Cao Bằng: Cô gái Nùng mong là cầu nối giúp phụ nữ dân tộc thiểu số

27/02/2022
Vốn là cô gái dân tộc Nùng nhà nghèo ở tỉnh Cao Bằng, Lục Thị Thương (SN 1987) đã tự mình vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Học bổng của Australia là nỗ lực mà Thương đạt được thể hiện tinh thần không bao giờ lùi bước của người phụ nữ miền sơn cước.
Lục Thị Thương - cô gái dân tộc Nùng ở tỉnh Cao Bằng - đã tự mình vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống

Đôi giày cổ tích của cô bé nhà nghèo

"Cũng may là bố tôi uống rượu chỉ chửi bới chứ không bao giờ đánh vợ con, cũng không đập phá đồ đạc. Nhưng nói thế chứ trong nhà tôi khi đó cũng không có gì mà đập cả…", đó là lời chia sẻ đầy chân thực của Thương nhưng lại khiến người nghe không khỏi rơi nước mắt.

Sinh ra trong nghèo khó nhưng Thương đã nỗ lực hết mình trong học tập để vươn lên. Thương kể, chị sinh ra trong một gia đình nghèo có 3 chị em. Bố thì rượu chè nên mình mẹ cô tần tảo nuôi 3 chị em Thương ăn học. Nhà nghèo nhất xóm chẳng có gì ăn, nhưng mẹ vẫn gồng mình lo cho gia đình. Ban ngày mẹ đi làm, tối đến bán cháo thuê, cứ như thế kiên cường nuôi các con ăn học.

Lúc đó, Thương nghĩ, phải làm thế nào để cho mẹ bớt khổ. Hoàn cảnh nhà mình không được như nhà người ta, thôi thì chỉ có cách chăm chỉ học hành, chỉ có con đường ấy mới thoát nghèo, mới có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Vậy là cô bé Thương ngày ấy xác định học là chính, dù con đường đến trường có vất vả, gập ghềnh đến đâu.

"Hồi tiểu học, nhà chỉ cách trường có 500m nhưng đường dốc rất khó đi, mãi đến năm lớp 3 mẹ mới có tiền mua cho tôi một đôi giày nhựa, cảm giác lúc đó hạnh phúc vô cùng", Thương chia sẻ. Và đôi giày nhựa ấy đã trở thành "phương tiện" đầu tiên đưa cô chạm tới ước mơ sau này.

Thương đã phải đi bộ chân đất nhiều km đến trường học, để rồi khi mẹ có tiền mới mua cho cô 1 đôi giày nhựa

Tốt nghiệp phổ thông năm 2005, trong khi bạn bè thi nhau chọn các trường đại học, thì Thương lại cảm thấy bơ vơ vì không có ai định hướng, trong khi cô chỉ nghĩ đến việc tìm trường nào đó mà không phải đóng học phí. Thế là Thương đăng lý thi sư phạm. Tiếc thay, Thương không thi đỗ. Thương nộp hồ sơ vào trường Đại học dự bị dân tộc Trung ương Việt Trì và sau đó lại tiếp tục học khoa Trắc địa -  Đại học Mỏ Địa chất. Ra trường năm 2011, Thương nỗ lực thi tuyển và được nhận vào làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng.

Từ một cô bé nhà nghèo, Lục Thị Thương đã nỗ lực vươn lên, dù con đường học của chị thật sự không suôn sẻ, nhưng cuối cùng, Thương cũng đi được đến đích, trở thành một cán bộ nhà nước. Không dừng lại ở đó, sau một năm công tác, Thương tiếp tục vươn lên, chạm tới học bổng của Chính phủ Australia và trở thành Thạc sĩ chuyên ngành Chính sách Công tại Đại học RMIT Australia.

Không chỉ dừng ở việc tốt nghiệp Đại học, Thương đã tiếp tục phấn đấu để đạt học bổng của Chính phủ Australia và trở thành Thạc sĩ chuyên ngành Chính sách Công tại Đại học RMIT Australia

Con đường đến Australia

"Năm 2017 tôi làm hồ sơ xin học bổng chính phủ Australia. Tháng 9/2017 sau khi nhận được học bổng tôi đi học tiếng anh tại Đại học RMIT Sài gòn đến 9/2018. Tháng 1/2019 thì tôi đi Melbourne học Thạc sỹ Chính sách Công tại Đại học RMIT Australia. Tháng 3/2021 tôi trở về nước trên chuyến bay cứu trợ của chính phủ và tiếp tục làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường", Lục Thị Thương chia sẻ về cuộc hành trình chinh phục đỉnh cao của mình.

Cô cho biết, trong quá trình làm việc sở Tài nguyên và Môi trường Thương nhận thấy nhiều vấn đề liên quan đến chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật nên chị đã chọn ngành chính sách công. Vào thời điểm đó các bộ phận một cửa liên thông hiện đại, hệ thống văn bản điều hành bắt đầu được sử dụng phổ biến, nên Thương muốn hướng đến việc thúc đẩy sự phát triển của chính phủ điện tử (e-government).

Cô gái dân tộc Nùng bé nhỏ và đầy nghị lực là người truyền cảm hứng cho những ai khát khao vươn lên, chinh phục đỉnh cao, hoàn thiện ước mơ của chính mình.

Cô mong muốn là cầu nối góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao cơ hội học tập, phát triển cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Khi bắt tay vào làm hồ sơ tiếp cận học bổng của Australia chị mới thấy mình còn nhiều lỗ hổng, vì thế nên chị vừa đi làm, vừa nghiên cứu hồ sơ và học tiếng Anh. Vì chưa có chứng chỉ IELTS nên khi biết tin lọt qua vòng hồ sơ, Thương đã xin nghỉ phép để tập trung ôn thi tiếng anh.

"Đến khi thi tiếng Anh xong thì tôi bắt đầu sốt vì trời nóng quá, lúc đó rất mệt, nhưng vẫn chờ bắt xe khách để về Cao Bằng. Tôi kết thúc hành trình chinh phục học bổng và chờ kết quả trong hồi hộp và lo âu. Và may mắn tôi đã được nhận học bổng", Thương tâm sự. Khi được hỏi điều gì khiến chị tự hào nhất về bản thân, Thương mộc mạc cho biết, đó là sự luôn cố gắng học hỏi, "cần cù bù thông minh" để khi có cơ hội có thể nắm lấy.

"Tôi đã tự đặt tên cho học bổng chính phủ Australia là "học bổng nhân văn" bởi vì cái mà tôi nhận được không chỉ là kiến thức, mà còn là mạng lưới trong đó mọi người giúp nhau cùng phát triển. Sau khi nhận được học bổng tôi đã giúp một số bạn trẻ chuẩn bị hồ sơ để dự tuyển, giúp các bạn có cơ hội học tập trong môi trường quốc tế", Thương tự hào chia sẻ.

Với khát khao được cống hiến cho xã hội, đặc biệt là cộng đồng phụ nữ dân tộc thiểu số, Lục Thị Thương cho biết, sau khi học xong khóa học Thạc sỹ Chính sách công, tìm hiểu các vấn đề về xã hội trong đó có các vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số như nghèo đói, bạo hành gia đình… cô mong muốn sẽ là cầu nối góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao cơ hội học tập, phát triển cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Trên con đường vượt qua hoàn cảnh, vượt qua chính mình, người phụ nữ dân tộc Nùng bé nhỏ và đầy nghị lực ấy như một đóa hoa nở rộ, truyền cảm hứng cho những ai khát khao vươn lên, chinh phục đỉnh cao, hoàn thiện ước mơ của chính mình.

PNVN

Video