Có Hội, chúng tôi “ra trận” không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng

01/03/2022
“Thương trường là chiến trường”, nhưng nhờ có sự hỗ trợ của Hội mà nhiều chị em phụ nữ “ra trận” đã không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng!
Lê Thị Ánh Nguyệt thỏa sức với đam mê tranh giấy xoắn

Cơ hội giao lưu học hỏi

Năm 2016, tình cờ bắt gặp những tấm thiệp handmade làm bằng giấy xoắn rất dễ thương, Lê Thị Ánh Nguyệt (32 tuổi, ngụ thôn Đá Mài 1, xã Tân Xuân, H.Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) nhanh chóng bị thu hút và mua liền 5 tấm với những mẫu khác nhau để mang về mày mò làm theo. Không thành công, nhưng sức hút của những hoa văn làm từ những sợi giấy vô tri khiến Nguyệt quyết tâm tìm hiểu. Nhờ internet, Nguyệt biết đó là nghệ thuật giấy xoắn đã được nhiều bạn khuyết tật trong nước tạo ra với nhiều sản phẩm có chất lượng cao. Thế rồi, từ một người chưa từng biết gì về nghệ thuật hội họa, Nguyệt lân la học hỏi những người bạn am hiểu và được sự góp ý, chỉ bảo tận tình.

Để hoàn chỉnh một bức tranh, dù đơn giản đến mấy, cũng phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi người làm phải suy nghĩ, thiết kế mẫu, kiên trì và khéo léo thực hiện, đôi khi phải làm đi làm lại nhiều lần. Bởi thế, có khi phải mất cả tháng trời Nguyệt mới hoàn thành một bức tranh giấy xoắn.

Vừa học, Nguyệt vừa tranh thủ buổi tối hoặc ngày cuối tuần để làm. Từ những bức tranh ban đầu hoàn toàn nghiệp dư, tay nghề của Nguyệt ngày càng tiến bộ. Năm 2019, Nguyệt mạnh dạn đăng ký tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” do Hội Phụ nữ H.Hàm Tân tổ chức và được trao giải nhất. Với thành công này, Nguyệt được Hội LHPN H.Hàm Tân hỗ trợ vay 50 triệu đồng. Cuối năm 2019, Nguyệt mạnh dạn mở cơ sở, tạo dựng thương hiệu Ánh Nguyệt Quiling.

Do chưa được nhiều người biết đến nên ban đầu sản phẩm của Ánh Nguyệt Quiling tiêu thụ rất khó khăn. Nhưng Nguyệt đã không nản lòng mà càng quyết tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến nhiều đối tượng khách hàng với mẫu mã đa dạng như thiệp, tranh hoa trang trí dành cho nhà hàng, khách sạn, phòng khách, văn phòng, tranh tặng tân gia… Nói về mô hình kinh doanh của Nguyệt, bà Nguyễn Thị Kim Hằng - Phó Chủ tịch Hội LHPN H.Hàm Tân - nhận định, đó là mô hình khởi nghiệp rất đáng quý ở một vùng nông thôn với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu.

Hội LHPN H.Hàm Tân cũng tạo điều kiện để Nguyệt tham gia các cuộc thi khởi nghiệp giúp sản phẩm được giới thiệu rộng rãi trên thị trường. Hiện tại, cơ sở tranh Ánh Nguyệt Quiling vừa dạy nghề, vừa tạo công ăn việc làm cho bốn lao động. Có sự trợ sức của Hội, Nguyệt phấn khởi: “Từ những cuộc thi của Hội, tôi có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, vừa được tham gia các lớp tập huấn về kinh doanh và kinh doanh online, được chia sẻ về sản phẩm của mình đến nhiều người cũng như được các thành viên hội đồng giám khảo uy tín tư vấn và chỉ ra những hạn chế trong việc kinh doanh của mình để tìm cách khắc phục”.

Tháng 10/2021, Nguyệt đã xin nghỉ việc sau 12 năm công tác tại Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện để trở về tập trung phát triển xưởng tranh, thực hiện đam mê.

