Hướng dẫn chị em cách tăng giá trị bền vững cho sản phẩm OCOP

20/08/2021
Buổi tọa đàm trực tuyến “Quyền sở hữu trí tuệ - Giá trị bền vững cho sản phẩm OCOP” do TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp Kênh VTC16 – Đài truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức vào ngày 20/8/2021 đã cung cấp cho phụ nữ khởi nghiệp các nội dung liên quan tới tạo lập, quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP.
Livestream “Quyền sở hữu trí tuệ - Giá trị bền vững cho sản phẩm OCOP" do TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp thực hiện

Thời gian qua, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương là lĩnh vực được nhiều chị em chọn để khởi nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình và những người xung quanh. 

Kể từ khi triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong khuôn khổ Đề án Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939), Hội LHPN Việt Nam đã chủ động phát huy vai trò của hội viên, phụ nữ tham gia chương trình OCOP với tư cách vừa là chủ thể tuyên truyền, vận động, vừa là chủ thể tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, vừa là chủ thể quan trọng quyết định lựa chọn tiêu dùng sản phẩm OCOP trong gia đình.

Thông qua đề án, Hội đã khuyến khích hỗ trợ chị em phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp với sản phẩm OCOP để thoát nghèo; hỗ trợ thành lập trên 6.000 tổ hợp tác, tổ liên kết, trên 500 hợp tác xã, trong đó có nhiều HTX/THT do Hội hỗ trợ đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 4 sao. Tiêu biểu như HTX dược liệu ATC tại Nam Định, HTX bún miến Đa Mai tại Bắc Giang, HTX cam 3T, HTX Dịch vụ nông nghiệp tại Hòa Bình, HTX thu mua chế biến hải sản Phú Khương tại Hà Tĩnh, HTX cao An Xoa, HTX sen Trường Phát tại Đồng Nai,…

Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP nói chung và các sản phẩm OCOP do phụ nữ làm chủ, tham gia xây dựng nói riêng vẫn đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường, đặc biệt còn tồn tại những vấn đề liên quan đến đăng ký sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu và bảo vệ tài sản trí tuệ.

Chính vì vậy, từ chương trình tọa đàm trực tuyến “Quyền sở hữu trí tuệ - Giá trị bền vững cho sản phẩm OCOP”, các chuyên gia tham gia tọa đàm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm OCOP; giúp chị em phân biệt rõ các khái niệm về “nhãn hiệu”, “nhãn hiệu tập thể”, “nhãn hiệu chứng nhận”, “chỉ dẫn địa lý”.

Các khách mời tham gia buổi tọa đàm hướng dẫn chị em cặn kẽ, cụ thể liên quan đến việc tạo lập, quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin: “Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 108 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, trong đó có 101 chỉ dẫn địa lý là của Việt Nam. Các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm như gạo, trái cây tươi, thủy, hải sản, gia súc, gia cầm”.

Những khó khăn mà doanh nghiệp khi đăng ký sở hữu trí tuệ gặp phải đó là phân nhóm sản phẩm dịch vụ không đúng; bị từ chối do nhãn hiệu bị trùng với các đơn vị khác đã đăng ký; thay đổi địa chỉ nên không nhận được giấy tờ thông báo của Cục sở hữu trí tuệ để phản hồi kịp thời…

Các chuyên gia cũng đã nhận được sự quan tâm, phản hồi tích cực thông qua tương tác, đặt câu hỏi trực tiếp của chị em theo dõi Chương trình, qua đó, các chuyên gia đã phân tích, hướng dẫn chị em cặn kẽ, cụ thể liên quan đến việc tạo lập, quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP, giải đáp những thắc mắc đồng thời tạo thêm động lực để chị em - các chủ thể OCOP nắm rõ, có thể áp dụng chuẩn hóa, thực hiện bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, cũng như khai thác chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của mình, giúp các sản phẩm OCOP của phụ nữ phát huy được các giá trị, đặc biệt về chất lượng, văn hóa và tổ chức cộng đồng.

 

* Tọa đàm Quyền sở hữu trí tuệ - Giá trị bền vững cho sản phẩm OCOP do Kênh VTC16 và TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp thực hiện được phát trực tuyến trên kênh fapage VTC 16, fanpage và youtube Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN Việt Nam.

* Các khách mời tham gia chương trình:

- PGS.TS Trần Văn Ơn, Cố vấn Quốc gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

- Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

Minh Trang

Video