Chân dung Chủ tịch Hội LHPN trẻ tuổi nhất được trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ nhất

07/10/2024
Chị Huỳnh Thị Liên, sinh năm 1993, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là cán bộ Hội trẻ tuổi nhất trong số 30 cá nhân xuất sắc được nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ nhất năm 2024.

Từ hội viên trở thành Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở

Sau khi tốt nghiệp Đại học Cần Thơ, chị Liên đăng ký trở thành hội viên phụ nữ, tham gia sinh hoạt Hội tại địa bàn xã cùng các cô, các chị. Gương mặt khả ái với nụ cười sáng, cùng chất giọng ngọt ngào và tinh thần xông pha trong các hoạt động Hội của chị Liên để lại nhiều ấn tượng và cảm mến trong lòng mọi người. Tháng 1/2016, được sự tín nhiệm cao, chị Liên trở thành Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thuận Đôngđến tháng 9/2020 thì chị được bầu giữ chức Chủ tịch Hội LHPN xã.

Chị Liên cho biết, từ hội viên trở thành cán bộ Hội có rất nhiều khác biệt khiến thời gian đầu nhận nhiệm vụ chị gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Chính vì vậy, để trau dồi nghiệp vụ, chị luôn chủ động, mạnh dạn học hỏi từ các cô, các chị lớn tuổi đi trước; đồng thời tích cực tìm tòi, nghiên cứu tài liệu và đọc báo để tham khảo cách làm công tác Hội của các địa phương khác, nhờ đó kinh nghiệm tích luỹ được ngày một dày lên. “Tôi may mắn sinh ra và lớn lên ở địa phương, có thời gian gắn bó cùng mọi người khi còn là hội viên nên trong quá trình công tác luôn được mọi người ủng hộ”, chị Liên cho hay.

Bám sát thực tiễn để có cách làm hay, hiệu quả

Tân Thuận Đông là một xã đảo, người dân ở đây phải di chuyển bằng đò nhiều giờ đồng hồ để vào đất liền, đời sống của bà con nói chung, phụ nữ nói riêng nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả. Theo chị Liên, chỉ có đi tận nơi, rà soát từng chi tổ Hội thì mới biết được cuộc sống, tâm tư, tình cảm của chị em đang như thế nào, có gặp khó khăn gì không để có hướng dẫn, kết nối giúp đỡ kịp thời về kiến thức, vốn làm ăn, đời sống hàng ngày.

Bên cạnh tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa trên địa bàn với số tiền vận động được hơn 1 tỷ đồng, phát huy vai trò của cán bộ Hội cơ sở, trong nhiều năm qua, chị Liên đã đề xuất hỗ trợ cho 12 trẻ em và hội viên phụ nữ được hưởng bảo trợ xã hội hàng tháng. “Trong quá trình đi xuống từng chi tổ hội, tôi phát hiện những trường hợp vô cùng khó khăn. Người ta ốm đau, bệnh tật, toàn những bệnh hiểm nghèo nhưng không biết làm thế nào để địa phương hỗ trợ. Tôi chủ động tiếp cận, xem các giấy tờ bệnh án rồi hướng dẫn mọi người làm hồ sơ xin hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Bản thân tôi cũng là một thành viên trong hội đồng xét duyệt hồ sơ nên khi các hồ sơ được đưa ra, trên cơ sở nắm bắt thực tế, tôi cũng cố gắng làm cầu nối, nói cho hội đồng hiểu từng hoàn cảnh để xem xét”, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thuận Đông chia sẻ.

Chị Liên tuyên truyền tại cơ sở Hội.

Công tác Hội tuy có cực nhọc nhưng luôn những niềm vui, chỉ cần cố gắng, nỗ lực hết mình thì mọi khó khăn đều có thể giải quyết. Nhờ phương châm làm việc ấy, các hoạt động phong trào và thi đua của Hội LHPN xã do chị Liên điều hành, chỉ đạo luôn đạt được những kết quả tích cực.

“Chợ quê Cù Lao Tân Thuận Đông nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần” là một trong số 4 sáng kiến do chị Liên làm tác giả đã được công nhận, áp dụng thực hiện tại xã; đồng thời có phạm vi ảnh hưởng toàn tỉnh. Nói về mô hình này, chị Liên cho biết: “Vì là xã đảo, nằm tách biệt với đất liền nên xe thu gom rác không qua được. Năm 2015, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chính quyền địa phương quyết tâm hành động về vấn đề môi trường trên địa bàn. Tôi đã chủ động nghiên cứu, lên mạng tìm hiểu học hỏi từ các đơn vị phụ nữ khác, kết hợp vận dụng linh hoạt vào thực tế địa phương để đưa ra sáng kiến mô hình nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của phụ nữ và người dân trên địa bàn không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần”.

Niềm hạnh phúc của chị Liên và các cán bộ Hội là làm được thêm nhiều việc giúp đỡ được cho nhiều hoàn cảnh phụ nữ khó khăn ở địa phương.

Tháng 4/2024, Tân Thuận Đông đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Sáng kiến trên của chị Liên được đánh giá có nhiều đóng góp hiệu quả, mang lại tác động tích cực tại địa phương. Cụ thể, hiện có 35/35 quầy với 67/67 thành viên sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường để bán hàng.

Ngoài ra, sáng kiến mô hình “Đổi rác thải nhựa nhận quà yêu thương” sau 2 năm được công nhận và áp dụng tại địa phương đã thu hút hơn 1.000 lượt hội viên phụ nữ tham gia, giúp hơn 2.000 hộ gia đình phân loại, để rác đúng nơi quy định. Hay mô hình “Kết nối tiêu thụ nông sản giúp dân” đã giúp 52 hộ nông dân được kết nối, tiêu thu trên 200 tấn sản lượng nông sản, đem về doanh thu trên 2 tỷ đồng, cao gấp 0,5 lần so với việc hộ nông dân tự bán. Từ đó từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, dần áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…

Là một cán bộ Hội trẻ tuổi, những cống hiến và đóng góp của chị Liên không chỉ mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng, mà còn góp phần khẳng định vai trò của người nữ cán bộ Hội tâm huyết và sáng tạo. Giải thường Nguyễn Thị Định chính là một sự ghi nhận đầy vinh dự và tự hào cho những đóng góp ấy.

Giải thưởng Nguyễn Thị Định là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dành tặng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ chuyên trách các cấp có thành tích đặc biệt xuất sắc nhằm biểu dương, tôn vinh, khen thưởng cán bộ Hội chuyên trách, động viên chị em tiếp tục cống hiến, đóng góp cho phong trào phụ nữ và công tác Hội.

Giải thưởng mang tên Nguyễn Thị Định - nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế.

Giải thưởng được xét tặng hai lần trong một nhiệm kỳ. Giải thưởng lần thứ nhất, năm 2024 được trao cho 30 cán bộ Hội, trong đó có 17 chị ở cấp tỉnh, 10 chị ở cấp huyện và ba chị ở cấp cơ sở .

Trần Kiều, VP TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video