Phụ nữ Bản Áng 2 chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp sạch

19/12/2019
Bản Áng 2, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vốn nổi tiếng với nhiều hợp tác xã nông nghiệp quy mô lớn nay lại có thêm nhiều mô hình tổ hợp tác hoạt động theo mô hình tự quản. Nữ nông dân trong các tổ hợp tác này thực hiện lối tư duy canh tác mới, sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu hóa học.

Được tham gia lớp tập huấn dự án “Cải thiện sinh kế ở Việt Nam thông qua chuỗi giá trị rau” do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Austrailia (ACIAR) tổ chức, chị Nguyễn Thị Lợi, Bản Áng 2 hiện đã thích ứng với phương pháp sản xuất, canh tác mới an toàn. Chị cho biết, qua một vụ thay đổi phương thức canh tác rau đã cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Chị rất vui mừng và tích cực̃ chia sẻ kinh nghiệm,̀ vận động được nhiều chị em chuyển sang trồng cải bắp, su su, cà chua an toàn, không sử dụng hóa chất.

Tổ hợp tác Sản xuất và Tiêu thu rau an toàn bản Áng 2 ra đời, chị Lợi được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ hợp tác. Chị đã phổ biến kỹ năng canh tác rau an toàn theo quy trình VietGAP cho các xã viên. Hiện nay, các thành viên của Tổ hợp tác đã thay đổi cơ bản thói quen canh tác. Từ khâu chuẩn bị đất, cây giống, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (bằng các chế phẩm sinh học) đến thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm của Tổ hợp tác đều đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP.

Theo chị Hà Thị Thơ, cán bộ khuyến nông Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Mộc Châu, canh tác theo hướng VietGAP giúp người nông dân tăng năng suất và chất lượng rau. Năng suất cà chua trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tăng từ 30,7 tấn/ha lên 36,8 tấn/ha; cải bắp tăng từ 13,2 tấn/ha lên 18,4 tấn/ha. Trung bình mỗi ha đất trồng rau an toàn cho lãi 70-150 triệu đồng/năm tùy vào loại rau, năm trồng và kinh nghiệm của xã viên.

Chị Lò Thị Hậu, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Sang cho biết, toàn xã có hơn 670 hội viên sinh hoạt tại 12 chi hội. Những năm qua, Hội LHPN xã luôn quan tâm đến công tác tập hợp, đoàn kết hội viên để giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Để giúp chị em phụ nữ chuyển đổi phương thức trồng rau theo tiêu chuẩn ViệtGAP, Hội LHPN xã đã phối hợp với hệ thống khuyến nông của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho hội viên; xây dựng các mô hình sản xuất để hội viên tham quan, học tập. Đến nay, toàn xã có 3 Tổ hợp tác, 1 Hợp tác xã với 84 hội viên phụ nữ trồng rau theo mô hình VietGAP.

Thu Quyên

Video