Cà Mau: Khởi nghiệp từ phế phẩm bồn bồn

02/07/2022
Nghỉ làm công nhân tại Bình Dương, chị Phạm Thị Hồng Nguyên (ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) về quê tận dụng phế phẩm của cây bồn bồn để khởi nghiệp và đã thành công.
Mô hình khởi nghiệp của chị Nguyên còn tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương.

Trước đây, do kinh tế gia đình khó khăn nên chị Nguyên đi làm công nhân ở Bình Dương. Tại đây, chị thấy nhiều người sử dụng lục bình để đan thành túi xách, trông rất đẹp mắt. Trong khi đó tại quê chị, cây bồn bồn được trồng rất nhiều nhưng chỉ sử dụng phần thân non, còn lá bị bỏ đi nên chị nảy sinh ý tưởng tận dụng để đan túi xách. Nghĩ là làm, 2 năm trước, chị Nguyên đã nghỉ việc tại Bình Dương, về quê bắt tay vào khởi nghiệp với mô hình đan túi xách bằng bồn bồn.

Chị Nguyên cho biết, để làm ra một chiếc túi xách từ bồn bồn đảm bảo chất lượng phải mất rất nhiều công sức, ngay cả việc phơi khô lá cũng khá công phu. Lá bồn bồn cần được phơi vừa đủ nắng, đảm bảo đủ độ dai nhưng phải sáng màu thì sản phẩm nhìn mới bắt mắt. Quá trình làm, chị rút kinh nghiệm dần, sẵn sàng bỏ đi những sản phẩm không đạt chất lượng. Những ngày đầu khi mới khởi nghiệp, sản phẩm bỏ đi nhiều hơn sản phẩm bán được. Nhưng với bàn tay khéo léo, chăm học hỏi, chị Nguyên nhanh chóng thuần thục tất cả công đoạn tạo ra sản phẩm thô, rồi đến việc đánh keo, may khóa hay khó nhất là trang trí.

“Đan thì tôi đã có tay nghề nên không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc tạo khung mẫu cho sản phẩm thì không phải đơn giản. Tôi lên mạng tìm xem cách người ta làm rồi học theo, từ từ cũng có được những khung giỏ thật ưng ý để đan túi thô. Sau đó, phủ keo lên để sản phẩm sáng và bảo quản được lâu hơn. Khó nhất chính là trang trí sao cho sản phẩm đẹp, nổi bật, thu hút khách. Lúc này tôi phải tự mày mò, khi có được mẫu trang trí như ý thì gửi cho bạn bè xem đánh giá, ghi nhận những góp ý để hoàn thiện sản phẩm. Từ đó, rút kinh nghiệm dần để tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng” - chị Nguyên chia sẻ.

Tùy vào mẫu mã và kích thước, túi xách bồn bồn thành phẩm sẽ được bán với giá 200.000-400.000 đồng/cái. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, nhiều chị em phụ nữ ở ấp Sở Tại đã đến nhà chị Nguyên để học cách làm. Sau khi thành thạo, chị Nguyên giao nguyên liệu cho chị em về đan thô với giá 50.000-70.000 đồng/chiếc. Bà Nguyễn Thị Hồng Sa ở ấp Sở Tại, cho biết: “Ở nhà coi mấy đứa cháu nên tôi học cách đan túi xách bồn bồn để có công việc, kiếm thêm thu nhập. Sau khi tận tay làm ra sản phẩm và thấy chúng rất đẹp nên quyết định gắn bó, vừa thỏa sở thích vừa có thêm đồng ra đồng vào”.

Qua 2 năm miệt mài với mô hình, đến nay sản phẩm của chị Nguyên đã được khá nhiều người biết đến. Chị cũng lập một fanpage riêng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, do sản phẩm làm hoàn toàn thủ công, giá cao hơn các sản phẩm làm từ nhựa truyền thống nên lượng khách hàng vẫn chưa đạt như kỳ vọng.” Sản phẩm chúng tôi tạo ra có giá thành cao hơn so với các sản phẩm nhựa truyền thống nên nhiều người đến mua cũng cân nhắc khiến số lượng hàng bán ra có tăng nhưng chưa nhiều. Tuy nhiên tôi tin rằng, khi khách hàng thật sự hiểu, sử dụng những sản phẩm như thế này là góp phần bảo vệ môi trường thì đầu ra sẽ ngày càng thuận lợi hơn. Tôi sẽ tiếp tục gắn bó, phát triển mô hình này, không chỉ vì lợi nhuận mà còn giúp tạo công ăn việc làm cho chị em trong xóm” - chị Nguyên chia sẻ.

“Bồn bồn Cái Nước” là sản phẩm ẩm thực đã được nhiều người biết đến của tỉnh Cà Mau. Trước đây, người dân chỉ sử dụng phần thân non của bồn bồn để làm món ăn. Việc chị Nguyên tận dụng phế phẩm của cây bồn bồn tạo ra những sản phẩm túi xách đẹp mắt đang mở ra hướng đi mới cho loài cây đặc sản này. Bà Nguyễn Kiều My, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Phú, cho biết: “Vùng này, cây bồn bồn được người dân trồng rất nhiều nên là lợi thế lớn để phát triển mô hình. Chúng tôi có hướng nhân rộng để phụ nữ có việc làm lúc nhàn rỗi, kiếm thêm thu nhập. Tới đây, rất cần sự quan tâm của các cấp, làm sao giới thiệu, quảng bá được sản phẩm túi xách bồn bồn để đầu ra thuận lợi hơn”.

baocamau

Video