Hà Giang: Chị Nguyễn Thị Gấm - Khởi nghiệp bằng niềm đam mê và tinh thần vượt khó

11/01/2022
Theo quan điểm của chị Nguyễn Thị Gấm, ngụ tại tổ 11, thị trấn Nông trường Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, không khi nào là quá muộn hay quá sớm để khởi nghiệp, khi còn trẻ hay đã già, muốn thành công thì điều quan trọng nhất là phải có ý chí và quyết tâm, bởi phát triển kinh tế trước hết là để nuôi sống bản thân rồi mới vươn lên làm giàu.
Chị Gấm vui mừng bên những cây cam canh trĩu quả bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình

Gia đình chị Gấm khá khó khăn, chị vừa phải chăm sóc mẹ chồng già yếu, vừa phải chăm người chồng bệnh tật, thế nhưng chị vẫn tảo tần chăm sóc và nuôi dưỡng 4 đứa con khôn lớn trưởng thành và có công việc ổn định. Vất vả là thế nhưng chị Gấm không cho phép bản thân mình nghỉ ngơi, bởi với chị có nỗ lực, cố gắng, có yêu lao động thì cuộc sống này mới tốt đẹp và ý nghĩa hơn.

Sau khi các con đã trưởng thành, chị Gấm có nhiều thời gian hơn để chăm lo cho mảnh vườn của gia đình. Với 1,5ha đất vườn, từ những năm 2015 trở về trước gia đình chị chỉ trồng rau và một số loại cây gỗ tạp, thu nhập từ mấy sào rau luôn bấp bênh nên lúc nào chị cũng suy nghĩ phải thay đổi phương pháp làm ăn để nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Trong những lần chở rau ra chợ, chị Gấm để ý thấy một số người chở cam bán, mỗi xe cam thường có giá từ vài triệu đồng, trong khi cả xe rau của chị chỉ thu được vài chục nghìn đồng. Thấy cây cam cho giá trị kinh tế gấp nhiều lần trồng rau, chị Gấm đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật trồng cam. Sau đó, vay mượn tiền để mua giống cam đường canh về trồng thử nghiệm.

Ban đầu chị cũng gặp nhiều khó khăn do giống cam đường canh tại Việt Lâm không có nhiều người trồng nên việc học hỏi kĩ thuật cũng như chăm sóc rất khó, tuy nhiên sau mấy năm làm quen với cây cam đường canh, chị Gấm nhận thấy cây cam rất khó trồng, nhưng nếu biết cách thì vẫn có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, giai đoạn cây con đang phát triển vô cùng quan trọng, nếu không có phân chuồng thì phải dùng đỗ tương nghiền trộn cùng phân lân Lâm Thao, tro bếp rồi bón cho cây, ngoài ra có thể dùng thêm hóa chất phòng chống bệnh thối rễ. Sau 5 năm trồng, giờ đây vườn cam của chị cho nguồn thu nhập 150 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi lợn thương phẩm của gia đình chị Gấm mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Chị Gấm chia sẻ: “Khi bắt đầu khởi nghiệp, tôi phải nỗ lực rất nhiều, có niềm đam mê và tinh thần vượt khó thì mới đạt được thành công. Bước đầu khi khởi nghiệp, tôi lấy ngắn nuôi dài, phát triển dần lên chứ không đầu tư lớn ngay từ đầu, nên dần dần, mô hình kinh tế của tôi cũng đã phát triển tương đối tốt. Khi đã theo đuổi, cần chịu khó, kiên trì và không ngừng học hỏi các chị khác, có sự hợp tác với các cấp Hội, cơ quan chức năng để được hỗ trợ khi cần thiết ”.

Ngoài trồng cam đường canh, chị Gấm cũng trồng thêm trên 100 gốc bưởi da xanh và nuôi lợn thương phẩm. Chị Gấm chia sẻ nuôi lợn vừa là để lấy ngắn nuôi dài, vừa có thu nhập lại vừa có nguồn phân để bón cho cây. Hiện mỗi lứa lợn chị nuôi từ 20 - 30 con, một năm xuất bán ra thị trường được 3 lứa lợn thương phẩm. Từ việc nuôi lợn và trồng cây ăn quả, 1 năm chị gấm có nguồn thu từ 250 triệu đến 300 triệu đồng. Chị Hà Ngọc Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Việt Lâm cho biết thêm: “Chị Nguyễn Thị Gấm có định hướng khởi nghiệp rõ ràng, quá trình làm mô hình luôn cần cù, siêng năng, triển khai theo đúng quy trình trồng trọt, đạt hiệu quả kinh tế cao và tạo động lực cho bà con địa phương học hỏi, làm theo. Nhiều hộ triển khai mô hình cũng đã gặt hái thành công như chị”.

Hà Trang

Video