh thăm hỏi, trao quà hỗ trợ cho hội viên vùng Giáo gặp khó khăn, hoạn nạn
Với nhiều hoạt động hỗ trợ về vay vốn, giúp nhau phát triển kinh tế, liên kết mở lớp đào tạo nghề cho hội viên. Hội đã giúp 4 hộ thoát nghèo và 7 hộ thoát cận nghèo; đồng thời hỗ trợ và phát huy vai trò của chị em giúp chị em tự tin chủ động trong phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh, nhiều chị đã trở thành các chủ doanh nghiệp, xây dựng các mô hình trang trại, nhà màng, nhà lưới, các sản phẩm chất lượng tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường; góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nữ trên địa bàn với mức thu nhập từ 5 -7 triệu đồng/tháng.