V. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

15/12/2012
(tiếp phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2012-2017)

V. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Nhiệm vụ 1: Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách; rèn luyện phẩm chất đạo đức; nâng cao trình độ, nhận thức.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, phẩm chất đạo đức, lối sống; tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, giai đoạn 2010 - 2015”; trọng tâm là vận động, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ rèn luyện các phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.

- Tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, quyền và nghĩa vụ công dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Xây dựng và thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ.

- Đổi mới công tác nắm tình hình tư tưởng, đời sống, nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, đặc biệt các nhóm phụ nữ yếu thế; kịp thời phát hiện và chủ động tham gia giải quyết các vụ việc ngược đãi, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm các quyền hợp pháp của phụ nữ.

- Phối hợp với cơ quan Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp, ngành văn hóa, thông tin đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, có biện pháp góp phần giảm thiểu định kiến giới trong sách giáo khoa, trong các ấn phẩm văn hóa, thông tin, quảng cáo; đề xuất các cơ quan chức năng tăng thời lượng phát sóng các chương trình, chuyên mục, chuyên đề và các ấn phẩm tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới.

- Vận động phụ nữ tích cực học tập nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống, kiến thức xây dựng gia đình. Có biện pháp nâng cao nhận thức, năng lực cho phụ nữ thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, quyền dân chủ trực tiếp, gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật. Đề xuất và tích cực tham gia thực hiện chương trình xóa mù chữ cho phụ nữ, tập trung cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở các vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Duy trì, phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng tủ sách phụ nữ; vận động, khuyến khích phụ nữ tham gia phong trào đọc và vận dụng kiến thức từ sách báo vào cuộc sống. Phấn đấu các chi hội có báo của Hội Phụ nữ. Thực hiện có chất lượng chủ trương cấp báo Phụ nữ Việt Nam chuyên đề Dân tộc và Miền núi cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và chi Hội phụ nữ thôn bản đặc biệt khó khăn.

- Khuyến khích khả năng sáng tạo của phụ nữ. Tổ chức Ngày Phụ nữ Sáng tạo định kỳ 2 năm/1 lần với các hoạt động: hội thảo, tạo diễn đàn chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phát hiện, tôn vinh sản phẩm sáng tạo của phụ nữ trên mọi lĩnh vực. Hỗ trợ phát triển các ý tưởng sáng tạo có khả năng ứng dụng trong thực tiễn và đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao.

Nhiệm vụ 2: Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

- Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của gia đình và trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Hướng dẫn phụ nữ kiến thức, kỹ năng về giáo dục gia đình và tổ chức cuộc sống gia đình. Triển khai sâu rộng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trên cơ sở phát huy tính chủ động của hộ gia đình, vai trò nòng cốt của phụ nữ; xây dựng và nhân rộng mô hình truyền thông, tư vấn, hỗ trợ xây dựng gia đình phù hợp với địa bàn dân cư, vận động sự tham gia của cộng đồng, nam giới và các thành viên gia đình.

- Thực hiện hiệu quả Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt giai đoạn 2010 - 2015”; phối hợp thực hiện tốt Đề án “Nâng cao chất lượng quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”. Xây dựng và thực hiện Đề án phát triển nhà, nhóm trẻ dựa vào cộng đồng. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Liên tịch 01/2002/NQLT với Bộ Công an về Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội.

- Tổ chức các hoạt động dịch vụ gia đình và dịch vụ an sinh xã hội theo hướng chuyên nghiệp, từng bước tự vững nhằm phục vụ nhu cầu của phụ nữ, gia đình. Mỗi tỉnh/thành có ít nhất 01 mô hình dịch vụ gia đình phù hợp với điều kiện địa phương. Thí điểm và triển khai ra diện mô hình Trung tâm tư vấn tiền hôn nhân và hỗ trợ gia đình trực thuộc Trung ương Hội và các tỉnh/thành Hội.

- Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động, đấu tranh phòng chống bạo lực gia đình, buôn bán người, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và thực hiện an toàn giao thông. Mở rộng mô hình “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”; mỗi cơ sở Hội xếp loại xuất sắc xây dựng được ít nhất 01 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng nhằm tư vấn giải quyết mâu thuẫn, bạo lực gia đình; trợ giúp nạn nhân bị bạo lực gia đình, bị buôn bán trở về. Nâng cao hiệu quả hoạt động, tính bền vững của các mô hình hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình, bị buôn bán trở về, phụ nữ kết hôn với người nước ngoài và phòng, chống bạo lực học đường.

