Về vùng rau sạch Thành Trung

03/12/2011
Những ngày này, trên cánh đồng rau sạch ở Thành Trung (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế), các bà, các chị đang cố gắng thu hoạch rau đề phòng lũ đến. Gần hai năm triển khai mô hình trồng rau xanh an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, lượng rau sạch ở làng rau này đã cung cấp cho thị trường hàng chục tấn.

Hăng hái tham gia trồng rau sạch

Những ngày giữa tháng 9, trên các cánh đồng lúa, đồng rau ở Thành Trung, không khí khẩn trương hơn. Nhà nhà đều cố gắng gặt lúa phơi nhanh để tránh những cơn mưa dài ngày. Phía bên cánh đồng rau an toàn, những người phụ nữ cũng miệt mài thu hoạch những luống rau còn lại. Tất cả các hộ đều từng có kinh nghiệm về trồng rau màu, nhưng trong xu thế phát triển của xã hội, vấn đề sức khoẻ đang được đề cao nên một số phụ nữ ở thôn Thành Trung đã nhập cuộc với mô hình trồng rau an toàn.

Ngồi tâm sự với chị Nguyễn Thị Hoà trên cánh đồng rau, chị cho biết: nhiều năm trước, chị đã gắn bó với nghề trồng rau truyền thống, nhưng khi nghe có mô hình trồng sau an toàn, chị đăng ký hai sào đất để làm. Khác với rau thông thường, trồng rau an toàn phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật, nhất là việc bơm thuốc sinh học phải đúng hướng dẫn. Do không được sử dụng các loại thuốc trừ sâu không cho phép nên về hình thức, rau an toàn không bắt mắt lắm. Ví như những cây cải mà chị Hoà đang nhổ, những chiếc lá không xanh mướt như những cây cải xanh chúng tôi thường bắt gặp ở chợ mà loại cải này có khá nhiều lỗ nhỏ do những chú sâu gặm nhấm. Điều đáng nói là khá nhiều người tiêu dùng nhận biết được điều này nên đã lựa chọn rau an toàn. Đó cũng là điều dễ hiểu khi trong suốt thời gian qua rau an toàn ở Thành Trung đã có mặt trên các siêu thị, các nhà hàng, khách sạn và một số chợ ở Huế. Cũng theo chị Hoà, rau an toàn rất dễ trồng nên một mình chị mới dám nhận 2 sào đất để trồng. Dường như sáng, chiều, tối ngày nào chị cũng đều có mặt ở đồng để cuốc đất, nhổ cỏ, hái rau. Thi thoảng, chồng và hai đứa con chị cũng ra đồng góp sức. 

Cách những luống rau của chị Hoà không xa là khuôn viên rau của chị Phạm Thị Đào. Trên 2 sào đất, vợ chồng chị Đào trồng đủ loại: xà lách, rau thơm, cải cúc, cải bẹ… Gắn bó với nghề trồng rau từ cái thời cha sinh, mẹ đẻ, nhưng khi Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện và chính quyền xã triển khai dự án trồng rau an toàn, chị Đào hăng hái đăng ký tham gia ngay. Những ngày đầu triển khai trồng, chị cùng các hộ ở đây đều được tập huấn quy trình kỹ thuật về sản xuất rau an toàn, kỹ thuật công nghệ sinh học, phòng trừ dịch hại tổng hợp, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho rau xanh, ứng dụng một cách có hiệu quả các tiến bộ KHKT phù hợp với từng loại rau xanh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…Trong quá trình trồng rau, các đơn vị quản lý cũng về đột xuất để lấy mẫu rau kiểm tra. Bởi vậy, chị Đào cũng như nhiều hộ trồng rau ở đây luôn thực hiện nghiêm túc các quy định của việc trồng rau an toàn. Thậm chí, các hộ trồng rau ở đây còn quản lý, giám sát lẫn nhau để ngăn chặn những việc làm tạo cho sản phẩm rau không an toàn.

Tiếp tục nhân rộng mô hình trồng rau sạch

Qua trò chuyện với những phụ nữ trên cánh đồng rau an toàn của Thành Trung, chúng tôi tin về chất lượng của các loại rau nơi đây. Bởi như chị Trần Thị Búp nói: “Những người trồng rau sạch như chúng tôi luôn thực hiện đúng như cam kết. Làm gì cũng phải có lương tâm. Trồng rau cho người khác cũng giống như trồng cho mình ăn”.

Hai năm qua, trên cánh đồng rau an toàn khoảng gần 1,7 ha của Thành Trung có 12 hộ dân tham gia trồng, trong đó chủ yếu là phụ nữ. Do điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi và việc trồng rau an toàn không cần vốn nhiều, kỹ thuật trồng không có gì khó khăn và phức tạp nên quá trình trồng rau cũng gặp nhiều thuận lợi. Người dân trồng rau không thể tính toán cụ thể lời lãi bao nhiêu từ nghề này, nhưng các chị cho biết, trung bình mỗi hộ có thu nhập từ rau an toàn trên 100 ngàn đồng/ngày, cao hơn so với rau trồng theo phương pháp truyền thống, giúp chị yên tâm với nghề.

Rau an toàn là sản phẩm đang được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Điều chúng tôi muốn đề cập thêm là thu nhập của những người trồng rau sạch có thể cao hơn nữa nếu tại các chợ cũng có những cửa hàng rau sạch. Thời gian qua, rau an toàn được người dân nhập cho siêu thị, khách sạn tuy được giá hơn, nhưng lượng tiêu thụ không nhiều, còn lại các hộ đem ra chợ bán. Vì vậy, nếu như mỗi chợ có một gian hàng bán rau sạch Thành Trung như ở chợ Tây Lộc thì sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm đến hơn. Hiện nay, nhiều bà nội trợ luôn sẵn sàng mua rau an toàn với giá cao hơn các loại rau khác để tốt cho sức khỏe của gia đình.

Ngoài ra, theo chúng tôi, chính quyền xã Quảng Thành cũng nên vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, trồng rau theo phương pháp an toàn, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng hiệu quả kinh tế. Hiện ở Quảng Thành chỉ có 1,7/60 ha rau xanh sản xuất theo hướng an toàn. Thời gian tới, huyện Quảng Điền và xã Quảng Thành cần nghĩ đến chuyện xây dựng thương hiệu cho vùng rau an toàn, thậm chí tổ chức những tuyến du lịch tham quan vùng rau như ở Trà Kiệu (tỉnh Quảng Nam) kết hợp với các di tích lịch sử trên địa bàn.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video