Thực hóa những ý tưởng, ước mơ

Nguyệt là một trong 173.000 phụ nữ được Hội LHPN các cấp trên cả nước hỗ trợ khởi nghiệp. Có thể nói, với nguồn lực từ ngân sách nhà nước (174,8 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và địa phương) và xã hội hóa (79,3 tỷ đồng), đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Hội đã thật sự góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo của các cấp Hội trong đề xuất chính quyền phê duyệt đề án/kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp; góp phần nâng đỡ biết bao chị em hiện thực hóa những ý tưởng, ước mơ, thỏa chí đam mê.

Nhắc về Hội với những hỗ trợ trong quá trình vươn lên, làm giàu, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - chủ vườn hoa lan Hoàng Lực (xã Quy Đức, H.Bình Chánh, TP.HCM) - cho rằng: “Điều thuyết phục nhất của Hội với chị chính là sự kiên trì. Cán bộ Hội đã theo sát dự án kinh doanh của chúng tôi, nhiệt tình giới thiệu các nguồn vốn, chính sách và cả nguồn nhân công. Các chị cũng kiên trì trong tổ chức các sân chơi, lập các câu lạc bộ nữ doanh nhân để thu hút chúng tôi vào hoạt động. Chưa hết, các chị còn tìm cách kết nối giúp sản phẩm của chúng tôi có đầu ra. “Thương trường là chiến trường”, nhưng nhờ có sự hỗ trợ của Hội mà những người đàn bà “ra trận” chúng tôi không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng”.

Ngày hội kết nối phụ nữ khởi nghiệp tại TP.HCM năm 2020

Có thể thấy, trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế của Hội LHPN các cấp đã có những chuyển biến mạnh mẽ, trong đó vai trò kết nối giữa doanh nghiệp/nhà sản xuất với người tiêu thụ của Hội đã được khẳng định. Rất nhiều phiên hội chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ đã được Hội Phụ nữ các cấp tổ chức, thu hút hàng triệu khách hàng. Ngày 7/6/2021, cao điểm của dịch COVID-19, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp các đơn vị ra mắt điểm hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản tại Học viện Phụ nữ Việt Nam (68 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) cùng bốn điểm bán hàng khác ở phía Bắc. Để rồi vừa kết thúc thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh, Trung ương Hội lại phối hợp Hội LHPN TP.HCM tổ chức phát động chương trình “Phụ nữ tự tin làm kinh tế giỏi”. Chương trình với mục tiêu hàng đầu là hỗ trợ chị em phát triển kinh tế hộ gia đình, trong đó tập trung vào khâu đào tạo, nâng cao kỹ năng áp dụng công nghệ vào tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Khởi nghiệp là câu chuyện lớn, cần phải có dự án với hoạch định rõ ràng, dài hơi. “Tôi đã từng lần mò khởi nghiệp với biết bao mồ hôi và nước mắt. Dự án viết xong, hoàn thiện, và hiện thực luôn có một khoảng cách. Nếu không có sự tiếp sức của Hội với những góp ý của các chuyên gia, có lẽ trong mùa COVID-19 vừa qua tôi đã bỏ cuộc” - chị Trần Thị Ngọc Hiếu (Q.1, TP.HCM), người đoạt giải sáng tạo trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN Việt Nam tổ chức năm 2021, nói. Theo chị, đây không còn là một sân chơi mà chính là bệ đỡ, là sự chắp cánh cho những mơ ước bay cao.

* Trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, các cấp Hội trên cả nước đã vận động, hỗ trợ, thành lập mới 775 hợp tác xã và 3.730 tổ hợp tác có phụ nữ tham gia quản lý, nâng tổng số lên trên 10.000 tổ hợp tác.

* Trong hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Phụ nữ là kênh dẫn vốn hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước. Hội LHPN tiếp tục là đoàn thể dẫn đầu với sáu điểm “nhất”, gồm: dư nợ cao nhất, tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất, số tổ tiết kiệm và vay vốn nhiều nhất, tỷ lệ thành viên tham gia tiết kiệm cao nhất, số lượng thành viên nhiều nhất, tổ vay vốn và tiết kiệm có chất lượng tốt nhất.

* Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình thương (TYM) của Hội tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa sản phẩm tài chính và phi tài chính, đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm phụ nữ khác nhau, trong đó có nhóm phụ nữ khởi nghiệp với hơn 2.000 tỷ đồng cho 173.000 phụ nữ vay.

phunuonline

Video