Nữ doanh nhân đón đầu xu hướng kinh tế tuần hoàn

03/02/2022
Phát triển kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng được nhiều quốc gia thực hiện, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Tại Việt Nam, mô hình này đang được nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ áp dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chị Bùi Bích Liên được chuyên gia Nhật Bản tư vấn, giám sát để phát triển mô hình trang trại khép kín

Biến chất thải thành đầu vào

Thời điểm 2012-2013, thực phẩm hữu cơ còn là khái niệm xa lạ với nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Nhưng chị Bùi Bích Liên, người đồng sáng lập thương hiệu Orfarm, đã chọn đi con đường sản xuất theo chuỗi khép kín, hướng về tự nhiên, không chất thải, không cám công nghiệp, không hoá chất độc hại. Sử dụng công nghệ chế phẩm vi sinh EM của Nhật Bản, trang trại không tạo ra rác thải gây ô nhiễm nguồn nước hay môi trường xung quanh. Lớp đệm vi sinh sau quá trình chăn nuôi được tái sử dụng để trồng cây.

Năm 2019, tại Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo với chủ đề "Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh", chị Nguyễn Phương Thảo (trang trại Khôi Nguyên Xanh, tỉnh Phú Thọ) đã gây ấn tượng với "Mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn ứng phó với biến đổi khí hậu". Chị Phương Thảo chia sẻ, mô hình chăn nuôi truyền thống tại Việt Nam là mô hình chăn nuôi tuyến tính, chỉ phát triển theo một chiều, tưởng tạo ra thực phẩm an toàn nhưng thực ra lại không an toàn. Chị Phương Thảo đã được đào tạo, nghiên cứu, hướng tới mô hình chăn nuôi xử lý triệt để chất thải, biến chất thải của quy trình này trở thành đầu vào của quy trình khác. Các phế thải của quá trình trồng trọt như: rơm rạ, cỏ dại, bèo… được xử lý để làm thức ăn cho giun quế và phân bón hữu cơ.

Cũng định hướng phát triển mô hình kinh tế "xanh", Hợp tác xã (HTX) Tâm Ngọc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) do chị Trần Thị Thuần làm giám đốc đã triển khai kế hoạch đa dạng hóa tạo dòng sản phẩm từ những nguyên liệu tự trồng tại trang trại theo hướng hữu cơ, sạch và an toàn. HTX đã liên kết với các HTX khác để cùng gieo trồng và chăm sóc cây thảo dược, phục vụ sản xuất.

Phát triển kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng được nhiều quốc gia thực hiện, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt.

Vừa làm, vừa học, vừa điều chỉnh

"Sản xuất theo mô hình tuần hoàn với các tiêu chuẩn khắt khe, thời gian dài nên giá thành của sản phẩm cao", chị Bùi Bích Liên chia sẻ. Bên cạnh đó, có không ít khách hàng cũng đặt nghi vấn về chất lượng sản phẩm. Đó là những trở ngại mà các nhà sản xuất chọn theo mô hình này phải đối mặt. Họ luôn trong tâm thế vừa làm, vừa học, vừa điều chỉnh để đạt được hiệu quả tốt nhất. Mô hình này không thể kỳ vọng tăng trưởng nhanh, phát triển "nóng".

Theo chị Bích Liên, đây không chỉ là kinh doanh đơn thuần mà còn liên quan đến sức khỏe con người, đến trách nhiệm xã hội. Áp lực vốn cũng như rủi ro cao càng khiến doanh nghiệp phải đi từ từ nhưng thật bài bản.

Hiện tại, những mô hình này đang được chuyển giao công nghệ, nhân rộng trong cộng đồng để hình thành vùng nuôi trồng có môi trường sạch, chất lượng đạt tiêu chuẩn và đáp ứng được nhu cầu sử dụng các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch ngày càng tăng của người tiêu dùng. Đây cũng là xu hướng phát triển phù hợp với bối cảnh hậu Covid-19, đúng như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: Phát triển kinh tế tuần hoàn để vừa vực dậy doanh nghiệp và đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó toàn bộ các hoạt động, từ thiết kế, sản xuất đến cung cấp dịch vụ hướng tới tái sử dụng vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín. Các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

PNVN

Video