Vai trò của cha mẹ trong bồi dưỡng văn hóa đọc cho con

21/10/2011
Gia đình là môi trường gần gũi, thích hợp, có hiệu quả nhất trong việc bồi dưỡng thói quen đọc sách và tạo niềm yêu thích sách cho trẻ.

Trước hết phải khẳng định trẻ em ngày nay cũng thích đọc sách như trẻ em trước đây. Bằng chứng là tại các cửa hàng bán sách, các quầy dịch vụ cho thuê truyện tranh, phòng đọc thiếu nhi ở thư viện rất đông người đọc. Nhưng chủng loại sách các em lựa chọn là điều mà nhiều phụ huynh lo ngại. Đa số trẻ em được hỏi đều thích đọc truyện tranh, sách văn học ít được quan tâm, lý do đơn giản là sách văn học dài quá trong khi học chính khóa, học thêm, học nâng cao, làm bài tập ở lớp, bài tập ở nhà đã chiếm hầu hết thời gian… Vì vậy, gia đình là môi trường gần gũi, thích hợp, có hiệu quả nhất trong việc bồi dưỡng thói quen đọc sách và tạo niềm yêu thích sách cho trẻ. 

Có một thực trạng, ngày nay không ít gia đình, nhất là gia đình trẻ thường quan niệm khi nào các em lớn hẳn sẽ đọc sách và biết tự lựa chọn sách phù hợp. Cho nên nhiều gia đình đầu tư cho con rất nhiều đồ dùng, thiết bị hiện đại, nhiều em có phòng riêng, góc học tập với đầy dụng cụ học tập, sách giáo khoa và… đồ chơi, nhưng không có truyện. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thói quen đọc sách hay văn hóa đọc của một người phải được xây dựng từ nhỏ chứ không phải “lớn lên sẽ thích”. Trẻ em là đối tượng đang hình thành và phát triển nhân cách, dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh, với đặc điểm rất hiếu động, nên để các em đến với sách và làm theo sách cha mẹ phải kiên trì, bền bỉ qua từng giai đoạn phát triển của trẻ. Chị Minh Huệ (TP Nam Định) là giáo viên chia sẻ, con gái chị làm quen với sách truyện từ lúc 3 tuổi. Cháu được cùng bố, mẹ đọc truyện mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Lớn dần, khi cháu đã biết đọc, thời gian biểu của cả nhà vẫn có giờ đọc sách. Cháu thường xuyên thấy bố mẹ đọc sách, trao đổi với nhau về nội dung sách, hoặc nghe cháu nói về cuốn sách cháu đọc nên cháu rất hứng thú với sách truyện. Được đọc sách còn là một động lực giúp trẻ học tập trung hơn. Để hình thành thói quen và niềm yêu thích sách ở các em thì tấm gương của người lớn trong gia đình đặc biệt quan trọng. Đọc sách là một hoạt động hữu ích, giúp trẻ thu thập thêm kiến thức, mở rộng sự hiểu biết về thế giới bên ngoài, góp phần hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ. Bên cạnh đó, trẻ em chưa đủ nhận thức để phân biệt, đánh giá sách hay, sách dở nên gia đình, cha mẹ cần song hành với con tìm sách và lựa chọn sách, tạo điều kiện để con hình thành thói quen ham mê đọc sách, coi sách như người bạn thân thiết từ nhỏ. Chị Hồng (Nam Trực) đang chọn sách cùng con tại quầy sách (Siêu thị BigC) cho biết, hơn một năm nay, mặc dù bận, nhưng chị bố trí thời gian mỗi tuần cùng con chọn mua, đọc và trao đổi về sách. Con trai chị năm nay lên lớp 5 có nhiều chuyển biến, mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp với bạn bè, đặc biệt có tiến bộ rõ rệt trong việc học môn văn. Chị Hồng cho rằng, thị trường sách ngày nay rất phong phú, nhưng chất lượng sách lại là vấn đề mà bố mẹ phải quan tâm, nên mỗi khi đi mua sách cho con chị đều phải đọc kiểm tra cả nội dung sách và lỗi chính tả. Ngoài ra, khi trao đổi với con về nội dung những quyển sách mà con thích, chị cũng hiểu thêm về tâm lý, tình cảm của con, đó là phương thức hữu hiệu để “làm bạn” với con, nắm bắt những diễn biến tâm lý của con để uốn nắn.

Năm 2011, các cơ quan nhà nước cũng đã “vào cuộc” phát động, khuyến khích phong trào đọc sách. Năm nay, hưởng ứng ngày đọc sách của thế giới, lần đầu tiên Bộ VH, TT và DL đã tổ chức Ngày hội đọc sách với chủ đề “Đọc sách cho ngày mai” nhằm “kích cầu” văn hóa đọc trong cộng đồng. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Bộ VH, TT và DL cũng tổ chức Ngày hội gia đình tôn vinh văn hóa đọc với một trong những hoạt động trọng tâm là phát động xây dựng tủ sách gia đình, vận động ông bà, cha mẹ cùng hướng dẫn, xây dựng, nuôi dưỡng văn hóa đọc cho con ngay từ nhỏ./.

Theo baonamdinh.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video