Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp: Cơ hội đưa nông sản Việt Nam vươn xa toàn cầu

21/09/2021
Cùng với đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số được xem là “thang thuốc” hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt. Chuyển đổi số được nhắc đến không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam. Một trong số những giải pháp cho việc tiêu thụ nông sản trong thời đại 4.0 chính là đưa hàng loạt sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thời đại 4.0 (ảnh: minh họa)

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% trong GDP. Mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là những tồn tại của nền nông nghiệp nước ta nhiều năm qua.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, xuất khẩu nông sản Việt Nam bế tắc, nhiều thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, EU, Mỹ bị tác động lớn, cộng thêm tác động kép của hạn hán, xâm nhập mặn và bão lũ, nền nông nghiệp Việt Nam chứng kiến cảnh nông dân mất mùa, doanh nghiệp phá sản và hàng loạt khó khăn trước mắt.

Trước những điểm hạn chế đó, cùng với đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số được xem là “thang thuốc” hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt. Và chuyển đổi số được nhắc đến không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam. Một trong số những giải pháp cho việc tiêu thụ nông sản trong thời đại 4.0 chính là đưa hàng loạt sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

Vải thiều được đưa lên sàn giao dịch Thương mại điện tử và thu về kết quả mong đợi

Tại Bắc Giang, hàng năm có đến 70% sản lượng vải Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, thương nhân Trung Quốc không thể nhập cảnh vào vùng vải để thu mua khiến cho vải Bắc Giang nhiều lúc rơi vào tình trạng ứ đọng, khó tìm đầu ra. Sàn thương mại điện tử này đã hình thành được 6 năm nay, nhưng các năm trước số lượng người truy cập rất ít, không có giao dịch nông sản nào được thực hiện bởi thói quen mua bán trực tiếp tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống, các cửa hàng, siêu thị vẫn là phương thức mua bán phổ biến.

Nhưng năm nay mọi chuyện đã khác, khi vải thiều được đưa lên sàn giao dịch của Postmart và Vỏ Sò. Mỗi ngày đã có hơn 4,6 triệu lượt truy cập tìm hiểu về sản phẩm này, thậm chí có đến hơn 36.000 đơn hàng được chốt.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cùng Bộ Công Thương, sàn Thương mại Điện tử (TMĐT) Vỏ Sò (Voso.vn) của Viettel Post đã đưa sản phẩm đặc sản vải thiều Bắc Giang lên sàn vào ngày 28/5/2021, với mục tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày. Đồng thời, sàn TMĐT Vỏ Sò cũng đã hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo và đồng hành cùng bà con nông dân tại Bắc Giang tạo gian hàng và chủ động đăng bán các sản phẩm trên sàn.

Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại tỉnh Hải Dương, địa phương này lâm vào cảnh nội bất xuất, ngoại bất nhập khi thực hiện phong tỏa toàn tỉnh. Hàng loạt mặt hàng nông sản từ trồng trọt đến chăn nuôi cùng lúc không có đầu ra do vận chuyển khó khăn. Một số chủ trang trại trên địa bản tỉnh Hải Dương đã lựa chọn phương thức bán trứng gà trên sàn thương mại điện tử Voso.vn. Với phương thức bán hàng này, người nông dân chỉ cần ở nhà cùng chiếc smartphone và livestream trại gà đẻ, giới thiệu thông tin về sản phẩm của mình.

Việc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, hay bán trứng tại Hải Dương trên sàn Voso và Postmart có thể xem là bước ngoặt về chuyển đổi số trong thương mại nông sản. Về sự thay đổi này, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ Trưởng Bộ TT&TT đã đưa ra câu hỏi: Sàn thương mại điện tử của Vỏ sò và Postmart đã đưa vào vận hành năm thứ 6, nền tảng công nghệ không có gì đột phá, tại sao phải qua sự việc của trái vải thiều mới thay đổi? Có lẽ là sự thay đổi về ý thức hệ và hoàn cảnh sống đã ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen trao đổi, mua bán và dẫn đến sự thành công vượt trội trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Giao diện sàn Thương mại điện tử Vỏ sò được đưa vào vận hành

Vài tháng gần đây các vựa nông sản miền Tây đang quay cuồng trong vòng xoáy của dịch bệnh nên nông sản khi thu hoạch về không tiêu thụ được. Hoa quả, rau củ, các sản phẩm từ động vật như trứng, sữa… bị thối hỏng, người dân phải đặt mua online qua các siêu thị đắt đỏ. Các thông tin như giải cứu sầu riêng, giải cứu thanh long, giải cứu dưa chuột... tràn lan trên các cộng đồng mạng nhưng vẫn chỉ là các đốm lửa nhỏ, nhen nhóm mỗi vùng, lượng tiêu thụ không đáng là bao bởi số lượng hàng hóa được đưa đến trực tiếp tại các điểm “giải cứu” cũng không nhiều.

Tình trạng nơi thừa đổ đi, nơi không có hàng bán, người dân không được tiếp cận các nông sản tươi ngon hàng Việt. Nhiều chợ đầu mối phía Bắc bị đứt gãy chuỗi cung ứng, các tiểu thương chợ hiện nay thậm chí phải nhập hoa quả từ Trung Quốc về bán mà lại không tiếp xúc được với đặc sản của người Việt.

Bộ TT&TT ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Như vậy, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đang mang lại hiệu quả thiết thực. Kế hoạch số hóa hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn cũng vừa được Bộ TT&TT ra Quyết định phê duyệt. Theo đó, 3 nhóm nội dung chính của kế hoạch này gồm: Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT; Hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Hỗ trợ cung cấp thông tin. Trong đó, để hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, sẽ hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; Hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm lên sàn; Hướng dẫn đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến và thực hiện quy trình đóng gói – kết nối – giao nhận để hộ sản xuất nông nghiệp tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn TMĐT.

baophapluat.vn

Video