- Hàng năm các cấp Hội tổ chức “Ngày hội gia đình hạnh phúc” vào dịp Ngày Gia đình Việt Nam theo hướng triển khai đồng bộ các hoạt động biểu dương, truyền thông, tư vấn, hội thi, diễn đàn, triển lãm...thu hút sự tham gia của nam giới nhằm khuyến khích tăng cường trách nhiệm và sự chia sẻ trong công việc gia đình.

- Phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng tổ chức các hoạt động, triển khai mô hình lồng ghép truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Vận động phụ nữ thực hiện hiệu quả Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020, góp phần duy trì tỷ lệ tăng dân số 1%/năm, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt độngphòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt phòng lây truyền từ mẹ sang con, giảm kỳ thị và hỗ trợ người nhiễm, người bị ảnh hưởng bởi HIV.

Chủ động tham gia các hoạt động giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm tỷ lệ phá thai, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên; quan tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ cao tuổi... Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ kiểm tra sức khỏe định kỳ.

- Tiếp tục vận động phụ nữ phát huy tính tự lực, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái; đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và công tác hậu phương quân đội, phong trào đền ơn đáp nghĩa, hoạt động nhân đạo.

Nhiệm vụ 3: Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường.

- Tuyên truyền, hướng dẫn và vận động phụ nữ khu vực nông thôn hiểu rõ, hiểu đúng và tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách về nông nghiệp - nông dân - nông thôn; chủ động, sáng tạo tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thi đua sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

- Vận động phụ nữ phát huy tinh thần vượt khó vươn lên thoát nghèo. Chỉ đạo các chi Hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã nắm vững tình hình hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, đăng ký chỉ tiêu giúp hộ nghèo có địa chỉ, tập trung các giải pháp hỗ trợ đồng bộ để giảm nghèo hiệu quả: tiếp cận vốn vay, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao kiến thức, kỹ năng về quản lý kinh tế hộ gia đình, kỹ năng kinh doanh, quản lý chi tiêu tiết kiệm.

Mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ nghèo; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách - Xã hội. Tiếp tục vận động phụ nữ cộng đồng tham gia các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” và cuộc vận động ủng hộ xây dựng "Mái ấm tình thương. Thực hiện trong cả nước mỗi hội viên tiết kiệm ít nhất 5.000 đồng/tháng tạo nguồn vốn vay tại chi Hội để chị em có thêm vốn phát triển sản xuất.

- Xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược tài chính vi mô của Hội nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Vận động, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ tham gia các loại hình kinh tế hợp tác, khởi sự và phát triển doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015. Gắn kết chặt chẽ hoạt động dạy nghề với hỗ trợ tạo việc làm và các hoạt động giảm nghèo, phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp của phụ nữ. Chú trọng dạy nghề và tạo việc làm tại chỗ, đặc biệt khu vực nông thôn. Củng cố, nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề thuộc Hội. Kết nối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nữ trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ.

- Tuyên truyềnnâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ về bảo vệ môi trường; khuyến khích phụ nữ tham gia quản lý, khai thác hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo cân bằng sinh thái, phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường. Vận động, hướng dẫn phụ nữ xây dựng, phát triển mô hình "Sản xuất thực phẩm sạch", "Tiêu dùng sạch". Tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu, đề án và hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhiệm vụ 4: Tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện và giám sát luật pháp, chính sách về bình đẳng giới.

- Trung ương Hộitập trung tham mưu đề xuất 05 chính sách: phát triển nhà, nhóm trẻ dựa vào cộng đồng; chế độ thai sản đối với phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh con đúng chính sách dân số (ngoài đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc); chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho phụ nữ; chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ; chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ công tác ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số. Chủ động nghiên cứu, đề xuất ban hành qui định trách nhiệm và cơ chế để Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tham mưu về công tác cán bộ nữ và phát triển đảng viên nữ.

Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh/thành chủ động lựa chọn vấn đề ưu tiên tham mưu đề xuất một số chủ trương, chính sách cụ thể hỗ trợ người mẹ, gia đình; phát triển nhà, nhóm trẻ dựa vào cộng đồng; hỗ trợ phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đơn thân, phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ lao động nữ khu vực nông thôn, khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp ngoài Nhà nước… phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện và cơ sở nắm bắt nhu cầu, phát hiện vấn đề, tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền cùng cấp và Hội cấp trên giải quyết những vấn đề cụ thể đặt ra đối với phụ nữ và cán bộ nữ ở địa phương.

