“5 không, 3 sạch” theo cách riêng của phụ nữ Tân Quan

08/02/2020
Hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phụ nữ xã Tân Quan, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đã có cách làm riêng, sáng tạo.
Với bà Trần Thị Cung, “3 sạch” không chỉ bảo vệ sức khỏe người thân mà còn mang lại lợi nhuận kinh tế

Hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (không đói nghèo; không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ ba trở lên; không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học - sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ xã Tân Quan, huyện Hớn Quản đã có cách làm riêng, sáng tạo.

Thu tiền tỷ từ chăn nuôi heo trang trại

Vào thăm trang trại nuôi heo của gia đình bà Trần Thị Cung ở ấp Ruộng 2, chúng tôi được bà lấy thuốc sát trùng đổ vào xô nước để sẵn trước cửa chuồng heo, đề nghị thay dép tổ ong, nhúng cả chân và dép vào thuốc sát trùng pha loãng. Trang trại được xây dựng, bố trí khoa học, hợp lý với các dãy nhà: chuồng úm heo con, chuồng phối, chuồng heo bầu, chuồng đẻ, chuồng heo thịt, kho thức ăn và vôi khử trùng, tủ thuốc thú y... Khắp các lối đi được phủ lớp vôi bột để khử trùng. Với 37 heo nái và 400 heo thịt, mỗi năm trang trại xuất ra thị trường khoảng 800 con heo thương phẩm với trọng lượng trung bình 100kg/con (bình quân heo nái mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 10-12 con). Bà Cung cho biết, với giá heo hơi cao như hiện nay (60.000 đồng/kg), chưa trừ chi phí, trang trại dự kiến thu khoảng 4,8 tỷ đồng/năm.

Mặc dù đang phải chăm sóc chồng (ông Nguyễn Thy Sơn) bị tai biến và có thêm 2 nhân công làm việc thường xuyên, nhưng bà Cung vẫn tự tay làm các công đoạn khó, như: phối giống, đỡ đẻ cho heo, bấm răng nanh và cắt đuôi heo con. Ngoài nuôi heo theo mô hình công nghệ cao khép kín, trang trại luôn thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin ngừa các loại dịch bệnh, mỗi khi ra vào trại phải đi qua phòng khử trùng người và vật dụng kèm theo. Thậm chí, thời kỳ cao điểm xảy ra dịch tả heo châu Phi, khi xuất bán, bà Cung không cho người ngoài vào chuồng trại mà tự đưa heo ra xa khu vực chăn nuôi mới cho người ngoài tiếp cận nên đàn heo được bảo vệ tốt, không xảy ra dịch bệnh. Việc bảo đảm vệ sinh môi trường của trang trại cũng được quan tâm. Tất cả phân heo được bà Cung sử dụng chế phẩm sinh học xử lý, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Nhờ heo được nuôi dưỡng trong môi trường khép kín, không bệnh nên rất được thị trường ưa chuộng.

Nuôi gà lạnh lời hơn 3 tỷ đồng/năm

Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Trần Thị Thanh Hương ở ấp Ruộng 2 còn hỗ trợ nhiều phụ nữ hoàn cảnh khó khăn trong xã phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Chị Hương kể: “Từ 20 triệu đồng vốn do hai bên nội ngoại cho sau khi lập gia đình (năm 1995), vợ chồng tôi mượn thêm mua xe máy cày và 2 dàn cày bắt đầu lập nghiệp. Nhờ những đồng vốn ân nghĩa đó cùng sự chịu khó, 2 tháng sau chúng tôi đã mua được 1,2 cây vàng và 1 ha cao su ở xã Tân Khai (nay là thị trấn Tân Khai - PV), huyện Hớn Quản, rồi tiếp tục tích cóp mở rộng diện tích lên 3 ha. Sau đó, gia đình tôi bán rẫy ở Tân Khai về Tân Quan mua 6 ha cao su đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà lạnh với chi phí 2 tỷ đồng”.

