Vấn đề giới trong dự thảo Luật Quy hoạch dưới cái nhìn của các chuyên gia

16/09/2016
Sáng 15/9/2016, tại Hà Nội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội thảo chuyên gia về “Lồng ghép giới trong dự thảo Luật Quy hoạch”. Hội thảo đã thu nhận được nhiều ý kiến chuyên sâu về giới của các chuyên gia.

Bà Nguyễn Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:

Thực tế hiện nay tại Việt Nam cho thấy, hầu như tất cả các quy hoạchchưa quan tâm đến vấn đề lồng ghép giới. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra được Báo cáo việc lồng ghép bình đẳng giới, thể hiện sự quan tâm thực hiện lồng ghép giới trong việc thành lập, xác định thành phần ban soạn thảo, tổ biên tập Luật Quy hoạch với sự tham gia đại diện của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và chuyên gia về giới.

Tuy nhiên, trong tờ trình cũng như dự thảo Luật chưa có số liệu, thống kê về giới liên quan đến hoạt động quy hoạch. Mặt khác, dự thảo Luật Quy hoạch quy định khái niệm “cá nhân” không chỉ rõ là công dân nam hay nữ, mang nghĩa “trung tính” nhưng thực chất các hoạt động về quy hoạch ở nhiều nơi có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới hoặc bất bình đẳng giới, trong khi các nhà khoa học đã nhiều lần công bố tỷ lệ phụ nữ (nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn) ít được cơ quan, chính quyền địa phương tổ chức lấy ý kiến về các loại quy hoạch tại địa phương, cơ sở. Dự thảo Luật cũng chưa thể hiện được thành viên tham gia ban soạn thảo dự thảo luật có thành phần đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới và Hội LHPN Việt Nam hay không; sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì thẩm định và cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới trong việc xây dựng Báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng dự án luật Quy hoạch như thế nào… Do đó, ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung một số nội dung nhằm bảo đảm yêu cầu quy định của pháp luật về lồng ghép bình đẳng giới.

Ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm UBQP&AN của Quốc hội khóa XIII:

Lồng ghép giới và bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung là vấn đề khó, đối với lĩnh vực quy hoạch lại càng khó hơn. Những sai lầm trong quy hoạch có thể dẫn đến những tác động bất lợi đối với toàn xã hội, trong đó có phụ nữ và trẻ em, cả trước mắt và lâu dài. Bảo đảm lồng ghép giới và bình đẳng giới trong quy hoạch là đưa ra các quy định để mọi công dân bình đẳng về cơ hội tham gia vào quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch cũng như giám sát việc quản lý, thực hiện quy hoạch (quyền và nghĩa vụ). Một số kiến nghị cụ thể: Đối với Chương quy định chung, tại Khoản 2, Điều 8 nên bổ sung quy định “Nhà nước xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích, ưu tiên và huy động các nguồn lực để thúc đẩy phát triển bền vững gắn với bình đẳng giới, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Tại Chương 3 về lập quy hoạch, nguyên tắc lập quy hoạch nên quy định thêm nguyên tắc phải dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tính đến thời điểm lập quy hoạch để nội dung quy hoạch phản ánh đầy đủ đặc điểm về giới một cách toàn diện, đầy đủ (nam, nữ, độ tuổi, học vấn, tôn giáo…). Điều 19 về lấy ý kiến tham gia vào quy hoạch cần quy định cụ thể lấy ý kiến ai, khi nào, ai tổ chức, kết quả tiếp thu, không tiếp thu thì giải trình thế nào… Điều 24 về quy hoạch tổng thể quốc gia cần có quy định nhằm tránh phát triển các ngành sản xuất như dệt may, da giày… tập trung quá nhiều ở một số địa phương, liên quan đến gây ra một số vấn đề xã hội ảnh hưởng tới phụ nữ như tập trung lao động nữ quá cao, chị em chịu áp lực tăng ca cao, cơ hội tiếp xúc xã hội ít dẫn đến nhiều chị em khó khăn trong kết hôn, sức khỏe sinh sản…Trong Chương 4 về Thẩm định và phê duyệt quy hoạch đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức trong việc thực hiện pháp luật về lồng ghép giới, bình đẳng giới trong quy hoạch. Thành phần thẩm định nên được mở rộng đến đại diện một số thành viên là các tổ chức chính trị- xã hội trong đó có Hội LHPN Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam:

Ban soạn thảo nên rà soát lại các nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch, bổ sung vào Điều 14 xác dịnh vấn đề giới ngay từ khi lập quy hoạch. Điều 19 quy định về lấy ý kiến đại diện cộng đồng thường không có phụ nữ. Điều 28 bổ sung nội dung tuân thủ nguyên tắc cơ bản trong đó có bình đẳng giới. Có các hình thức công bố quy hoạch đến đông đảo người dân trong đó có phụ nữ. Điều 56 cần quy định Hội LHPN tham gia giám sát trong tất cả các hoạt động quy hoạch. Các nguyên tắc đảm bảo bình đẳng giới cần được thể hiện cụ thể hóa, xuyên suốt trong các điều luật.

Vũ Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video