Sơn La: Người phụ nữ Thái làm thay đổi bản nghèo

14/05/2022
“Bản Bướt giờ đây đã thoát đói nghèo rồi. Người dân trong bản chuẩn bị bắt đầu cho vụ thu hoạch măng, sắn mới. Nơi đây từng được coi là xứ “nghèo bền vững”, đến nay đã thay da đổi thịt”, chị Cao Thị Tâm (dân tộc Thái) - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Xuân 269 phấn khởi nói về sự đổi thay của buôn làng.
Giám đốc Cao Thị Tâm (bên phải) giới thiệu sản phẩm măng Tân Xuân đến cho khách hàng

Đánh thức nguồn nguyên liệu quý

Những ngày này, ghé thăm bản Bướt, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ (Sơn La), du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay ở nơi đây. Những ngôi nhà sáng điện, trẻ em được đến trường, người dân có cái ăn, cái mặc đầy đủ... Sự thay đổi đó cũng là một trong những điều mong chờ bấy lâu nay của chị Cao Thị Tâm - Giám đốc HTX Tân Xuân 269.

Chị Tâm kể, 10 năm trước chị mới chuyển đến vùng này sinh sống và lập nghiệp. Ban đầu, chị mở một quán tạp hóa nhỏ để sinh nhai. Hằng ngày, chị chứng kiến cảnh bà con gùi măng từ rừng sâu ra bán cho thương lái, bị ép giá, gương mặt buồn thiu, lầm lũi trở về. “Vùng đất này sở hữu các loại măng nổi tiếng trong ẩm thực của đồng bào Thái ở Sơn La, đặc biệt là măng khô từ cây măng tre rừng. Vậy mà cuộc sống của bà con vẫn khổ", chị Tâm nói.

Nhận thấy tiềm năng phát triển từ cây măng, chị Tâm nung nấu ý định mở một đầu mối thu mua, sơ chế và tạo đầu ra ổn định cho người dân. Tháng 3/2019, chị bắt tay vào khởi nghiệp với HTX Nông nghiệp Tân Xuân 269.

Đây là HTX đầu tiên được thành lập trong xã, nên mọi người ai cũng hào hứng và ủng hộ chị. Những ngày đầu mới thành lập, chị Tâm gặp không ít khó khăn, vất vả chạy ngược xuôi tìm hiểu kỹ thuật sơ chế các loại măng, tìm đầu ra sản phẩm từ măng. Chị đã bỏ ra số vốn hơn 1 tỷ đồng để đầu tư xưởng và thiết bị sấy.

Ban đầu người dân lấy măng về tự sơ chế rồi mới đem đến bán cho HTX. Các hộ dùng nồi nhỏ, mỗi lần chỉ được nhiều nhất là vài chục cân. Quy trình chế biến hoàn toàn theo cách thủ công, nên thời gian sơ chế lâu mà chất lượng sản phẩm lại không đồng đều.

“Khi mở HTX, tôi mua măng với giá cao hơn, khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg, bà con rất phấn khởi, nhưng tôi hoàn toàn không có lãi. Thậm chí năm đầu tiên, chi phí dầu xe chở măng đi bán cho bà con hoàn toàn là tiền của gia đình tôi. Nhưng bù lại, họ bán được măng với giá cao hơn, rất phấn khởi và đồng loạt xin gia nhập HTX”, chị Tâm chia sẻ.

Tạo sinh kế cho người nghèo

Đến nay, sau hơn 3 năm thành lập, HTX Tân Xuân đã có 70 thành viên tham gia; mở rộng được vùng nguyên liệu với hơn 1.000 ha măng tre, nứa.

Không chỉ tập trung vào sản phẩn chủ đạo là măng, chị Cao Thị Tâm cho biết, HTX còn trồng thêm những loại cây nông nghiệp khác, như nếp nương, cây ăn quả, gừng, sắn… theo tiêu chuẩn VietGAP để chế biến thành những sản phẩm như mì sợi, chuối sấy dẻo… Từ đó, đa dạng thêm sản phẩm và thu nhập cho các thành viên, đặc biệt là chị em dân tộc thiểu số tham gia vào HTX.

Chị em phụ nữ trong HTX tích cực làm việc với mong muốn đổi thay cuộc sống để thoát nghèo

Hiện tại, thu nhập của các thành viên dao động từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Người dân rất phấn khởi, không ngờ từ một vùng sâu vùng xa, khó khăn nhất lại có một HTX giúp cho bà con thay đổi cuộc sống hoàn toàn. Từ chỗ cuộc sống chật vật, nghèo khó, đến giờ nhà nào nhà nấy đều khang trang, gia đình có điều kiện chăm lo cho con cái tốt hơn.

Chị Tâm chia sẻ, mặc dù trong thời điểm dịch bệnh Covid hơn 2 năm vừa qua, sản phẩm của HTX vẫn tìm được đầu ra. Bên cạnh việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm (ngoài các thị trường truyền thống), HTX còn quan tâm tham dự các khóa tập huấn (như khóa đào tạo kỹ năng của GREAT - Dự án thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch) về kỹ năng thương mại, thương mại điển tử (đăng bài giới thiệu, cách tiếp cận khách hàng online…). Nhờ vậy, đến nay sản phẩm của HTX đang có mặt trên các kênh bán hàng trực tuyến như Facebook, Zalo, Shopee… Kết quả, trong năm 2021, HTX đạt doanh thu khoảng 3 tỷ đồng (lợi nhuận chiếm 30 - 35%), cao gấp 3 lần so với lúc chưa được trang bị thiết bị sấy.

“Mong muốn lớn nhất của tôi khi thành lập HTX là có thể giúp đỡ chị em phụ nữ vùng sâu, vùng xa xóa đói giảm nghèo và thu hút được nhiều thành viên tham gia vào HTX. Mong ước ấy giờ đã thành hiện thực. Thời gian tới, tôi dự định mở rộng quy mô, mua thêm máy móc thiết bị gồm 2 nồi hơi để nâng cao công suất chế biến sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường", chị Tâm nói.

Nói về Giám đốc HTX Cao Thị Tâm, ông Nguyễn Văn Khảm - Chủ tịch UBND xã Tân Xuân cho biết: “Với sự say mê, ước mơ khát khao thay đổi cuộc sống bà con nơi đây, HTX của chị Tâm đã có những thành công ban đầu. Các sản phẩm của HTX không chỉ mở rộng thị trường trong tỉnh, mà còn đưa ra các tỉnh khác, được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Cùng với đó, chị Tâm đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, giúp họ thay đổi để thoát nghèo”.

baodantoc

Video