Nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu của phụ nữ

24/01/2022
Sáng 24/01, TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo Khuyến nghị chính sách về phát triển tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới ở Việt Nam; tổ chức họp Ban điều phối dự án "Thúc đẩy Tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới”.
Phụ nữ Phú Thọ được tiếp cận với tài chính tín dụng vi mô thông qua tổ chức TYM để làm ăn, phát triển kinh tế

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Hội LHPN Việt Nam, tổ chức Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; cùng một số cơ quan, tổ chức liên quan và Hội LHPN, đại diện tổ chức tài chính vi mô của 27 tỉnh, thành.

Dự án “Thúc đẩy Tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới” do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ do Hội LHPN Việt Nam và một số đối tác triển khai nhằm thúc đẩy phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính đáp ứng nhu cầu của phụ nữ thuộc tầng đáy kim tự tháp (BOP) thông qua tăng cường năng lực của Hội LHPN Việt Nam và các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính (FSP) hướng tới tăng cường tài chính toàn diện có đáp ứng nhu cầu giới ở Việt Nam.

Dự án góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, tạo cơ hội bình đẳng cho người dân trong tiếp cận các nguồn lực phát triển và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản; “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Các đại biểu tham gia hội thảo tại điểm cầu Hà Nội

Qua 3 năm triển khai (từ 2019) tại 8 tỉnh thành trên cả 3 miền Bắc, Trung Nam (Hà Nội, Nam Định, Hà Giang, Thanh Hóa, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang), Dự án đã có các hoạt động thiết kế, thử nghiệm sản phẩm, cải tiến dịch vụ tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm vi mô, qua đó có một số bài học kinh nghiệm và thông tin đầu vào cũng như các khuyến nghị để làm cơ sở thực tiễn cho Hội LHPN Việt Nam đề xuất chính sách, giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới ở Việt Nam.

Tại hội thảo, Bà Tamayo Ito, Trưởng nhóm dự án đã trình bày báo cáo đánh giá một số phát hiện về vấn đề tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới tại Việt Nam thông qua việc nghiên cứu và triển khai các hoạt động của Dự án, từ đó đưa ra đề xuất tham vấn chính sách cũng như vai trò của Hội LHPN Việt Nam đối với tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới.

Một số khuyến nghị đáng chú ý như: cần cung cấp thông tin tài chính toàn diện, có cơ chế hiệu quả và có hệ thống để theo dõi và phân tích liên tục tình hình và nhu cầu của phân khúc thu nhập thấp nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện; có cơ chế kết hợp các công ty tư nhân vào thị trường tài chính toàn diện và vai trò quan trọng của Hội LHPN Việt Nam trong việc thu hút khách hàng nói chung, phụ nữ có thu nhập thấp nói riêng tham gia vào các hình thức sản phẩm, dịch vụ tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm vi mô; thúc đẩy sự gia nhập của các bên tham gia mới vào thị trường tài chính toàn diện.

Giải pháp quan trọng được nhấn mạnh trong báo cáo là sự tăng cường giáo dục tài chính cho khách hàng, trong đó có phụ nữ, tăng hạn mức vay vốn tài chính vi mô thay vì cho vay với lãi suất thấp để tránh tư tưởng ỷ lại, thiếu động lực thoát nghèo.

Các đại biểu tham gia hội thảo từ các điểm cầu tại Việt Nam và Tokyo - Nhật Bản

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hòa - Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng bày tỏ cơ bản đồng tình với nội dung Báo cáo đánh giá do bà Tamayo Ito trình bày; đồng thời cho rằng ở nhiều nước hiện nay, tài chính toàn diện được coi là giải pháp để phát triển nền kinh tế bền vững, chính vì vậy, việc hướng tới phụ nữ - một trọng tâm của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” - trọng tâm của Hội LHPN Việt Nam là rất chính xác.

