Viết báo vì những mảnh đời bất hạnh

21/06/2018
Viết báo là cái nghề, cái nghiệp và cũng là niềm đam mê của nhiều người. Với bà Nguyễn Thị Mây Lai ở huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, viết báo còn là vì những mảnh đời bất hạnh, khốn khó.

Bởi thế, trong cả ngàn bài báo của bà suốt gần 20 năm qua đều tập trung vào những đề tài tình thương, nhân đạo.

Ở khu phố Hòa Bình, Thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế,  tỉnh Bắc Giang, nhắc đến tên bà Lai ai cũng biết. Năm nay đã bước vào tuổi 70, nhưng bà Lai vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Như để minh chứng cho điều ấy, bà kể: “Dù là mùa đông hay mùa hè, tôi luôn dậy rất sớm để đạp xe đi khắp nơi, mục đích đầu tiên là để tập thể dục, sau đó nếu phát hiện ra thông tin gì đáng viết báo, tôi sẽ triển khai ngay”.

Sinh ra trong thời kỳ đất nước chìm trong chiến tranh, nên bà không được học hành, và đặc biệt chưa qua bất kỳ trường lớp đào tạo nghiệp vụ báo chí nào. Nhưng bằng lòng đam mê, sau khi qua tuổi 50, lúc con cái đã trưởng thành, bà bắt đầu tìm tòi, mày mò để tập viết báo. Với một người cầm bút nghiệp dư như bà, chuyện tác nghiệp cũng gặp vô vàn gian khó.

Bà nhớ lại: “Vào những năm 1999-2000, tôi bắt đầu tập viết, nhưng do không biết đi xe máy nên mỗi lần tác nghiệp ở xa, dù 30-40km tôi vẫn phải lách cách đi xe đạp. Không chỉ có thế, những ngày đầu đến với nghề tôi cũng chẳng có được chiếc máy ảnh, bởi ngày ấy máy ảnh kỹ thuật số chưa phổ biến còn máy phim không phải ai cũng biết dùng. Do đó, mỗi lần có thông tin nhân vật cần viết, tôi lại phải kêu ông thợ chụp ảnh thẻ ở thị trấn đi cùng. Chính vì thế chuyện tác nghiệp của tôi rất khó khăn, bất tiện”.

Bởi vậy có nhiều chuyến đi tác nghiệp, bà Lai phải bỏ ra cả trăm ngàn đồng để rửa ảnh, thuê thợ chụp. Nếu chụp vài kiểu họ sẽ không đi cùng, nên phải chụp nhiều, đằng nào cũng làm ảnh tư liệu và album kỷ niệm luôn. Thậm chí có nhiều lần bà phải bắt xe ô tô mang cuộn phim của ông thợ chụp ảnh xuống tận thành phố Bắc Giang (cách nhà gần 50km) để rửa rồi chuyển tới tòa soạn. Cách làm báo rất kỳ công và vô cùng tốn kém.

Những ngày đầu bước vào nghiệp viết lách,  bà Lai gặp vô cùng vất vả, tốn kém và cả thất bại (bởi rất nhiều nội dung không phù hợp với báo nên không đăng được). Nhưng điều đó càng khiến cho người phụ nữ khi đó đã ngoài 50 thêm ý chí, quyết tâm hơn. Mãi đến những năm 2004, những bài viết của bà mới thỉnh thoảng được đăng trên các tờ báo của tỉnh Bắc Giang, hoặc cùng lắm là vài tờ báo của các bộ, ngành ở trung ương. Nói bài báo có phần hơi quá, bởi khi ấy bà chỉ phản ánh thông tin 200-400 chữ về những mảnh đời bất hạnh trên địa bàn huyện Yên Thế, Bắc Giang, đến các chuyên mục như: Nhịp cầu nhân ái, quỹ tấm lòng vàng, hay trang bạn đọc.

