Các nữ doanh nhân đối diện và vượt qua khủng hoảng cuộc đời thế nào?

09/10/2021
Trong cuộc sống, khủng hoảng có thể ập đến bất cứ lúc nào, cho nên đừng bất ngờ khi nó xảy ra và khi nó đến rồi thì phải biết chấp nhận, đối diện và tìm cách thoát ra khỏi khủng hoảng đó.
Bà Lê Thị Thanh Lâm - nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food

Khủng hoảng có thể đến bất cứ lúc nào

Tại hội thảo trực tuyến với chủ đề "Vượt qua khủng hoảng cuộc đời" do Hội Nữ doanh nhân TPHCM (HAWEE) tổ chức chiều 8/10, bà Lê Thị Thanh Lâm - nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food - cho biết, bất kỳ ai cũng phải trải qua khủng hoảng trong cuộc đời khi gặp những khó khăn, cùng cực tưởng như không vượt qua được.

Bà Thanh Lâm kể, từ một người phụ nữ ở quê lên thành phố lập nghiệp, đến năm 2006, bà nghĩ rằng bản thân đã có cuộc sống đủ đầy, cuộc đời phía trước thênh thang, không còn phải lo nghĩ bất cứ điều gì khi có công việc, thu nhập ổn định, gia đình hạnh phúc.

Thế nhưng, trong một lần đi kiểm tra sức khỏe, bà được phát hiện bị viêm gan siêu vi C. Thời điểm này, đây là căn bệnh khá nặng, chi phí điều trị tốn kém. Sau một năm, bệnh của bà Thanh Lâm được điều trị khỏi, nhưng bất ngờ lúc này chồng bà lại bị bệnh nặng và phải nhập viện, mổ gấp. Sự việc ập đến bất ngờ khiến bà bị sốc, hụt hẫng chưa từng có.

Lúc này, từ một người vốn quen với việc dựa vào chồng, bà đã trở thành người chủ chốt trong gia đình để giải quyết tất cả mọi vấn đề. Từ việc đưa chồng ra nước ngoài trị bệnh, lại vừa tiếp tục đi làm, chăm sóc con, xây nhà theo mong muốn của chồng.

"Lúc này, tôi là một con người khác hoàn toàn so với trước đó. Cũng không hiểu sức lực ở đâu mà làm được tất cả mọi việc như vậy", bà Thanh Lâm nhớ lại.

Nỗ lực và hy vọng. Nhưng chỉ 8 tháng sau khi phát hiện bệnh, chồng bà Lê Thị Thanh Lâm đã không qua khỏi. Đây cũng chính là thời điểm bà bị khủng hoảng nặng nhất, không biết bắt đầu từ đâu, phía trước sẽ như thế nào. Trong một quãng thời gian dài, bà rơi vào khủng hoảng vì không chấp nhận nổi sự thật đau đớn.

"Sau đó, tôi phát hiện ra nếu có nuối tiếc, có níu kéo quá khứ cũng không thể giải quyết được vấn đề gì. Mà phải sống vì con, vì tương lai. Cuối cùng tôi cũng vượt qua được giai đoạn khủng hoảng cực kỳ khó khăn đó", bà Thanh Lâm nói.

Trải qua bấy nhiêu thời gian với nhiều thăng trầm, Nguyên Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food nhận ra rằng, trong cuộc sống, khủng hoảng có thể ập đến bất cứ lúc nào, cho nên đừng bất ngờ khi nó xảy ra và khi nó đến rồi thì phải biết chấp nhận, đối diện và tìm cách thoát ra khỏi khủng hoảng đó. Nếu chúng ta bị mất quá nhiều thời gian, năng lượng, cảm xúc để trì hoãn, không chấp nhận thì khủng hoảng đó càng kéo dài. Khủng hoảng càng dài thì việc khắc phục hậu quả càng lâu hơn.

Các diễn giả tham gia hội thảo trực tuyến với chủ đề "Vượt qua khủng hoảng cuộc đời"

"Mỗi người chúng ta đều có những tiềm năng tiềm ẩn sâu mà bản thân chúng ta không biết được. Đừng để đến khi có bất trắc, có khủng hoảng mới bật ra những tiềm năng đó thì rất uổng phí. Hãy chủ động phát huy để giúp cho bánh xe cuộc đời được tròn trịa, cân bằng. Giúp cho cuộc đời sẽ hạnh phúc, vui vẻ hơn", bà Lê Thị Thanh Lâm nói.

Hãy xem khủng hoảng là một "món quà"

Bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia - cho rằng, hãy xem khủng hoảng là chuyện nhỏ, ai trong cuộc đời cũng sẽ gặp phải và có thể xảy ra nhiều lần. Tất cả mọi thứ đều có sự kết nối, khi sức khỏe thể chất, tinh thần tốt thì sự nghiệp, tài chính… sẽ càng tốt.

"Đối với các bạn trẻ, hãy chơi nhiều hơn một chút, khám phá bản thân nhiều hơn thì mới biết được bản thân có những tiềm năng gì. Những tiềm năng này có thể sẽ vận dụng được vào kinh doanh, tạo ra những ý tưởng, sáng tạo, sản phẩm mới", bà Vân nói.

Theo bà Trần Ngọc Phương Thảo, Thành viên HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, có nhiều lúc chính bản thân chúng ta làm cho khủng hoảng trở nên nghiêm trọng hơn. Mỗi người phải luôn sẵn sàng chấp nhận, đối diện với khủng hoảng bởi nó có thể ập đến bất cứ lúc nào.

"Để giải quyết khủng hoảng, phải hiểu rằng chỉ có bản thân mới kéo được chính mình thoát khỏi khủng hoảng. Đương nhiên có tác nhân bên ngoài gây ra khủng hoảng, nhưng cuối cùng thì không thể ngồi một chỗ để chờ ai đó kéo ra. Bản thân hoàn toàn có thể làm cho khủng hoảng nhẹ hơn, rút ngắn thời gian để giúp mạnh mẽ, trưởng thành hơn", bà Phương Thảo chia sẻ.

Cũng theo bà Phương Thảo, khủng hoảng cũng là cơ hội để hoàn thiện bản thân. Cho nên hãy nhìn khủng hoảng như một "món quà" và hãy vượt qua, mỉm cười, hãy cố gắng làm tốt hơn. Đối với các bạn trẻ, đừng ngại thất bại, hãy luôn đối diện với khó khăn, thử thách để khám phá được tiềm năng vô tận của bản thân.

PNVN

Video