Hải Phòng: Sau 40 lần phẫu thuật vẫn quyết tâm gây dựng lại cơ nghiệp từ con số 0

11/05/2022
Bước ra khỏi “quỷ môn quan” với hành trình 40 lần phẫu thuật, tài sản cũng phải bán đi để chữa bệnh, bà Lê Thị Guốt (xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) quyết tâm gây dựng lại cơ nghiệp từ con số 0.
Bà Lê Thị Guốt quyết tâm gây dựng lại cơ nghiệp từ con số 0

"Phao cứu sinh" trong lúc khốn khó

Người dân làng Sơn Đông (xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng) không còn xa lạ với hình ảnh người phụ nữ dáng người nhỏ bé nhưng đầy nghị lực. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe kiệt quê, tài sản là con số 0, bà Lê Thị Guốt vẫn không ngừng vươn lên, khởi nghiệp với sản phẩm bột nghệ đỏ.

Từng khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh thủy hải sản giai đoạn năm 1993-1997, bà Guốt cho biết, công việc làm ăn của bà thời điểm đó rất thuận lợi. Bà tưởng như đã có trong tay mọi thứ nhưng tai nạn bất ngờ ập đến. Sáu năm tiếp theo là khoảng thời gian bà phải chịu đau đớn để giành lại sự sống. Bước ra khỏi "quỷ môn quan" với hành trình là 40 lần phẫu thuật khắp các bệnh viện địa phương và trung ương. Vốn liếng tích lũy không còn, nhà, xe cũng phải bán đi để chữa bệnh. "Trong tay không còn gì nhưng tôi không thể đầu hàng số phận. Điều tôi có thể làm được lúc đó là không cho phép mình gục ngã. Trong khốn khó nhất, tôi được Chi hội phụ nữ khu 9 cho vay 3 triệu đồng. Với tôi, lúc bấy giờ, đó là một số tiền lớn. Nó giống như một chiếc phao cứu sinh để tôi bám vào và vượt qua nghịch cảnh. Với số vốn ban đầu đó, tôi mượn một vườn trồng vải bỏ không để nuôi lợn rừng. Trời không phụ lòng người, sau một thời gian tôi đã có đàn lợn 50-60 con. Từ đó, tôi tiếp tục phát triển kinh tế gia đình", bà Guốt cho biết.

Dám nghĩ, dám làm

Thấy trên nông trường Triều Hải, người Ấn Độ mang giống nghệ đỏ sang trồng để chế biến thành dược liệu, bà trăn trở với câu hỏi: Tại sao người Việt Nam không làm? Bà quyết định vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội LHPN và bàn với chị em trong khu cùng làm. "Tôi mua giống nghệ đỏ về, giao cho chị em trồng và sản xuất còn tôi chịu trách nhiệm chính về quy trình sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Đúng là "không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền", tất cả chị em đã thành công. Tôi rất biết ơn sự hỗ trợ của Hội LHPN luôn đúng lúc, đúng chỗ, giúp tôi tạo dựng được cơ nghiệp như ngày hôm nay", bà Guốt tâm sự.

Đạt được thành công không chỉ nhờ sự năng động, dám nghĩ, dám làm mà quan trọng hơn là cách bà Lê Thị Guốt chăm chút, đầu tư cho chất lượng sản phẩm. Nghệ đỏ là loại cây ưa khí hậu ôn hoà, ít sâu bệnh nên trong quá trình trồng, chăm sóc, người trồng không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vườn trồng cũng không phải làm cỏ nhiều, tốn ít công chăm sóc. Đây cũng là giống nghệ có hàm lượng Curcumin cao hơn so với các giống nghệ khác.

Chủ cơ sở sản xuất cho biết, sản phẩm "tinh bột nghệ bà Guốt" được chiết xuất từ 100% củ nghệ tươi đã qua quá trình tuyển chọn kỹ và quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phải mất 30kg nghệ tươi mới chiết xuất ra được 1 kg tinh bột nghệ. Tinh bột nghệ không sử dụng hoá chất, phụ gia trong quá trình sản xuất, bảo quản mà giữ được màu sắc, hương vị tự nhiên, hàm lượng Curcumin cao trong củ nghệ. Sản phẩm đang được bày bán tại cửa hàng và bán online với giá 600.000 đồng/kg. Cơ sở sản xuất của bà hiện tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương, thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng/người.

phunuvietnam

Video