Mới bắt đầu thực hiện, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi trại gà của gia đình chị làm không giống các trại gà khác, vì được xây dựng theo quy trình khép kín với kinh phí đầu tư lớn, trong khi trại hở chỉ đầu tư khoảng từ 50-60 triệu đồng/trại. Trại được thiết kế hệ thống làm lạnh cùng với những chiếc quạt thông gió giúp nhiệt độ luôn ổn định. Bên trong trại, hệ thống máng nước tự động, khay để thức ăn... sắp xếp hợp lý, phù hợp với từng ô ngăn cách, tạo không gian thoải mái cho đàn gà. Sau một thời gian, trại gà lạnh của gia đình chị phát huy tác dụng khi đàn gà nuôi phát triển nhanh, sức đề kháng bệnh tốt và không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như những trại gà khác trong khu vực. Đây cũng chính là cơ sở để chị quyết tâm mở rộng quy mô sản xuất.

Mô hình nuôi gà lạnh là sự phối hợp giữa Công ty cổ phần CP Việt Nam với nhiều hộ nuôi gia cầm ở xã Tân Quan. Công ty cung cấp giống, thức ăn và hướng dẫn cách cho gà ăn, thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại đúng quy trình, người chăn nuôi chỉ bỏ công chăm sóc. Đến nay, 6 trại gà lạnh đang hoạt động ở các ấp Sóc Ruộng 1, Sóc Ruộng 2 và Suối Nghiêng (xã Minh Lập, huyện Chơn Thành) với quy mô 15.000 con/trại của gia đình chị thu về 150 triệu đồng/lứa/trại. Mỗi năm đều đặn nuôi 5 lứa, gia đình chị Hương thu 4,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí điện, nước, công và sửa chữa hao mòn vật tư chuồng trại, thu lời 3 tỷ đồng.

Hằng ngày chị Hương đến trại theo dõi đàn gà. Nếu gia đình có việc không thể sắp xếp thời gian thì chị quan sát qua hệ thống camera. Nhờ vậy, mọi biểu hiện của đàn gà đều được theo dõi sát sao và có biện pháp chăm sóc kịp thời, giúp gà sinh trưởng tốt.

Không chỉ làm giàu, nuôi các con khôn lớn, giúp vốn cho các con khởi nghiệp trở thành những thanh niên có ích cho xã hội, bà Cung và chị Hương còn dành nhiều thời gian dạy dỗ các con tránh xa tệ nạn xã hội, biết lao động từ nhỏ để làm sạch bếp, sạch nhà, sạch ngõ. Với bà Cung và chị Hương, “3 sạch” không chỉ bảo vệ sức khỏe người thân mà còn bảo vệ tài sản, công sức của cả gia đình trong phòng bệnh cho vật nuôi, mang lại lợi nhuận, nguồn thu kinh tế.

Chị Phạm Thị Mây, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Ruộng 2 cho biết: Hội viên Hương và Cung là những gương sáng về phát triển kinh tế để chị em học tập noi theo. Tuy sản xuất, kinh doanh bận rộn nhưng các chị luôn sống có trách nhiệm, tình làng nghĩa xóm và thường xuyên giúp đỡ mọi người. Bất cứ hội viên trong ấp, xã hay gia đình hội viên xảy ra tai nạn bất ngờ, gặp khó khăn đột xuất, các chị đều trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và kịp thời hỗ trợ vật chất. Mỗi tháng, chị Hương còn hỗ trợ thường xuyên 2 hộ khó khăn 300 ngàn đồng/gia đình. Các chị còn tặng quà các gia đình hoàn cảnh khó khăn trong xã dịp tết Nguyên đán hằng năm...

Ở Tân Quan, phụ nữ không chỉ ý thức vươn lên làm giàu mà gắn tình yêu thương, sự chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng trong xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Các chị còn tích cực đóng góp xây dựng những tuyến đường giao thông theo cơ chế đặc thù, mua giống hoa, bỏ công sức trồng, tưới, chăm sóc hằng ngày để các tuyến đường luôn sạch, đẹp. Giờ đây, những đoạn đường bê tông do Nhà nước và nhân dân cùng làm ở Tân Quan càng trở nên sạch, đẹp bởi 2 bên đường được các chị trồng cỏ lạc, hoa mười giờ; dọc các tuyến đường liên ấp, liên tổ không còn rác thải bị vứt bừa bãi.

baobinhphuoc.com.vn

Video