Lai Châu: Nghệ sĩ người Hà Nhì đam mê với chất liệu dân gian dân tộc

19/04/2022
Với sự cố gắng không biết mệt mỏi, Nghệ sĩ múa Pờ Nhù Nu luôn phấn đấu để trở thành một nghệ sĩ tài năng, cống hiến hết mình cho nghệ thuật múa Việt Nam, góp phần quảng bá, lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo nơi miền núi cao của tỉnh Lai Châu.
Nghệ sĩ múa Pờ Nhù Nu trong trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì.

Nghệ sĩ múa Pờ Nhù Nu là người dân tộc Hà Nhì ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Với sự cố gắng không biết mệt mỏi, chị luôn phấn đấu để trở thành một nghệ sĩ tài năng, cống hiến hết mình cho nghệ thuật múa Việt Nam, góp phần quảng bá, lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo nơi miền núi cao của tỉnh Lai Châu.

Với lòng quyết tâm và sự tự tin, Pờ Nhù Nu quyết tâm rời bản làng lên đường xuống núi học múa để theo đuổi ước mơ trở thành diễn viên. Nơi Pờ Nhù Nu học múa là tại tỉnh Hòa Bình, cách rất xa nơi ở của chị. Những ước mơ của tuổi trẻ luôn nung nấu, thôi thúc chị phải chịu thương, chịu khó, biết lắng nghe và tiếp thu những kiến thức từ thầy cô để có được hành trang cơ bản cho riêng mình. Cái duyên ấy cho đến tận bây giờ, Pờ Nhù Nu đã không ân hận khi mình chọn con đường nghệ thuật là cái nghiệp của cuộc đời này.

Nghệ sĩ Pờ Nhù Nu (trên cùng) cùng với các diễn viên múa biểu diễn trong chương trình lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống BĐBP, 20 năm Ngày Biên phòng toàn dân, tại tỉnh Lai Châu, năm 2009.

Năm 2005, tốt nghiệp ra trường, nghệ sĩ Pờ Nhù Nu chỉ có mong muốn trở về với bản làng người Hà Nhì để được múa cho bà con, người thân xem những tiết mục múa của dân tộc mình. Chị trở thành diễn viên múa của Đoàn Nghệ thuật Hoa ban trắng tỉnh Điện Biên, sau đó, chia tách tỉnh, chị về công tác tại Đoàn Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, nay là Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Lai Châu. Công việc của chị gắn với những chuyến đi biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Sân khấu chỉ là những khoảng sân trường học, sân bóng đá của bản cùng với ánh đèn vừa đủ để nhìn thấy mặt diễn viên chứ không phải là một sân khấu hoành tráng, lung linh đèn màu rực rỡ.

Nghệ sĩ Pờ Nhù Nu chia sẻ: 17 năm gắn bó với nghề, nhớ nhất là những chuyến công tác phục vụ cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng như: Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm, Pa Vệ Sử, Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu, Huổi Luông. Đồn ở xa trung tâm xã, phải vất vả lắm chị mới đến được nơi diễn. Đi đến đâu, các anh cũng nhiệt tình, chu đáo, nhường chỗ ngủ của mình cho diễn viên. Nhiều điểm diễn, lần đầu tiên bà con được xem văn công nên hết chương trình mà khán giả còn không chịu về.

Theo nghệ sĩ Pờ Nhù Nu, khi cảm thấy đủ độ chín với nghề và cả sự hãnh diện với bản làng tộc người bản địa thì muốn vươn lên một tầm mới để thay đổi vị trí, nhưng vẫn được đam mê với nghề, Pờ Nhù Nu lựa chọn con đường theo học lớp biên đạo tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội (Hà Nội). Chị trải qua con đường học hành khá vất vả, song song với việc học tại trường, lại lo toan cho gia đình nhỏ của mình. Chồng chị công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Lai Châu, con chị còn nhỏ phải theo mẹ lên lớp hằng ngày.

Từ cuộc sống thực tế của hai vợ chồng xa nhau khi đi học, chị đã xây dựng ý tưởng cho tác phẩm múa tốt nghiệp với chủ đề “Nhịp sống”, trong đó, nhân vật vợ là cô gái Hà Nhì thôn quê, chồng là một Thiếu tá Quân đội và cô con gái nhỏ Mùa Sang Sang mới 1 tuổi của mình. Chị đã mạnh dạn đưa 3 nhân vật chính vào tác phẩm múa của mình. Đây là thành quả của quá trình đào tạo lớp biên đạo, bằng chất xám và lòng nỗ lực không ngừng nghỉ của chị cùng với sự giúp đỡ tận tình của bạn bè, đồng nghiệp và thầy cô, tác phẩm được dàn dựng công phu, cô đọng về ý tưởng, ấn tượng về tạo hình, động tác múa.

Hoàn thiện bằng cấp, mang kiến thức học được từ thầy cô trong trường, chị tiếp tục trở về đơn vị công tác. Pờ Nhù Nu được đảm nhận biên đạo các chương trình nghệ thuật lớn, xây dựng các tác phẩm múa mới hằng năm. Có nền tảng trí thức, tích lũy được qua những năm tháng học tập tại trường, về đơn vị, chị được trải nghiệm, khám phá nhiều nét văn hóa bản địa của cộng đồng 20 dân tộc trên mảnh đất Lai Châu để ấp ủ thai nghén cho các tác phẩm múa của mình. Nhiều tác phẩm của chị được khai thác từ chất liệu múa của các dân tộc thiểu số như: “Khoe khăn” - dân tộc Giáy; “Mùa thay lá” - dân tộc La Hủ; “Vượt sông” - dân tộc Si La; “Lạc vườn đào” - dân tộc Mông; “Tiếng vọng Là Khư” - dân tộc Hà Nhì...

Là người con của dân tộc thiểu số vùng cao, chị luôn tự hào mình là người phụ nữ dân tộc Hà Nhì đầu tiên trở thành biên đạo múa chuyên nghiệp ở miền núi phía Bắc. Với sự cố gắng không biết mệt mỏi, chị luôn phấn đấu để trở thành một nghệ sĩ tài năng, cống hiến cho nghệ thuật múa Việt Nam và lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo nơi miền núi cao của tỉnh nhà.

bienphong

Video