Bình Định: Chị Phụng khởi nghiệp trồng nấm bào ngư trên miền đất cát biển

21/06/2022
Sau một lần về thăm người chú ở huyện An Nhơn, chị Nguyễn Thị Phụng, sinh năm 1982 ở thôn Nhơn Phước, xã Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn biết về mô hình trồng nấm bào ngư tại nhà, nhận thấy việc trồng nấm có thể phát triển kinh tế và đem lại thu nhập, chị quyết tâm đầu tư làm trang trại nấm bào ngư để phát triển kinh tế gia đình.
Chị Phụng kiểm tra nấm bào ngư trước khi thu hoạch và cùng nhân công thu hoạch nấm

Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến đời sống của gia đình chị Phụng gặp khó khăn hơn, công việc của người chồng bấp bênh không đủ nuôi sống gia đình, bản thân chị tuy tham gia công tác MTTQ xã với mức lương bán chuyên trách cũng không thể chi trả cuộc sống. Từ lúc đó, ý nghĩ khởi nghiệp từ việc trồng nấm bào ngư tại miền đất cát biển đã được vợ chồng chị quyết tâm thực hiện.

Chị chia sẻ: “Bước đầu do mô hình nhỏ, nên tôi đã lấy phôi được làm sẵn thành cục về ủ và chăm sóc theo quy trình, chứ không tự làm phôi như các cơ sở lớn. Những vụ nấm đầu tiên, do ít kinh nghiệm chăm sóc nên nhiều bịch bị hỏng, phát triển chậm, sản lượng thu hoạch thấp. Tuy vậy, không nản lòng, tôi vẫn kiên trì nghiên cứu, tìm tòi các loại sách hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm; tham khảo thêm qua sách báo, internet và qua người chú của mình để chia sẻ thêm kinh nghiệm. Qua mỗi vụ nấm, đã giúp tôi tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, nấm bào ngư đã bắt đầu sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng ngày càng tăng”.

Công đoạn đóng gói sản phẩm bào ngư

 

Hiện nay, cơ sở trồng nấm bào ngư của gia đình chị đã trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp tới các gian hàng ở chợ Nhơn Hội, các chợ ở các xã lân cận và các nhà hàng, quán ăn tại xã Nhơn Hội. Chị Phụng không ngần ngại chia sẻ thêm về bí quyết trồng nấm bào ngư: “Việc làm nấm bào ngư cũng khá đơn giản nhưng để đem lại thu nhập và năng suất cao cần phải nắm vững kỹ thuật trồng, trong đó khâu chọn phôi là quan trọng nhất vì nó quyết định đến chất lượng thành phẩm. Khâu chăm sóc cũng phải tuân thủ đúng kỹ thuật, hàng ngày phải tưới nước đều, đảm bảo ánh sáng phù hợp, môi trường sạch sẽ và độ ẩm để nấm phát triển nhanh. Nấm bào ngư là loại thực phẩm sạch vì quá trình sử dụng sản phẩm không dùng hóa chất hay thuốc bảo quản thật vật gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, loại nấm này có thể để trong ngăn mát tủ lạnh trên 10 ngày nếu để khô và hiện nay loại nấm của gia đình đã được tiêu thụ mạnh tại chợ của xã và các nhà hàng, quán ăn. Từ khi trồng nấm gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định”.

Trung bình, mỗi đợt chị ủ 3.000 phôi nấm, mỗi bịch phôi nếu được chăm sóc tốt thu hoạch từ 5-7 lứa đạt 0,4 kg nấm, giá mỗi kg nấm bán từ 50 - 60 nghìn đồng. Doanh thu mỗi đợt chị Phụng thu về hơn 15 triệu đồng/tháng đã trừ các chi phí, mỗi tháng thu hoạch được 2 đợt nấm vào các ngày rằm và mùng 1 hàng tháng. Đặc biệt, việc trồng nấm đã tạo công ăn việc làm cho 3 lao động nữ tại thôn khi đến mùa thu hoạch.

Để mô hình trồng nấm được mở rộng, năm 2021, chị Phụng đã được Hội LHPN xã Nhơn Hội hướng dẫn viết ý tưởng khởi nghiệp tham gia vào đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiêp” (939) và được đánh giá cao về ý tưởng “Nâng cấp chất lượng sản phẩm nấm bào ngư trên đất Nhơn Hội” với mong muốn kêu gọi thêm sự hỗ trợ về kỹ thuật cũng như tìm kiếm thị trường mới. Ý tưởng của chị đã được Hội LHPN thành phố đánh giá cao, khả thi và được lựa chọn hỗ trợ sinh kế từ nguồn kinh phí Đề án 939 nhằm đầu tư vào cơ sở vật chất, tiếp tục mở rộng diện tích trồng nấm đảm bảo kỹ thuật để có thể sản xuất nấm quanh năm, giảm chi phí giá thành và để nấm bào ngư của cơ sở chị được nhiều người tiếp cận và biết đến. Hội phụ nữ xã đã giới thiệu mô hình này đến nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn, để cho những hội viên phụ nữ khác có hoàn cảnh khó khăn có ước mơ khởi nghiệp sẽ trở thành hiện thực.

Lê Thị Nương

Video