Yên Bái: Những cán bộ Hội tâm huyết

23/09/2018
Các chị là những cán bộ Hội luôn gương mẫu trong việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với nhiệm vụ công tác Hội,thực hiện tốt quy ước, hương ước thôn bản và phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

Chủ tịch Hội người Mông tận tâm với công việc

Chị Thào Thị Dở - Chủ tịch Hội LHPN xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu luôn gương mẫu trong việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với nhiệm vụ công tác Hội,thực hiện tốt quy ước, hương ước thôn bản và phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

Tham gia công tác Hội phụ nữ ở xã Trạm Tấu được 18 năm. Trải qua nhiều cương vị khác nhau chị Thào Thị Dở luôn tận tâm với công tác hội. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, hơn ai hết chị hiểu rõ những thiệt thòi do thiếu kiến thức và tập tục trọng nam khinh nữ mà phụ nữ Mông phải gánh chịu. Vì vậy để giúp chị em phụ nữ trong xã vươn lên khẳng định vai trò vị trí của mình trong gia đình và xã hội, chị Dở đã không quản ngại khó khăn, kiên trì nhẫn nại tuyên truyền vận động chị em phụ nữ trong xã mạnh dạn tham gia sinh hoạt hội. Những nỗ lực của chị cũng đã được đền đáp khi hiện nay số hội viên toàn xã đã có 195 chị. Đạt tỷ lệ thu hút 82%.

Trạm Tấu là nơi có gần 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Cũng như nhiều xã vùng cao khác, trước đây do đời sống khó khăn cộng với những tư tưởng lạc hậu khiến người phụ nữ bị trói buộc bởi những rào cản nhận thức, bé nghe lời bố, lớn nghe lời chồng, dường như chưa bao giờ được nghĩ, cũng không dám nuôi dưỡng ước mơ của bản thân mình. Thấu hiểu điều đó trong vai trò là một chủ tịch hội phụ nữ chị đã  tuyên truyền tới hội viên phụ nữ, trước hết phải học tập nâng cao trình độ. Tham gia sinh hoạt hội để có những thông tin cần thiết trong đời sống, để chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, và cũng là cơ hội để chị em nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, làm chủ cuộc đời mình. Nhờ tham gia sinh hoạt hội, chị em phụ nữ trong xã đã được giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế. Trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về Luật bình đẳng giới để bảo vệ bản thân và nuôi dưỡng ước mơ của riêng mình. vì vậy mà tỷ lệ trẻ em gái được đến trường ở xã Trạm tấu luôn ở tốp đầu. Trong những dịp kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ 8/3, ngày 28/6, Ngày 20/10... chị cùng với Ban chấp hành phụ nữ xã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, như giao lưu gặp mặt, văn hóa văn nghệ... thu hút nhiều chị em tham gia tại 5/5 chi hội. Bên cạnh đó phối hợp mở lớp xóa mù tại nhà văn hóa thôn để hội viên phụ nữ đi học.

Để giúp đỡ hội viên tăng thu nhập, chị vận động, hướng dẫn chị em tiếp tục thâm canh tăng vụ, chuyển diện tích lúa 1 vụ sang cấy 2 vụ và chuyển đổi diện tích lúa nương sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi, mạnh dạn đưa giống mới vào sản xuất. 

Những kết quả trong công tác Hội của chị Thào Thị Dở đã được Hội cấp trên ghi nhận và tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến thực hiện CT 05 của Bộ Chính trị và Phong trào “Phụ nữ Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020” do Hội LHPN tỉnh tổ chức, chị đã vinh dự được nhân Bằng khen của UBND tỉnh, đây là một phần thưởng hết sức có ý nghĩa cho người cán bộ Hội vùng cao tận tâm với công việc.

