Xúc động lớp học tình thương của bà giáo 88 tuổi ở Hà Nội

20/01/2020
Nghề giáo luôn thôi thúc bà giáo Hồ Hương Nam, năm nay đã sang tuổi 88, làm sao để các cháu được đến trường, được có bè bạn, được học hành...
Nghề giáo luôn thôi thúc bà giáo Hồ Hương Nam làm sao để các cháu được đến trường, được có bè bạn, được học hành...

Bước vào lớp học tình thương của bà giáo Hồ Hương Nam, nhiều học sinh trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, Q.Ba Đình, Hà Nội, mới lần đầu tiên gặp gỡ những người bạn, người em và cả những anh chị khuyết tật.

Còn những học sinh ở lớp học này thì co cụm như một thói quen cố hữu mỗi khi thấy người lạ. Thế rồi, những ngại ngần, bối rối của cả chủ và khách được xóa đi sau khi bà giáo Hồ Hương Nam bắt nhịp để tất cả cùng hòa ca.

Năm 1997, lớp học tình thương mở ra với 2 học sinh đầu tiên tại trụ sở tuần tra phường An Dương, quận Tây Hồ.

Kết thúc bài hát cũng là lúc bà giáo mắt ngấn nước: “Hôm nay tôi rất vui và hạnh phúc khi gặp lại các đồng nghiệp, những học trò ở ngôi trường đã gắn bó trước khi về hưu. Rất nhiều cảm xúc lẫn lộn. Năm nay tôi 88 tuổi rồi, không biết có còn đứng vững trên bục giảng được bao lâu nữa?”.

Năm 1979, bà giáo Hồ Nam nhận quyết định nghỉ hưu, rời bục giảng, xa mái trường tiểu học Hoàng Hoa Thám. Không ngơi nghỉ, không bỏ phí thời gian, bà giáo Nam nhận trọng trách cán bộ dân số phường, đi từng ngõ, gõ từng nhà. Rồi trong hành trình ấy, bà gặp những đứa trẻ thiếu may mắn về thể chất và trí tuệ buộc phải ở nhà.

Nghề giáo thôi thúc bà Nam làm sao để các cháu được đến trường, được có bè bạn, được học hành. Và thế là năm 1997, lớp học tình thương mở ra với 2 học sinh đầu tiên tại trụ sở tuần tra phường An Dương, quận Tây Hồ.

Thoắt cái đã 22 năm, 62 đứa trẻ đã được học những chữ cái, những con số đầu tiên ở lớp học này. Đọc thông, viết thạo, tính cộng trừ rành mạch là mục tiêu đặt ra cho học sinh của lớp học của bà giáo Nam.

Nhưng như Đỗ Kim Thúy, cô học trò tàn tật, thiểu năng trí tuệ năm nay đã 30 tuổi, 20 năm theo bà giáo học chữ thì nhất định tiếp tục đến lớp là bởi: “Bà giáo yêu cháu như bà nội ở nhà. Bà dạy cháu biết đọc, biết làm tính. Cháu đến lớp có bạn bè, có bà vui lắm”. Các ý tưởng cứ lộn xộn qua giọng nói ngọng nghịu, lẫn âm nghe vẫn đầy niềm vui.

Từ trụ sở tuần tra phường, di chuyển thêm vài địa điểm nữa rồi từ 3 năm nay, lớp học tình thương của bà giáo Hồ Nam đã có được lớp học khang trang, sạch sẽ và yên ổn ngay trong khuôn viên mới xây của trường THCS An Dương. Lớp học được bố trí ở tầng 1, ngay gần cổng trường để học trò khuyết tật đỡ khó khăn khi di chuyển. Thêm sự hỗ trợ của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân, lớp học đã đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng, sách vở.

Bê những túi quà được tự tay chuẩn bị, những học sinh tiểu học Hoàng Hoa Thám đã vượt qua ngại ngần, bỡ ngỡ và cả lạ lùng để trao tận tay các anh, các chị ở lớp học này. Cô giáo Lê Mai, hiệu phó tiểu học Hoàng Hoa Thám đứng lặng ngắm cách trẻ con trao đi yêu thương: “Chúng tôi phát động học trò và thầy cô ủng hộ từ cả tháng trước. Lúc đầu chỉ định công đoàn, đội thiếu niên và các thầy cô đến thăm cô giáo Hồ Nam là người chị, người cô từng giảng dạy ở trường và trao quà cho các em học sinh khuyết tật ở lớp của cô.

Nhưng rồi chúng tôi quyết định để cả học sinh đi cùng, để các em tự tay trao những món quà tới các bạn, các anh, chị. Đây là cơ hội để các em thực sự thấy ý nghĩa việc ủng hộ của mình cho các bạn học sinh khó khăn có một cái tết đầm ấm, hạnh phúc. Và có lẽ các em sẽ có được trải nghiệm tuyệt vời từ lớp học đặc biệt này”.

Thế rồi, Tiến Đạt, một học sinh lớp 5 bẽn lẽn rút ra chiếc phong bì. Buổi sáng, Đạt được mẹ đồng ý cho đập con lợn đất. Tiền tiết kiệm cả năm nay của em đã được chuyển nguyên vẹn tới lớp học cô giáo Hồ Nam.

Gần hết nửa buổi sáng, đã đến lúc thầy cô và các bạn tiểu học Hoàng Hoa Thám phải chào lớp học để về lại trường. Lớp học trở lại nếp thường nhật. Và 18 học sinh trong lớp trình độ khác nhau, khả năng tiếp thu khác nhau và đến tật bệnh cũng không giống nhau quay lại giờ học.

Bà giáo 88 tuổi không phút ngơi nghỉ đi lại giữa các bàn. Đứa này bà giáo chỉ tay vào vở: “Con làm lại bài cộng này nhé”. Đứa khác thì bà lại phải nhẫn nại lắng nghe việc hôm nay nó đang rất buồn vì ở nhà bị mắng. Quay sang góc kia thì lại là một bài tập viết sai nhiều quá.

https://phunuvietnam.vn/VOV

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video