Vĩnh Phúc: Mở trường mầm non giúp công nhân yên tâm gửi con

11/02/2020
Số lượng công nhân ngày càng tăng cao ở huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) khiến nhu cầu gửi trẻ của các gia đình công nhân theo đó tăng nhanh, trong khi địa phương lại thiếu cơ sở mầm non nhận trông nom. Thực tế này đã tạo cơ hội cho chị Nguyễn Thị Hạnh, thành viên của TYM - chi nhánh Vĩnh Phúc mở rộng dịch vụ trông trẻ, tạo việc làm cho nhiều giáo viên mầm non tại địa phương.
Cơ sở mầm non tư thục của chị Nguyễn Thị Hạnh giúp những công nhân xa quê có nơi gửi gắm con em

Trong lớp học "Nâng cao kỹ năng quản lý doanh nghiệp cho nữ doanh nhân" được Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương - TYM (thuộc TƯ Hội LHPNVN) tổ chức vào năm 2017, chị Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1986) - thành viên TYM tại Bình Xuyên - là một trong những học viên trẻ nhất. Nhưng tính vào thời điểm đó, chị Hạnh đã tham gia TYM được 11 năm và là một trong những thành viên tiêu biểu của Phòng giao dịch 01.

Sau khi tốt nghiệp khoa sư phạm mầm non của trường Cao đẳng sư phạm Vĩnh Phúc, cô gái trẻ Nguyễn Thị Hạnh nung nấu ý định mở một cơ sở mầm non tư thục để giúp những công nhân xa quê có nơi gửi gắm con, yên tâm làm việc. Đến năm 2013, chị thành lập cơ sở mầm non tư thục Tuổi Thơ. Cơ sở mầm non của chị có thể coi là khá đặc biệt so với nhiều trường mầm non khác khi bố mẹ của những em bé trong trường đều là công nhân và thường xuyên phải làm ca kíp, không phù hợp với giờ hành chính thông thường. Vì vậy, chị cũng bố trí các giáo viên làm theo ca để có thể đón trẻ vào sáng sớm và trả trẻ vào buổi tối.

Từ đó cho đến nay, cơ sở mầm non của chị đã trở thành địa chỉ tin cậy gửi gắm con cái hằng ngày, tạo cho các bé có nơi ăn ở và học tập rèn luyện đảm bảo chất lượng, được chăm sóc chu đáo, giúp các bố mẹ yên tâm làm việc tạo thu nhập cho gia đình. 

Doanh thu của cơ sở mầm non tư thục này đạt trên 1,3 tỷ đồng/năm.

Mức lương bình quân cho mỗi nhân viên là 5 triệu đồng/tháng tùy thuộc vào từng vị trí công việc.

Hiện nay, lớp mẫu giáo của chị Hạnh đang nhận trông 150 cháu có độ tuổi từ 2 đến 5, chia thành 5 lớp. Đặc biệt, với chị Hạnh, niềm vui như được nhân đôi khi cơ sở đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 nhân viên, trong đó có 8 cô giáo mầm non, 1 nhân viên phụ trách bếp và 1 bảo vệ, vệ sinh. 

Chị Nguyễn Thị Hạnh (phải) - thành viên TYM tại Bình Xuyên - với dịch vụ trông trẻ, tạo việc làm cho nhiều giáo viên mầm non tại địa phương

Nhiều năm tham gia TYM, mức vốn của chị hàng năm cứ tăng dần từ 15 triệu đồng vào thời điểm 2006, đến nay là 75 triệu đồng. Chặng đường hơn 10 năm để có thể vay vốn lớn và đáp ứng được việc hoàn trả lớn đối với chị Hạnh cũng không hề dễ dàng. Chị bắt đầu mở trường mầm non Tuổi Thơ với cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý hạn chế, và thách thức trong việc tạo dựng lòng tin đối với người dân. Thế nhưng không dừng lại, chị Hạnh vẫn từng bước vượt trở ngại, những thành quả ban đầu dần thành hình hài. Cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo Tuổi Thơ được xây dựng trên diện tích rộng 609 m2 với hệ thống 5 phòng học, 1 phòng bếp ăn, 1 phòng họp, 1 phòng dạy năng khiếu, sân vui chơi trong nhà và ngoài trời. hệ thống nước sạch, khu vệ sinh đảm bảo theo yêu cầu.

Chị chia sẻ: "TYM giúp tôi luôn yên tâm về vốn đầu tư phát triển mở rộng công việc kinh doanh của mình. Không những thế, năm 2017-2018, tôi còn được TYM tạo điều kiện tham gia lớp tập huấn "Nâng cao kỹ năng quản lý doanh nghiệp nhỏ cho doanh nhân nữ" do TYM tổ chức. 

Chị Hạnh cho biết: "Những kiến thức chuyên ngành không làm khó được mình, nhưng "lần đầu tiên làm kinh tế, tôi gặp rất nhiều bỡ ngỡ từ việc làm thế nào để quản lý và cân đối tài chính kinh doanh hiệu quả, khi thiếu vốn, tôi có thể đi tìm kiếm nguồn từ đâu, làm thể nào để quảng bá, giới thiệu cơ sở của mình đến rộng rãi người dân tại địa phương. Tham gia TYM đã giúp tôi trả lời các câu hỏi trên".

Qua các lớp đào tạo, chị đã tự tin hơn, được nâng cao kỹ năng kinh doanh, chị dần quen hơn với các vấn đề về quản lý và cân đối tài chính kinh doanh hiệu quả; làm thể nào để quảng bá, giới thiệu cơ sở của mình đến rộng rãi người dân tại địa phương. Giờ này, chị có thể thể tự  lập ra các kế hoạch, chiến lược kinh doanh cũng như quản lý công việc của mình một cách tốt hơn.

Với chị Hạnh, phương châm hoạt động là lấy chất lượng để khẳng định thương hiệu và chăm sóc, giáo dục trẻ bằng cái tâm và tất cả tình yêu thương. Đó cũng là lý do không chỉ chị Hạnh mà đội ngũ giáo viên tại cơ sở luôn dành sự quan tâm, chăm sóc cho trẻ em một cách tốt nhất.

Theo PNVN

Video