Video

Phụ nữ Vĩnh Phúc góp phần xây dựng tỉnh giàu mạnh, văn minh

23/11/2021
Trong nhiệm kỳ 2016-2021, các tầng lớp phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng khẳng định tiềm năng to lớn và vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Thị Thu Hà làm việc với các tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Chiếm 50,16% dân số toàn tỉnh, dù ở bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề, thành phần nào, phụ nữ Vĩnh Phúc luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm xã hội của mình; đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tạo tiền đề quan trọng và động lực để công tác Hội và phong trào phụ nữ toàn tỉnh ngày càng lớn mạnh.

Tham gia phát triển kinh tế

Với trên 50% lực lượng lao động tham gia sản xuất nông nghiệp, phụ nữ nhiệt tình hưởng ứng tham gia phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới", giúp nhau giảm nghèo, vươn lên làm giàu, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học  kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo vùng tập trung, liên kết, tạo ra sản phẩm cây trồng, vật nuôi an toàn, có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường và tiêu thụ sản phẩm. 

Các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tham gia thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của phụ nữ đã góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới và tăng trưởng chung ngành nông nghiệp của tỉnh.

Các cấp Hội hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh

Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, phụ nữ tiếp tục đóng vai trò là lực lượng lao động chủ yếu trong ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, phụ nữ tham gia ngày càng đông trong các doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử và trong các làng nghề, chị em đã kiên trì, sáng tạo rèn luyện, nâng cao tay nghề; nhiều chị mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, tổ sản xuất, hợp tác xã, tìm nghề, tạo việc làm mới cho phụ nữ.

Đồng thời chị em tự tin, năng động, bản lĩnh, thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, chủ động mở rộng các loại hình dịch vụ, đổi mới phương thức kinh doanh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó chị em đã tích cực tham gia khôi phục, duy trì, mở rộng các nghề thủ công truyền thống, du nhập và phát triển các nghề mới góp phần tăng số lượng làng nghề, mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.

Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” được triển khai với nhiều các hoạt động thiết thực, hiệu quả

Khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ

Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ Vĩnh Phúc ngày càng ý thức được trách nhiệm và quyền công dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết vào văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp; tham gia đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; hăng hái tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp uỷ, Ban thường vụ các cấp, nữ đại biểu HĐND, Đại biểu Quốc hội, tỷ lệ đảng viên nữ ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.

Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ Vĩnh Phúc ngày càng ý thức được trách nhiệm và quyền công dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền

Số lượng nữ tham gia ban chấp hành, ban thường vụ Đảng bộ các cấp hiệm kỳ 2020-2025: tại cấp xã có 471/1.842 đồng chí, đạt 25,6% (tăng 6,07% so với cuối nhiệm kỳ 2015- 2020). Vĩnh Phúc là một trong 06 tỉnh có Bí thư là nữ; Số lượng nữ tham gia đại biểu Quốc hội: 2/6 đại biểu (đạt 33,33%); Số lượng nữ tham gia đại biểu HĐND cấp tỉnh: 13/51 đại biểu (đạt 25,49%, tăng 1,49%).

Tích cực tham gia phòng chống dịch 

Từ năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở nước ta, Vĩnh Phúc luôn là "điểm nóng" với những ca bệnh liên tục được phát hiện. Song với quyết tâm và những chính sách điều hành linh hoạt, sáng tạo, tỉnh Vĩnh Phúc đã trở thành "điểm sáng" kiểm soát và thực hiện tốt mục tiêu kép "vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế". Trong đó, không thể không kể đến sự đóng góp của các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh.

Các cấp hội phụ nữ đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ góp công, góp của, may khẩu trang phát miễn phí cho hội viên phụ nữ nghèo chủ động phòng, chống dịch bệnh; tổ chức cho hội viên phụ nữ thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", nhất là "hậu cần tại chỗ". Các cấp Hội cũng kịp thời thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ, y, bác sỹ đang làm nhiệm vụ tại một số cơ sở cách ly và bệnh viện trên địa bàn tỉnh góp phần phòng, chống dịch Covid-19.

Các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh Vĩnh Phúc chung tay phòng chống dịch

Các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã xung phong tình nguyện đến những nơi khó khăn nguy hiểm để điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tiêu biểu nhất là 60/160 nữ cán bộ y tế của tỉnh sẵn sàng tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 mức độ trung bình và nặng tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 tại TPHCM và tỉnh Bình Dương. Hơn 200 phụ nữ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã tham gia cùng các lực lượng trong phòng, chống dập dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc" góp phần cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Cùng với đó, nhiều cán bộ hội viên của Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã tham gia các chốt phòng chống dịch, các tổ truy vết, xử phạt vi phạm quy định phòng chống dịch; tham gia hỗ trợ hoạt động của tổ Covid cộng đồng...

Các cấp Hội cũng kịp thời thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ, y, bác sỹ đang làm nhiệm vụ

Chăm lo cho hoạt động nhân đạo từ thiện

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, hoạt động nhân đạo từ thiện cũng được Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm chỉ đạo. Hàng năm, các cấp Hội đều tổ chức thăm và tặng quà cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, tân binh lên đường nhập ngũ... 

Thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ Biên cương" giai đoạn (2018-2020), các cấp Hội đã vận động quyên góp hỗ trợ xã Ma Lé (tỉnh Hà Giang) 04 nhà mái ấm, trao học bổng, mô hình sinh kế, máy tính, quần áo, con giống… với tổng số tiền trị giá trên 500 triệu đồng. Tiếp tục vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia hưởng ứng cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", xây dựng nhà Mái ấm tình thương...

Hoạt động nhân đạo từ thiện cũng được Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm chỉ đạo

Với những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, phong trào phụ nữ và công tác Hội tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được duy trì và phát triển đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đến cuối nhiệm kỳ 8/8 chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt; được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều danh hiệu và hình thức khen thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ Thi đua và Bằng khen của TW Hội LHPN Việt Nam, Cờ thi đua của UBND tỉnh…

Với tinh thần "Đoàn kết, sáng tạo, khát vọng, phát triển", Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV sẽ diễn ra vào ngày 25/11/2021.

Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XIV; kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021; đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021-2026; thảo luận, đóng góp ý kiến vào các Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; bầu Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026; bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.

MÔ HÌNH HAY

Thăm dò ý kiến

Xin ý kiến về chuyên đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em năm 2019

  • Chuyên đề thực sự cần thiết
  • Cần tuyên truyền rộng hơn về thực hiện chuyên đề
  • Ý kiến khác
Xem kết quả