Quảng Trị: Vươn lên phát triển kinh tế từ nuôi tôm thẻ chân trắng

27/02/2020
Tôi có dịp về thăm vùng quê biển Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị vào một ngày đầu Xuân mới, được vui lây bởi những tiếng cười của chị em phụ nữ nơi đây lẫn trong tiếng sóng vỗ rì rào sau mỗi mẻ tôm trĩu nặng. Chị em hồ hởi, phấn khởi bởi mùa tôm năm nay cho năng suất tốt.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình chị Túy

Chị Nguyễn Thị Túy, người phát triển kinh tế gia đình từ “Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng” xã Triệu Lăng, gương mặt chị rạng rỡ với mẻ tôm thẻ trắng nặng trĩu trên tay. Chị Túy cho biết, trước đây, chị cùng chồng “bám biển”, cuộc sống lắm khó khăn, vất vả. Bên cạnh đi biển gần bờ bằng thuyền nan để có thêm thu nhập, trên bờ, anh chị chăm chỉ trồng thêm rau màu và chăn nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo cuộc sống nhưng cũng chỉ đủ ăn.

Năm 2009, chị bàn bạc cùng chồng thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Ban đầu vốn ít, vợ chồng chị vay thêm từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Triệu Phong 100 triệu đồng cùng với  \vay mượn bà con trên 200 triệu đồng, đầu tư diện tích 1 ha, chia làm 2 hồ tôm.

Trong quá trình này, chị được tham gia các lớp tập huấn do Hội LHPN xã phối hợp với Trung tâm khuyến Nông, khuyến ngư huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm. Với kiến thức, kỹ thuật đã được trang bị cùng với môi trường đầu tư khá thuận lợi nên việc nuôi tôm của anh chị khá thành công. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm doanh thu từ tôm mang về cho anh chị trên 300 triệu đồng, lãi ròng từ 100 đến 150 triệu đồng. Mùa Xuân năm nay, chị phấn khởi, vui mừng trước vụ tôm đang đến độ thu hoạch.

Vợ chồng chị Túy chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức bán thâm canh, thâm canh theo quy trình kỹ thuật. Anh chị sử dụng các loại men vi sinh, vôi, khoáng chất để quản lý môi trường ao, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi, phòng bệnh nên môi trường khá ổn định, áp dụng nuôi tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường, chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng từ các công ty sản xuất giống.

Chị Túy chia sẻ, một chu trình nuôi tôm thẻ chân trắng gồm giai đoạn một ươm tôm trước khi thả ra ao nuôi, giai đoạn 2 tôm sau 30 ngày tuổi đạt kích cỡ 700 đến 800 con/kg sẽ san qua ao nuôi bằng phương pháp xả ống. Lúc này, tôm đã vượt qua giai đoạn thường mắc các bệnh nguy hiểm do đã có sức đề kháng cao nên phát triển tốt. Sau 2 đến 2,5 tháng nuôi tại ao nuôi, tôm đạt trọng lượng 50- 60 con/kg sẽ xuất bán ra thị trường.

Chị phấn khởi: “Từ ngày đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm, kinh tế gia đình phát triển, vợ chồng đã trả hết nợ đầu tư, xây dựng nhà ở khang trang, trang thiết bị đầy đủ, có điều kiện chăm lo cho các con ăn học…”.

Thành công với việc nuôi tôm thẻ chân trắng, chị Túy đã không ngại ngần chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm cũng như hỗ trợ về tôm giống với chị em phụ nữ sinh hoạt cùng chi hội và trong địa phương, từ đó đã có nhiều chị em học tập, làm theo và đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Chị Túy cũng rất hăng hái tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ, luôn gần gũi, giúp đỡ chị em lúc khó khăn, hoạn nạn, được chị em yêu quý và tin tưởng

                                                                                 

 

Phương Thiện

Video