Cô gái khiếm thính trở thành nhân vật truyền cảm hứng nhất năm

15/03/2022
Cô gái khiếm thính Giang Mộng Nam đã được vinh danh là 1 trong số 10 nhân vật truyền cảm hứng nhất năm 2021 của Trung Quốc.
Giang Mộng Nam đọc sách trong thư viện tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.

Giang Mộng Nam, cô gái khiếm thính 29 tuổi, mới đây đã được đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV vinh danh là 1 trong số 10 nhân vật truyền cảm hứng nhất của năm 2021 sau khi trở thành nghiên cứu sinh tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng. Ngoài Giang Mộng Nam, một số nhân vật khác được vinh danh như nhà vật lý đoạt giải Nobel Dương Chấn Ninh; Tô Bỉnh Thiêm, vận động viên chạy nước rút gốc Á đầu tiên vượt rào cản 10 giây trong nội dung điền kinh 100 mét.

Trong nhiều năm qua, Giang Mộng Nam đã vượt qua trở ngại của chứng khiếm thính và tiến về phía trước bằng sự kiên trì vượt xa những người bình thường. Cô có thể làm được tất cả những điều này một cách kỳ diệu vì may mắn có được những người cha mẹ không bao giờ bỏ cuộc, đặc biệt là mẹ cô, một giáo viên nông thôn bình thường nhưng cực kỳ cứng cỏi, người đã nuôi con gái bằng tình mẫu tử sâu nặng. Trên thực tế, bà không chỉ dạy con gái khiếm thính đọc chữ mà còn dạy con nói, điều đáng quý hơn là đã rèn luyện cho con gái tính tự lập, tự chủ ngay từ khi còn nhỏ.

Từ đứa trẻ khiếm thính...

Giang Mộng Nam sinh ra ở huyện Nghi Chương, miền trung tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Cô bị mất thính giác khi mới 6 tháng tuổi vì người thân truyền nhầm thuốc điều trị viêm phổi trong một lần lên cơn sốt. Sau khi cô bé được chẩn đoán bị điếc, mẹ cô tham gia các lớp học giáo dục đặc biệt để học các kỹ năng dạy trẻ khiếm thính. Với sự giúp đỡ của cha mẹ, Mộng Nam học được cách "đọc môi" khi còn nhỏ, nhờ vậy cô bé có thể nói được.

Mộng Nam được cha mẹ bế đến trước gương để quan sát hình dạng khuôn miệng của họ khi nói và bắt chước cách phát âm. "Chỉ với một ký tự, nếu tôi có thể phát âm tốt sau khi luyện tập, bố mẹ tôi sẽ cảm thấy rất vui. Trí nhớ cơ bắp chỉ có thể được hình thành thông qua việc luyện tập lặp đi lặp lại. Để dạy tôi phát âm một số ký tự khá giống nhau, cha mẹ đặt tay tôi gần miệng họ để cảm nhận sự khác biệt của luồng không khí giữa các ký tự này", cô kể.

Mộng Nam coi việc đọc môi là một món quà quý giá từ cha mẹ. Nhờ kỹ năng này, cô không cần phải đến học ở các trường giáo dục đặc biệt, nơi dành cho học sinh khuyết tật mà học ở các trường bình thường như bạn bè đồng trang lứa.

Trong thời gian học cấp 1 và cấp 2, Mộng Nam luôn ngồi ở bàn đầu của lớp, thông qua quan sát khẩu hình môi giáo viên để hiểu bài học. Bất chấp khiếm khuyết cơ thể, thành tích học tập của cô luôn đứng đầu lớp. Khi sống trong ký túc xá ở trường trung học, để thức dậy đúng giờ, mỗi tối cô đặt báo thức bằng điện thoại di động và giữ chặt suốt đêm để cảm nhận điện thoại rung khi chuông báo.

… đến nghiên cứu sinh tại Đại học Thanh Hoa

Năm 2011, Mộng Nam thi đại học lần thứ hai, đạt điểm số 615/750 và được tuyển vào Đại học Cát Lâm, một trường trọng điểm ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc. Vốn dĩ ban đầu muốn theo học ngành y, cô phải từ bỏ ước mơ làm bác sĩ vì bị khiếm thính. Tại trường đại học, Giang theo học ngành dược, có thành tích tốt và nhiều lần giành được học bổng. Năm 2015, cô tốt nghiệp loại xuất sắc.

Giang Mộng Nam trở thành nghiên cứu sinh.

Sau đó, cô vượt qua kỳ thi cao học của Đại học Cát Lâm và tiếp tục học thạc sĩ. Tháng 5/2018, Mộng Nam được Trường Khoa học Đời sống của Đại học Thanh Hoa, một trong những trường top đầu Trung Quốc, nhận vào làm nghiên cứu sinh tiến sĩ với chuyên ngành nghiên cứu là thiết kế các loại thuốc có hoạt tính và độ nhạy tốt hơn. Cuối năm đó, với tư cách là đại diện sinh viên của Đại học Thanh Hoa, cô tham dự và phát biểu tại Hội nghị Học thuật Quốc tế về Phát triển Khả năng Tiếp cận. Năm 2019, cô đến những vùng sâu, vùng xa để tham gia các dự án phúc lợi giáo dục, giải đáp thắc mắc và giúp đỡ học sinh địa phương. Năm 2020, cô được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Phát triển Khả năng Tiếp cận Sinh viên Đại học Thanh Hoa.

Mộng Nam chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ cảm thấy tự ti về vấn đề thính giác của mình. Tôi chỉ cảm thấy thất vọng và nghĩ rằng điều đó thật bất công cho mình. Tại sao người khác nghe được, còn tôi thì không? Tôi đã phàn nàn với bố mẹ. Họ an ủi tôi, nói rằng đây là thực tế không thể thay đổi, khuyên tôi tốt hơn hết là làm việc chăm chỉ để vượt qua khó khăn thay vì phàn nàn".

Nói về việc tìm động lực cho bản thân, cô trải lòng: "Tôi chưa bao giờ nghĩ mình yếu đuối. Tôi sẽ tự động viên mình, nói rằng tôi không tệ hơn những người khác và thậm chí tôi có thể làm nhiều điều tốt hơn những người khác". Cô cũng không bao giờ lảng tránh về tình trạng khiếm thính của mình. Khi làm quen bạn mới, cô sẽ nói với họ rằng cô không thể nghe.

Với chuyên ngành mình học, Mộng Nam hy vọng cô sẽ có những đóng góp về dược lý có ích cho xã hội.

PNVN

Video