Bà Nguyễn Thị Hòa - Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo bà Hòa, thời gian tới, Ngân hàng NNVN sẽ có giải pháp triển khai, giám sát đối với các ngân hàng, các chủ thể liên quan khác trong quá trình triển khai Chiến lược, các chính sách; Đồng thời đề nghị Hội LHPN Việt Nam hoàn thiện báo cáo gửi các bên liên quan để Ngân hàng NNVN nghiên cứu, làm căn cứ xây dựng, đề xuất các nội dung, giải pháp thiết thực, hiệu quả; Mong muốn Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ngân hàng NNVN tổ chức các hội thảo, tọa đàm để từ đó chuyển tải các thông điệp tới các định chế tài chính và đối tượng khuyến khích sử dụng các dịch vụ tài chính; xây dựng tài liệu giáo dục tài chính toàn diện…

 

Ngay sau hội thảo, Ban điều phối Dự án đã họp với sự chủ trì tại Việt Nam của Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo và bà Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng viện chiến lược - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện dự án, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm đồng thời có thể đưa ra những phương hướng trong giai đoạn tiếp theo.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo chủ trì chương trình họp Ban điều phối dự án

Phát biểu tại buổi họp, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo khẳng định, dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới thông qua Hội LHPN Việt Nam” là một trong những dự án tiên phong ở Việt Nam về tài chính toàn diện, theo hướng tiếp cận đáp ứng nhu cầu giới. Trong 3 năm thực hiện dự án, mặc dù phần lớn thời gian đều trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 nhưng với sự nỗ lực của các bên đã hoàn thành toàn bộ các hoạt động và thực hiện cơ bản mục tiêu đã được đề cập trong văn bản thoả thuận hợp tác. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là đề xuất được các sản phẩm, phương thức cung cấp dịch vụ tài chính, phi tài chính đáp ứng nhu cầu của phụ nữ, đặc biệt là nhóm thuộc tầng đáy kim tự tháp.

Không chỉ dừng ở các hoạt động đã thể hiện trong văn bản hợp tác, các đối tác đã có những sáng kiến và bổ sung hoạt động đáp ứng rất tốt nhu cầu thực tiễn phát sinh của phụ nữ, đồng thời từ dự án và các chuyên gia giúp cho Hội LHPN Việt Nam có được những thông tin, nền tảng quan trọng để thực hiện Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện đến năm 2025, định hướng 2030 thông qua 2 cuộc khảo sát tài chính toàn diện để đưa ra các khuyến nghị cho Hội trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và khảo sát ứng dụng công nghệ thông tin để giúp các chương trình tài chính vi mô của Hội nhận diện được yêu cầu ứng dụng công nghệ trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, thông qua hỗ trợ của JICA, đã giúp được 500 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do nữ làm chủ nâng cao năng lực và tham gia mạnh mẽ hơn trong hoạt động thương mại điện tử, từ chỗ chưa biết bán hàng online, đến nay các chị đã dần tự tin ứng dụng công nghệ trong thương mại điện tử, kinh tế số, tăng được doanh số bán hàng không biên giới lên 30%.

Những kết quả đạt được của dự án rất có ý nghĩa đối với phụ nữ, đặc biệt là các phụ nữ ở tầng đáy của kim tự tháp.

Bà Đào Mai Hoa, Phó ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, TW Hội LHPN Việt Nam trình bày những bài học kinh nghiệm đạt được từ triển khai Dự án

Thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong các hoạt động tài chính toàn diện nói riêng và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ nói chung; Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức cung ứng dịch vụ nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, phi tài chính đáp ứng tốt hơn nhu cầu giới, góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới ở Việt Nam.

Trân trọng cám ơn sự hợp tác quý báu của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản và các chuyên gia Nhật bản, Phó Chủ tịch Hội Đỗ Thị Thu Thảo hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong thời gian tới, với những mục tiêu phát triển tài chính toàn diện, hỗ trợ doanh nghiệp nữ thích ứng trong bối cảnh chuyển đổi số, thương mại điện tử và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Video