Dấu ấn nữ quân nhân: Tỏa ngát hương đời

02/01/2022
5 năm qua, phong trào thi đua của Phụ nữ Quân đội được triển khai rộng khắp, có sức lan tỏa sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực. Qua các phong trào, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình đẹp như những sắc hoa thắm mãi.
Nữ bác sĩ Bệnh viện Quân y 354 nhận Huy hiệu vì đã có thành tích xuất sắc trong hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch.

Nếu những nữ quân nhân được ví như những bông hoa đẹp, thì những việc chị em đóng góp vì đất nước, cộng đồng, xã hội chính là những hương thơm đã và đang tỏa ngát hương đời...

“Hoa” nơi tuyến đầu

Gần hai năm cả nước kiên cường chiến đấu với "giặc" Covid-19 cũng là ngần ấy thời gian ghi nhận biết bao sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Trong số đó, có sự đóng góp không nhỏ của những nữ quân nhân được ví như “những bông hồng thép” với lòng quả cảm, sẵn sàng gác lại việc riêng, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh nguy hại.

Tháng 10-2020, tại chương trình giao lưu tôn vinh phụ nữ, công đoàn điển hình tiên tiến LLVT Quân khu 1, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với câu chuyện của Thiếu tá QNCN Hoàng Thị Bạch, nhân viên quản lý  thuộc Trung đoàn 123, Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn.

Với giọng nói nhẹ nhàng, nhưng ẩn chứa bên trong chị là sự mạnh mẽ, kiên cường: "Chồng không may mất sớm, tôi vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi dạy con trai. Thời điểm này, con trai tôi đang chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng lên bậc THPT, rất cần có người ở bên động viên, kèm cặp... Thế nhưng, trước nhiệm vụ đặt ra, tôi xác định phải khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao nhất".

Cùng với đồng đội, Thiếu tá QNCN Hoàng Thị Bạch thực hiện nhiệm vụ phục vụ ăn uống cho 2.000 công dân thuộc diện cách ly trở về từ vùng dịch. Công việc bộn bề, lực lượng mỏng, song chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được thủ trưởng các cấp biểu dương, khen thưởng và là một trong hai nữ quân nhân được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen năm 2020.

Thiếu tá QNCN Hoàng Thị Bạch chỉ là một trong số hàng vạn cán bộ, chiến sĩ toàn quân nói chung, Phụ nữ Quân đội nói riêng đã thể hiện rõ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Có thể nói, càng trong khó khăn, gian khổ, ý chí, nghị lực, tinh thần trách nhiệm của người quân nhân càng được khẳng định rõ nét.

Mới đây nhất, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, nằm trong đội hình cán bộ, chiến sĩ tăng cường vào phía Nam, có không ít những bóng hồng viết đơn tình nguyện xung phong vào tâm dịch, trực tiếp cứu chữa cho F0.

Với Trung tá, bác sĩ Nguyễn Thị Thu, Phó chủ nhiệm khoa Sản, Bệnh viện Quân y 105 (Tổng cục Hậu cần), những tháng ngày trong vai trò Chủ nhiệm Khoa V2, Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5D (Tổng cục Hậu cần) thật đáng nhớ.

Là một trong số những quân nhân đầu tiên của Bệnh viện Quân y 105 viết đơn tình nguyện vào Nam, trước lúc lên đường chị đã có quyết định mạnh mẽ: Cắt bỏ mái tóc dài óng ả vốn được chị nâng niu. Lý giải về điều này, chị Thu bảo: “Tóc ngắn rồi sẽ mọc và dài lại, nhưng nhiệm vụ cứu chữa người bệnh thì không thể chờ đợi được”.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phùng Thị Phú, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội, không giấu được sự tự hào cho biết: "Với chúng tôi, không chỉ trong đại dịch Covid-19 mà ở bất cứ mọi tình huống, yêu cầu nhiệm vụ nào được đặt ra, các nữ quân nhân đều luôn sẵn sàng đón nhận với trách nhiệm và quyết tâm cao nhất. Chỉ tính riêng đợt dịch thứ 4, đã có hơn một nghìn nữ bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên, học viên tình nguyện xung phong thực hiện nhiệm vụ tại các bệnh viện dã chiến, trong tâm dịch. Nhiều đồng chí vừa kết thúc đợt công tác dài ngày, lại tiếp tục xung phong nhận nhiệm vụ lên đường. Nhiều đồng chí bị lây nhiễm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, sau khi điều trị khỏi xin được tiếp tục ở lại... thực hiện nghĩa cử thiêng liêng".

“Hoa” nhân ái

Những ngày cuối năm 2021, đến thăm gia đình chị Triệu Thị Pham, ở xóm Nà Tênh, xã Cần Nông (Thông Nông, Cao Bằng), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự thay đổi đến ngỡ ngàng. Giữa nhà chị, chiếc ti vi 42 inch được đặt ngay ngắn; trong góc nhà là những bao thóc, bao ngô được xếp thành chồng, cao chạm mái; ngoài sân rộn tiếng gà vịt...

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Pham xúc động: "Từ ngày về ở trong ngôi nhà “Mái ấm tình thương”, vợ chồng tôi không còn lo mưa nắng nữa, có thêm động lực để cấy lúa, trồng ngô, nuôi gia súc, gia cầm. Cuộc sống gia đình khá hơn nhiều rồi...".

Gia đình chị Pham là một trong rất nhiều hộ gia đình phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn ở hai xã Cần Nông (Thông Nông, Cao Bằng) và Thèn Chu Phìn (Hoàng Su Phì, Hà Giang) đón nhận sự quan tâm bằng tấm lòng và tình cảm của phụ nữ trong toàn quân. Việc làm này chính là sự cụ thể hóa Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động trên cả nước.

Với mục tiêu hướng đến những phụ nữ hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, các tổ chức phụ nữ trong toàn quân đã sôi nổi hưởng ứng Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Chỉ trong thời gian ngắn, tổng số hiện vật và tiền mặt được vận động, hỗ trợ cho chương trình lên tới 11 tỷ đồng, mở ra nhiều cơ hội thay đổi cuộc sống cho những phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn nơi biên cương của Tổ quốc.

Cùng với Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", các tổ chức phụ nữ còn tích cực hưởng ứng Phong trào “Quân đội chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”. Nhiều việc làm nhân ái, thể hiện tấm lòng thơm thảo của cá nhân, tập thể phụ nữ trong toàn quân đã nở rộ như sắc hoa mùa xuân. Có những cá nhân đều đặn hằng tháng trích một phần tiền lương, cá biệt có người bỏ cả tháng lương dành đỡ đầu cho những em học sinh học giỏi nhưng không có điều kiện đến trường.

Cũng có cá nhân tự đứng ra vận động bạn bè, người thân quyên góp quần áo ấm, sách vở, bút mực... tặng các em học sinh, người dân vùng cao còn nhiều khó khăn. Có người còn bỏ cả thời gian, công sức, tiền bạc tổ chức nấu cơm, cháo phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo đang điều trị ở các bệnh viện... 

Có thể nói, ở đâu có những mảnh đời khó khăn, bất hạnh, ở đó sẽ xuất hiện những việc làm nghĩa tình của những "bông hoa" nhân ái. Bằng nhiều phương thức, cách thức, việc làm âm thầm, lặng lẽ, mang đậm tính nhân văn của mỗi cá nhân, tổ chức phụ nữ trong toàn quân đã và đang góp phần tỏa sáng hình ảnh Phụ nữ Quân đội nói riêng, Bộ đội Cụ Hồ nói chung trong thời kỳ mới.

QĐND

Video