Video

Người đam mê vẻ đẹp chiếc áo dài tơ lụa xứ Quảng

14/04/2021
Chiếc áo dài Việt Nam từ bao đời nay đã trở thành tác phẩm nghệ thuật, một di sản văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, tôn vinh vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ. Trong bức tranh đa dạng về áo dài Việt Nam, nhà thiết kế Phạm Thị Anh là người đã mang niềm đam mê, góp phần thổi hồn vào áo dài trên chất liệu lụa tơ tằm xứ Quảng.
Áo dài Anh Phạm tại Lễ hội”Tam Kỳ- Mùa hoa sưa năm 2021”

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, đông anh em ở khối phố 2, (phường An Sơn, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), chị Phạm Thị Anh - sinh năm 1987 đã có một tuổi thơ nhiều vất vả khi mẹ chị qua đời lúc chị chưa đầy 4 tuổi, cha chị phải làm lụng vất vả quanh năm nuôi đàn con ăn học.

Hết lớp 7, chị Anh cùng cha vào TP.Hồ Chí Minh để mưu sinh. Năm 2003, chị trở về quê và tìm đến hiệu may áo dài Vạn (Tổ 6, phường An Sơn, TP. Tam Kỳ) để học nghề may áo dài. Được người chủ (là bà con với gia đình chị) thương, không thu học phí mà còn tạo mọi điều kiện để chị an tâm theo học nên chị Anh quyết tâm học thành nghề.

Năm 2012, chị Anh kết duyên với anh Châu Ngọc Huy. Biết vợ đam mê vẻ đẹp của những chiếc áo dài, nhất là những chiếc áo dài có chất liệu tơ tằm - hiện thân của tơ lụa xứ Quảng, anh Huy đã luôn đồng hành, cổ vũ, động viên chị thực hiện ước mơ làm nhà thiết kế áo dài.

Được chồng và gia đình ủng hộ, năm 2018 chị quyết định vào TP. Hồ Chí Minh tìm thày Đỗ Trịnh Hoài Nam để học nghề. Gần một năm miệt mài, chị được cấp giấy chứng nhận hoàn thành xuất sắc khóa học công thức áo dài và thiết kế bộ sưu tập.

Đã hội đủ điều kiện, chị về lại Tam Kỳ và thuê căn nhà số 350 đường Hùng Vương, lấy tên là “Tiệm áo dài Anh Phạm”. Tiệm may của chị tuy chưa lớn nhưng là địa chỉ tin cậy, hằng ngày được nhiều phụ nữ lui tới để chiêm ngưỡng những chiếc áo dài đầy họa tiết hoa văn. Một trong số họa tiết được nhiều người chú ý, đó là chị đã phục dựng lại những chiếc áo dài truyền thống bằng chất lụa xứ Quảng từ Làng lụa Mã Châu, Chiêm Sơn, Trà Kiệu (Duy Xuyên). Chị đã tạo nên hàng chục mô tuýp áo dài phù hợp dành cho mọi lứa tuổi, trở thành trang phục chuẩn cho các nữ giáo viên, học sinh, cô dâu và những dịp lễ, Tết, cưới hỏi, tiệc, những cuộc thi trình diễn vv....

Giờ đây, trong một sự kiện đặc biệt hoặc khi tham gia các chương trình truyền hình, áo dài Anh Phạm luôn là trang phục được phụ nữ TP. Tam Kỳ và các địa phương lân cận ưu tiên lựa chọn, góp phần quảng bá hình ảnh áo dài lụa Quảng Nam rộng rãi.

Tháng 10/2020, nằm trong chuỗi hoạt động “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Phạm Thị Anh được cấp giấy Chứng nhận đạt Giải kỹ thuật truyền thông Cuộc vận động thiết kế “Tự hào áo dài Việt” (là 01/60 bộ sưu tập lọt vào vòng chung khảo của Cuộc thi, vượt qua 120 hồ sơ dự thi/530 tác phẩm đến từ 37 tỉnh, thành trong cả nước). Với thành tích này, chị Anh càng có thêm động lực để từ đó đến nay cứ mỗi dịp lễ, hội của tỉnh, TP.Tam Kỳ, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh khu vực, trong nước... chị Anh đều đăng ký tham gia quảng bá, trưng bày sản phẩm áo dài lụa Quảng Nam.

Chị Anh cho biết, hiện nay, ngoài những lúc tập trung may các đơn đặt hàng, chị còn dành thời gian để tạo nên một số bộ sưu tập trị giá hàng chục triệu đồng, sẵn sàng trình diễn phục vụ các sự kiện quan trọng trong và ngoài nước. Chị cũng chia sẻ, tuy “của để dành” chưa nhiều nhưng ước mong của chị và chồng là được làm việc thiện, giúp một số mảnh đời có hoàn cảnh giống chị khi còn bé. Trên trang facebook cá nhân, chị đăng tin tìm người học nghề miễn phí, dành cho một em ở độ tuổi 15 – 20, có hoàn cảnh khó khăn nhưng có năng khiếu, yêu thích và chịu khó học hỏi.

Minh Ánh

MÔ HÌNH HAY

Thăm dò ý kiến

Xin ý kiến về chuyên đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em năm 2019

  • Chuyên đề thực sự cần thiết
  • Cần tuyên truyền rộng hơn về thực hiện chuyên đề
  • Ý kiến khác
Xem kết quả