Yên Bái: Gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông

27/09/2021
Với vai trò tổ trưởng, chị Lý Thị Ninh đã cùng các thành viên Tổ hợp tác Thêu dệt thổ cẩm truyền thống (xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) từng bước vượt khó vươn lên, tự tin khởi nghiệp, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc mình.
Nghề thêu, dệt thổ cẩm có từ lâu, đã gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của dân tộc Mông

Chế Cu Nha là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải. Xã có 618 hộ, với 3.611 khẩu, 196 hộ nghèo, chiếm 31,7%, có 3 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 99%. Đây cũng là địa phương còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa ổn định, trình độ dân trí thấp, sản xuất nông nghiệp là chính. Đồng bào dân tộc Mông còn nhiều người chưa biết tiếng phổ thông, còn tình trạng tảo hôn, thu nhập thấp và không ổn định…

Sản phẩm thổ cẩm của Tổ trưởng Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Chế Cu Nha được trao giải "Tác động xã hội góp phần giảm nghèo bền vững" tại Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp năm 2020 của Hội LHPN Việt Nam

Xây dựng, duy trì và bảo tồn nghề truyền thống không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của người dân tộc Mông trên quê hương Mù Cang Chải, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, nghề thêu, dệt thổ cẩm có nhiều thế mạnh để phát triển do từ lâu đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của dân tộc Mông và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sản phẩm thổ cẩm qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ Mông như trồng lanh, se sợi, in sáp, nhuộm chàm và thêu thùa….

Hội LHPN chắp cánh cho phụ nữ vùng cao khởi nghiệp

"Là hội viên phụ nữ bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha, tôi luôn tích cực phát huy vai trò của hội viên nòng cốt, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Hội và địa phương phát động", chị Lý Thị Ninh chia sẻ.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm dệt của phụ nữ Mông

Chị Ninh chia sẻ thêm: Năm 2009, Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Chế Cu Nha do Hội LHPN tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải chỉ đạo thành lập, Công ty Craflink Hà Nội hỗ trợ, tôi được bầu làm Tổ trưởng. Với đặc thù là địa bàn đặc biệt khó khăn, thành viên Tổ hợp tác đa phần là phụ nữ nghèo, không biết tiếng phổ thông, bản thân tôi luôn lo lắng, trăn trở làm sao để duy trì và phát huy thế mạnh nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em.

Chị Ninh không ngưng học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức

"Để hiểu rõ hơn về thị trường và các hoạt động của mô hình này, tôi đã chủ động xin ý kiến Hội cấp trên giới thiệu đi học tập kinh nghiệm mô hình ở các địa phương khác, đồng thời tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do Hội tổ chức. Bản thân tôi tự tìm hiểu, nghiên cứu thông qua các trang thông tin của các tổ chức, cá nhân khác trên các trang mạng xã hội để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức", chị Ninh cho biết.

Lúc mới thành lập, Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Chế Cu Nha có 27 thành viên, đến nay đã có 45 thành viên, thu nhập bình quân từ 2- 3 triệu đồng/thành viên/tháng. Ngoài ra, Tổ hợp tác còn tạo việc làm và tăng thu nhập cho chị em hội viên tham gia theo thời vụ.

Tổ hợp tác luôn quan tâm đến công tác bảo tồn nghề truyền thống, giới thiệu lịch sử hình thành và quy trình sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm, sắp xếp hàng hóa theo chủng loại đảm bảo việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống như: hoa văn, phương thức và các công cụ sản xuất, màu sắc...

Chị Lý Thị Ninh và các thành viên luôn tìm tòi, sáng tạo, học hỏi kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú, không ngừng phấn đấu vươn lên tiếp cận với thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và quảng bá nét đẹp văn hóa, con người Mù Cang Chải tới du khách trong và ngoài nước.

Các cấp Hội đồng hành cùng phụ nữ vùng cao khởi nghiệp

Doanh thu của Tổ hợp tác năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2015 doanh thu 200 triệu đồng đến năm 2019 là 640 triệu đồng). Ngoài việc duy trì các hoạt động, thành viên Tổ hợp tác còn chủ động tham gia hướng dẫn, dạy nghề thêu thổ cẩm cho 75 chị em hội viên phụ nữ các xã bạn.

Thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2020, chị Ninh đã mạnh dạn đưa sản phẩm của Tổ hợp tác tham gia Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động. Vượt qua 922 ý tưởng của phụ nữ toàn quốc, ý tưởng của chị là 1 trong 68 ý tưởng xuất sắc lọt vào vòng Chung kết và được trao giải "Tác động xã hội góp phần giảm nghèo bền vững" với giải thưởng trên 300 triệu đồng.

Giải pháp vượt khó mùa dịch Covid-19

Hiện nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến hàng hóa bị ngưng trệ không xuất được, chị Lý Thị Ninh đã tích cực vận động và được Trung tâm Craflink Hà Nội hỗ trợ 1 tấn gạo cho các thành viên, giúp chị em tháo gỡ khó khăn trước mắt. Đồng thời, vận động chị em kiên trì sản xuất, tìm nguồn ra cho sản phẩm.

Trong bối cảnh dịch bệnh và nghề truyền thống ngày càng mai một, nhiều thách thức đặt ra cho sản phẩm thổ cẩm truyền thống, ngoài số lượng phải đi kèm với chất lượng, chủng loại và mẫu mã, nhiều nơi trong huyện nghề dệt, thêu thổ cẩm truyền thống đã không còn trụ vững.

Nghề thêu, dệt thổ cẩm có nhiều thế mạnh phát triển do từ lâu đã gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của dân tộc Mông và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác

Những phụ nữ Mông tại Chế Cu Nha đang học hỏi, sáng tạo thêm nhiều dòng sản phẩm thổ cẩm truyền thống và hiện đại theo nhu cầu thị trường

Để duy trì nghề truyền thống, chị Lý Thị Ninh mong muốn nhận được sự đồng hành của các cấp Hội phụ nữ để tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia bảo tồn, duy trì và phát triển nghề truyền thống. Chị cũng đề xuất được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ tiếp cận với các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ… để sáng tạo thêm nhiều dòng sản phẩm thổ cẩm truyền thống và hiện đại theo nhu cầu thị trường.

Có thể nói, với sự nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của Hội LHPN các cấp, chị Lý Thị Ninh và các thành viên Tổ hợp tác đang từng bước vượt ra khỏi tư tưởng tự ti, an phận của người dân tộc thiểu số, nêu cao tình thần đoàn kết, vượt khó vươn lên để không ngừng tiến bộ, đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

PNVN

Video