Việt Nam – Campuchia hợp tác ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ trẻ em

15/11/2007
Nạn buôn bán phụ nữ trẻ em ngày càng diễn biến phức tập và tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người và sự ổn định, phát triển của đất nước, khu vực.

Những con số báo động

Theo báo cáo của Bộ Công an Việt Nam, từ năm 2006 đến nay đã có 639 vụ do 1.287 đối tượng thực hiện đã buôn bán 2.137 phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài, trong đó có nhiều vụ được phát hiện tại 9 tỉnh biên giới giáp Vương quốc Campuchia (Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Đắklắk, Gia Lai, Kontum). Việt Nam đã giải cứu được 1.092 nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán.

Cụ thể: Tỉnh An Giang đã phát hiện 6 vụ, khởi tố điều tra 3 vụ, bắt 5 đối tượng, xác minh 30 đối tượng, giải cứu 2 nạn nhân, tiếp nhận 9 nạn nhân, hỗ trợ 16 nạn nhân tự giải thoát về. Tỉnh Tây Ninh phát hiện, điều tra 3 vụ, bắt 5 đối tượng vận chuyển 48 trẻ em Trung Quốc bán sang Campuchia, giải cứu 11 em, tiếp nhận 4 phụ nữ bị bán do Campuchia trao trả. Tỉnh Đồng Tháp phát hiện đường dây buôn bán phụ nữ sang Malaysia, Ma Cao (Trung Quốc) ra nước ngoài làm mại dâm, giải cứu 3 nạn nhân. Tỉnh Kiên Giang phối hợp với lực lượng biên phòng Campuchia điều tra khám phá 1 vụ đã buôn bán 11 phụ nữ sang Campuchia làm mại dâm, giải cứu 3 nạn nhân…

 

Phần lớn những vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài đều do các tổ chức, cá nhân tội phạm trong nước và quốc tế câu kết thực hiện với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, vì mục đích lợi nhuận, bất chấp luật pháp, lương tri con người. Những phụ nữ, trẻ em này là nguy cơ bị buôn bán, bị bóc lột lao động, xâm hại tình dục, và dẽ lây nhiễm HIV, sử dụng các chất gây nghiện nguy hiểm.

 

Đa số phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị lừa bán sang Campuchia là những người dân quê thật thà, chất phác ở vùng sâu, vùng xa khắp các tỉnh; trong đó, nhiều nhất là ở các tỉnh phía Nam. Hầu hết họ có trình độ học vấn thấp, điều kiện kinh tế và hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu việc làm lại nhẹ dạ cả tin nên dễ bị lừa gạt và bị buôn bán.

 

Báo cáo của Phòng Dự án Phòng, chống việc buôn người của Bộ Phụ nữ Campuchia cho biết, trong số 203 phụ nữ hành nghề mại dâm (Khmer-Việt) ở tỉnh Koh Kong, TP Sihanouk Ville và tỉnh Siem Reap được phỏng vấn, có tới 49% phụ nữ bị buôn bán theo định nghĩa Nghị định thư Liên hiệp quốc.

 

Ở Campuchia vẫn có tình hình phụ nữ, trẻ em vượt biên sang Việt Nam ăn xin, làm thuê, sống lang thang. Hai năm 2005 và 2006, TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra, tiếp nhận 1.997 trẻ em Campuchia, trao trả 21 đợt về quê, nhưng có tới 40-50% em vẫn trở lại Việt Nam. Nhiều phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt, rủ rê, bắt buộc hoặc tự ra đi để kiếm tiền ở Việt Nam và các địa bàn khác…

 

Hợp tác ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ trẻ em

 

Ngày 10/10/2005, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã ký Hiệp định hợp tác song phương nhằm loại trừ tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán. Năm 2006, 2007 Chính phủ hai nước đã ban hành các văn bản pháp lý phê duyệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Hiệp định song phương. Ngày 22/2/2007, Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em của Việt Nam đã xây dựng kế hoạch thực hiện Hiệp định song phương. Hai nước cũng đã tổ chức các cuộc họp xây dựng kế hoạch hành động chung phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Thực hiện Hiệp định song phương, ngày 13/1/2007, Hội thảo bàn kế hoạch triển khai hiệp định song phương Việt Nam - Campuchia về phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Đại biểu hai nước thống nhất công tác phòng ngừa thực hiện Điều 4 và Điều 15 trong Hiệp định và một số hoạt động: Thành lập Tiểu ban tham vấn là đầu mối liên lạc giữa hai nước mà đại diện là Hội LHPN Việt Nam và Bộ Phụ nữ Campuchia; tiến hành điều tra khảo sát để thu thập thông tin về buôn bán phụ nữ, trẻ em; xây dựng kế hoạch truyền thông; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ các tỉnh chung biên giới; họp sơ kết để điểm lại kết quả thực hiện, chia sẻ kinh nghiệm, bàn kế hoạch thực hiện trong thời gian tới.

 

Trên cơ sở các kết luận đã thống nhất, Hội LHPN Việt Nam đã tăng cường phối hợp với chính quyền và các ban ngành, đoàn thể liên quan để triển khai hiệu quả việc thực hiện Hiệp định song phương phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em: chỉ đạo 92 xã điểm; xây dựng các mô hình truyền thông; tổ chức chiến dịch truyền thông cộng đồng, diễn đàn trẻ em; thiết lập đường dây nóng tại một số tỉnh thực hiện dự án; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; tăng cường hợp tác quốc tế; tham gia khảo sát tại hai nước; thành lập các trung tâm hỗ trợ kết hôn, trung tâm tư vấn pháp luật, phòng thông tin tư vấn, giúp đỡ hàng trăm phụ nữ, trẻ em bị buôn bán, bị xâm hại tình dục; hỗ trợ thiết bị, kinh phí cho phụ nữ có việc làm và tạo điều kiện học tập cho trẻ em, ổn định cuộc sống; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tư vấn, động viên tại cộng đồng; duy trì và nhân rộng mô hình “tín dụng tiết kiệm” cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có nguy cơ, phụ nữ bị buôn bán trở về…Với các hoạt động này, tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em đã được hạn chế dần.

 

Tuy nhiên, để thực hiện Hiệp định hợp tác song phương của hai Chính phủ ngày càng hiệu quả, cần phải tiến hành ngay việc thành lập tiểu ban tham vấn của hai nước để tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các hoạt động thực hiện kế hoạch đề ra; tăng cường việc tuyên truyền giáo dục cho phụ nữ, trẻ em, gia đình và cộng đồng về phòng, chống buôn bán phụ nữ trẻ em; kịp thời nắm thông tin và xử lý thông tin; tổ chức khảo sát, giao ban định kỳ…

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video