Chi hội trưởng phụ nữ “hai giỏi”

Nhiều năm liền, Chi hội Phụ nữ thôn Cây Luồng, xã Xuân Lai (Yên Bình) được xếp loại xuất sắc; chị Nông Thị Quy được vinh danh phụ nữ "Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

 
 Chị Nông Thị Quy cùng gia đình làm đất trồng màu trên diện tích đất dưới cốt 58 hồ Thác Bà
Đến thôn Cây Luồng, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, không mấy ai là không biết đến gia cảnh đói nghèo của vợ chồng Nông Thị Quy trước đây. Tài sản duy nhất mà anh chị có chỉ là chưa đầy 3 sào ruộng 1 vụ do ông bà nội để lại. Ấy thế, nhưng trong cái khó lại ló cái khôn, sự cần cù, năng động đã đưa gia đình chị vươn lên trở thành hộ khá giả. Bản thân chị Quy còn là một trong những Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ năng động của xã Xuân Lai.

Chị Quy kể: "Hai vợ chồng lấy nhau, tay trắng lập nghiệp. Đã có những thời điểm trong nhà không còn gì ăn, phải đi vay từng chút gạo để nấu cho 2 con, còn 2 vợ chồng ăn sắn trừ bữa. Cũng may sao những năm ấy, Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho nhân dân, vợ chồng mình mạnh dạn nhận 3 ha đất đảo hồ, vay thêm vốn liếng đầu tư trồng rừng kinh tế. Thời gian đầu, cây chưa khép tán, cứ trồng xen sắn để làm thức ăn chăn nuôi. Thế rồi, những ngày khó khăn cũng qua đi...”.

Những năm tháng trồng rừng trên đảo hồ, anh chị nhận thấy, cứ từ tháng 1 đến tháng 8 hàng năm, khi nước hồ rút xuống là diện tích đất dưới cốt 58 bị bỏ hoang rất tơi xốp phù hợp với trồng cây màu. Sau vụ đầu trồng thử thấy có hiệu quả, chị Quy mở rộng diện tích. 

Từ khi trồng thêm hơn 2 mẫu ngô, lạc dưới cốt nước hồ Thác Bà, đời sống của gia đình chị khá hẳn lên. Tổng cộng các nguồn thu nhập từ chăn nuôi, trồng rừng và trồng cây màu, mỗi năm gia đình chị Quy thu về 100 - 120 triệu đồng.

Đặc biệt 3 năm trở lại đây, học tập kinh nghiệm của bà con trong vùng và kỹ thuật trồng dưa hấu trên sách báo, chị chuyển đổi phần lớn diện tích đất màu dưới cốt 58 sang trồng dưa hấu. Chị Quy cho biết: "Đất dưới lòng hồ rất màu mỡ, phù hợp trồng dưa hấu và trên thực tế, cây dưa hấu đang cho hiệu quả cao hơn hẳn các loại cây màu cùng trồng trên diện tích đất này”.

Được biết, riêng năm 2017, gia đình chị thu trên 70 triệu đồng từ dưa hấu, nâng tổng nguồn thu nhập lên gần 200 triệu đồng”.   

Mạnh dạn, năng động trong phát triển kinh tế, chị Nông Thị Quy được chị em trong thôn tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ. Với vai trò là người đứng đầu trong công tác phụ nữ của thôn, chị nhiệt tình cùng các tổ chức đoàn thể của thôn, của xã thường xuyên quan tâm, nắm rõ gia cảnh của từng hội viên để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ chị em; nhất là tạo điều kiện thuận lợi để hội viên được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. 

Bản thân chị còn trực tiếp phổ biến kiến thức về phát triển trồng trọt, chăn nuôi đã được tập huấn và kinh nghiệm thực tế trong phát triển kinh tế của gia đình mình cho nhiều chị em trong thôn cùng học tập và làm theo.

Với các hội viên khó khăn, chị đều kịp thời quan tâm động viên, chia sẻ, vận động các chị em trong chi hội cùng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ bằng cả vật chất lẫn tinh thần. Nhiều hội viên từ khó khăn được giúp đỡ đã từng bước vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Theo đó, số hội viên có đời sống khá, giàu trong thôn cũng tăng lên gần 50%.

Nhờ có sự đổi mới trong hoạt động hội mà tỷ lệ hội viên phụ nữ thôn Cây Luồng tham gia sinh hoạt thường xuyên đạt trên 95%. Nhiều năm liền, Chi hội Phụ nữ thôn Cây Luồng được xếp loại xuất sắc; chị Nông Thị Quy được vinh danh phụ nữ "Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Hoiphunu yen bai

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video