Vai trò của phụ nữ trong an toàn thực phẩm thức ăn đường phố

16/05/2014
An toàn thức thực phẩm thức ăn đường phố là chủ đề của hội thảo do Hội Nữ trí thức Việt Nam (NTTVN) phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam tổ chức ngày 8/5 tại Hà Nội nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2014. Chủ tịch Hội NTTVN - GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Ths.Ds Lê Văn Giang cùng hàng trăm đại biểu đã tới dự Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 5 tham luận liên quan đến công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là: Tình hình quản lý an toàn thức ăn đường phố và giải pháp; công tác kiểm nghiệm ATTP quý I năm 2014 và giải pháp; bảo đảm rau an toàn cho cộng đồng; chăn nuôi gia cầm theo hướng vệ sinh ATTP; thực trạng diễn biến dịch cúm gia cầm và các giải pháp khắc phục.

Theo đó, thức ăn đường phố từ lâu đã trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của các vùng miền, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, chủ yếu là phụ nữ nghèo, góp phần không nhỏ trong việc cải thiện cuộc sống, kinh doanh của họ. Tuy nhiên, đây cũng là một điểm nóng trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm bởi dễ gây ngộ độc thực phẩm và lây truyền các bệnh qua thực phẩm, cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường… Trong khi đó, việc kiểm soát về ATTP đối với loại hình sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố gặp rất nhiều khó khăn và ý thức của người kinh doanh và người sử dụng còn hạn chế.

Để đảm bảo an toàn đồng thời nâng cao hiệu quả cho loại hình kinh doanh này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cấp, các ngành và chính mỗi người dân. Trong đó, phụ nữ có vai trò quan trọng bởi họ chính là đối tượng sản xuất kinh doanh và khách hàng chủ yếu của thức ăn đường phố. Hình ảnh của thức ăn đường phố từ lâu gắn liền với hình ảnh của những người chủ quán là phụ nữ. Hiện nay, Hội LHPN Việt Nam đang triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” tới đông đảo các tầng lớp phụ nữ và 1 trong 8 tiêu chí của CVĐ là “Sạch bếp”. Thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có an toàn thực phầm thức ăn đường phố cũng là góp phần thực hiện tiêu chí “Sạch bếp”.

Chính vì vậy, hội thảo có ý nghĩa quan trọng không chỉ để những người phụ nữ nói chung, nữ trí thức nói riêng, chia sẻ những kiến thức đảm bảo an toàn khi kinh doanh, sử dụng thức ăn đường phố mà còn tạo cơ hội để họ trao đổi, thảo luận tìm ra những phương thức sản xuất, quản lý an toàn thức ăn đường phố.

“Các thông tin cung cấp tại Hội thảo rất thiết thực bởi con người sống không thể thiếu thực phẩm và một trong các đặc trưng của người dân Việt Nam là thức ăn đường phố”, TS Lê Thị Liên, chi hội Nữ trí thức Đại học Nông nghiệp Bắc Giang phát biểu tại Hội thảo. TS Lê Thị Liên cũng đặt ra vấn đề cấp bách là làm thế nào để có được thực phẩm an toàn bởi nữ trí thức và nhiều người phụ nữ khác không có điều kiện để hiểu về vấn đề an toàn thực phẩm một cách toàn diện và tự sản xuất thực phẩm an toàn.

Trong không khí sôi nổi, các đại biểu đưa ra, thảo luận những giải pháp quản lý an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố, trong đó nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến huy động sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong phối hợp triển khai, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, tăng cường công tác kiểm tra giám sát. Đặc biệt là xây dựng và áp dụng những mô hình quản lý, mô hình kiểm soát theo hướng bền vững, tiên tiến, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ở Việt Nam. Các đại biểu cũng chia sẻ biện pháp quản lý an toàn thực phẩm đường phố của các nước xung quanh như việc ban quản lý chợ chỉ cho những người kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn mới được buôn bán trong khu vực họ quản lý; cấp giấy phép kinh doanh chứng nhận đảm bảo an toàn…

Phát biểu tại Hội thảo, GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu đánh giá cao những tham luận và các ý kiến trao đổi của các đại biểu, bên cạnh đó nhấn mạnh tầm quan trọng của phụ nữ trong việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm. Bà cũng đưa ra thông điệp: “Một trong những cách đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hiệu quả nhất đó là hãy hạn chế sử dụng thức ăn đường phố. Với vai trò là người giữ lửa trong gia đình, phụ nữ, đặc biệt là nữ trí thức, dù bận rộn với công việc như thế nào thì vẫn phải dành thời gian cho tổ ấm của mình, chăm sóc bữa cơm gia đình chu đáo. Điều này không chỉ gắn kết các thành viên gia đình với nhau mà còn hạn chế được những nguy cơ ngộ độc thực phẩm, mất an toàn thực phẩm”. GS cũng đề nghị các đại biểu tích cực hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tích cực tham gia tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức,tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm, tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm thức ăn đường phố trên cả nước. Bên cạnh đó, từng bước phát huy những ưu điểm của thức ăn đường phố, hạn chế những nhược điểm, nguy cơ tiềm ẩn mà thức ăn đường phố có thể mang đến.

Tháng hành động vì chất lượng ATTP với chủ đề “ATTP thức ăn đường phố” diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5/2014 nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thực phẩm được phép lưu hành trên thị trường; triển khai các hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về VSATTP nói chung và đặc biệt là thức ăn đường phố nói riêng nhằm đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP. Tháng hành động còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng thức ăn đường phố.

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video