Phải đến ngày 25-10-2004, dấu ấn trong nghiệp viết lách của bà mới được khẳng định rõ nét. Trên trang báo Bắc Giang có đăng bài và ảnh về hoàn cảnh đáng thương của gia đình có 5 người người bị teo cơ, không được chạy chữa và đang sống dở chết dở từng ngày.

Gia đình chị Trần Thị Hìu là nhân vật chính trong bài báo của bà Lai.  Chồng chị và 4 người con đều bị bệnh teo cơ, cuộc sống vô cùng khó khăn. Sau khi bài báo đăng được vài ngày, huyện Yên Thế phối hợp với Quỹ tấm lòng vàng Bắc Giang và nhiều đơn vị đoàn thể đã ra tay cứu trợ gia đình chị Hìu. Còn tác giả bài báo, bà Lai dù chỉ được 100 ngàn tiền nhuận bút từ tòa soạn nhưng rất vui. Bà kể lại cảm xúc ngày ấy như mình vừa làm được một việc tốt đẹp cho đời, lúc cùng chính quyền, đoàn thể đến giúp đỡ gia đình chị Hìu, bà đã khóc vì quá xúc động

Từ một bài báo cảm động và ghi lại dấu ấn nhân đạo, tình thương của người cầm bút, bà Lai đã có thêm động lực và niềm tin vào con đường viết lách mà mình tự dấn thân. Năm 2006, cô Trần Thị Phương - một người bị bại liệt nhiều năm ở Yên Thế, đã được Công ty Võng xếp Duy Lợi tặng chiếc xe lăn để đi lại và sinh hoạt. Có được việc làm nhân nghĩa này cũng bởi bài viết của bà Lai được các nhà làm từ thiện quan tâm…
Vậy là cứ thế suốt gần 20 năm qua, bà Lai vẫn miệt mài từng ngày đi săn tin, viết bài và đặc biệt là viết về những hoàn cảnh đáng thương, tàn tật.

Cho đến nay đã có hơn 20 gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và hàng chục nhân vật trong các bài viết của bà Lai được các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm giúp đỡ.  Ngoài những cái tên nhân vật như đã kể trên, bà còn cho chúng tôi một số tên khác mà đã từng đi vào bài viết như: Người khuyết tật Nguyễn Chân Thành 42 năm đấu tranh với bệnh bại liệt, Gia đình ông Vũ Văn Kỳ có 5 người bị tàn tật ở xã Hương Vỹ, Yên Thế, hai em nhỏ Nguyễn Thị Mai và Nguyễn Thị Yến quét rác lấy tiền nuôi mẹ nằm viện, gia đình chị Nguyễn Thị Lợi có chồng qua đời để lại 3 con nhỏ, hoàn cảnh rất khó khăn…

Kể về nhà báo không thẻ Nguyễn Thị Mây Lai, bà Vân ở cùng tổ dân phố Hòa Bình cho chúng tôi hay: “Cô Lai ở đây đi nhiều lắm, ngày nào cũng thấy đạp xe từ sáng sớm, với cuốn sổ, hộp kính, bút và chiếc máy ảnh nhỏ ở giỏ xe. Có rất nhiều đoàn thể, người lạ đến viếng thăm nhà cô ấy và rồi họ lại được cô ấy đưa đi làm từ thiện. Cô Lai ở xóm tôi đúng là người có tấm lòng vàng, tôi biết nhiều bài báo cô ấy tặng cả nhuận bút cho nhân vật của mình”.

Thậm chí chúng tôi còn được biết có nhiều tác phẩm sau khi được đăng báo, bà đã viết thư tới các doanh nghiệp, đoàn thể trên địa bàn để kêu gọi giúp đỡ. Quả thực từ thiện có rất nhiều người làm và nhiều cách, nhưng cái cách như của bà Nguyễn Thị Mây Lai ở Yên Thế, Bắc Giang hiếm có và rất đáng trân trọng, để đi tìm nhân vật cho tác phẩm của mình, cũng là để mang chiếc cầu nối tình thương, lòng nhân đạo cho cuộc đời này.

saigondautu.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video