- Tích cực tham gia ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992. Tham gia ý kiến, phản biện xã hội có chất lượng vào quá trình soạn thảo và thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình, bình đẳng giới và cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới. Kết hợp đồng bộ nhiều hình thức, trong đó chú trọng rà soát, cập nhật, phân tích, đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật, tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại diện Hội trong cấp ủy, cơ quan dân cử các cấp, hội đồng, ban chỉ đạo…

- Tổ chức giám sát và tham gia kiểm tra giám sát theo quy định việc soạn thảo, thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình, bình đẳng giới, an sinh xã hội các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Phản hồi kịp thời và đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác giám sát. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và huy động sự tham gia trực tiếp của phụ nữ trong quá trình giám sát.

- Phát triển các mô hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, phụ nữ phù hợp với đối tượng và khả năng của từng cấp Hội. Xây dựng mạng lưới và phát huy hiệu quả hoạt động của cộng tác viên trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật của Hội. Củng cố, thành lập mới các Trung tâm hoặc Phòng tư vấn pháp luật; duy trì tính bền vững, nâng chất lượng và mở rộng mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” tại cộng đồng.

- Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong hệ thống Hội. Phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu nguồn cán bộ nữ có chất lượng cho Đảng; tham gia có hiệu quả vào công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ ở các cấp, phối hợp tổ chức một số hoạt động hỗ trợ góp phần tăng tỷ lệ cán bộ nữ góp phần đạt chỉ tiêu về cán bộ nữ của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020.

Nhiệm vụ 5: Xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh.

- Nâng cao chất lượng thực hiện chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Phát huy vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Hội, đổi mới hoạt động của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp.

- Kiện toàn bộ máy, cán bộ cấp Trung ương trên cơ sở phân định rõ tính chất, chức năng, nhiệm vụ của các khối phong trào, khối đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp. Tiếp tục kiện toàn bộ máy Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh/thành theo mô hình Văn phòng và 5 ban. Trung ương Hội và một số tỉnh/thành Hội thí điểm mô hình và từng bước phát triển các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp xã hội phù hợp với điều kiện của mỗi cấp. Xúc tiến việc xây dựng Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung. Củng cố, hoàn thiện các qui chế, qui định về trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch/Ban Thường vụ các cấp Hội, các đơn vị trong từng cấp.

- Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội cơ sở, đặc biệt là chi Hội, tổ Phụ nữ; chú trọng chất lượng sinh hoạt Hội, phát huy vai trò hội viên nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ Hội; kịp thời nắm bắt và phản hồi tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ. Kiên trì thực hiện phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức Hội”. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở để phát huy quyền dân chủ trực tiếp của hội viên trong xây dựng tổ chức Hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Đa dạng hóa hình thức tập hợp, thu hút phụ nữ tham gia tổ chức Hội, coi trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và phát triển hội viên trong nữ thanh niên. Mỗi cơ sở Hội ít nhất có 01 mô hình hoạt động phù hợp đối với nhóm phụ nữ đặc thù (phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo, nữ thanh niên, nữ công nhân, phụ nữ di cư, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ khuyết tật...); quan tâm đầu tư các chương trình hoạt động về xóa đói giảm nghèo, tuyên truyền giáo dục cho phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo.

Chủ động, sáng tạo trong hoạt động xây dựng quĩ Hội phù hợp với qui định pháp luật; tăng cường chất lượng công tác thu, chi hội phí nhằm hỗ trợ hoạt động Hội và chăm lo cho cán bộ chi, tổ. Duy trì khen thưởng danh hiệu “Cán bộ Hội cơ sở giỏi”.

- Rút kinh nghiệm để phát triển tổ chức Hội trong doanh nghiệp tư nhân; có hình thức phù hợp tập hợp phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài. Nghiên cứu, đề xuất chủ trương thí điểm thành lập tổ chức Hội trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước và nhân rộng khi có điều kiện. Xúc tiến thành lập tổ chức Hội trong cơ quan chuyên trách Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp Trung ương, tỉnh, huyện. Phát huy vai trò của Hội Nữ trí thức, Hội Nữ doanh nhân trong phong trào phụ nữ và hoạt động Hội.

- Đề xuất, xây dựng cơ chế về mối quan hệ phối hợp giữa Hội với các cấp chính quyền, các bộ, ban, ngành. Trong từng chương trình/hoạt động phối hợp cần xác định rõ trách nhiệm, nội dung, mức độ, phạm vi tham gia cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội và điều kiện thực tế của từng cấp Hội, từng địa phương.

- Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tư duy đổi mới, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp vận động phụ nữ đáp ứng yêu cầu công tác phụ nữ trong giai đoạn hiện nay. Quan tâm đầu tư đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội cơ sở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số. Xây dựng văn hóa tổ chức, tạo môi trường làm việc khoa học, chuyên nghiệp trong các cơ quan chuyên trách Hội; nâng cao nhận thức về tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội cho cán bộ, hội viên, phụ nữ.

- Kiện toàn bộ máy cán bộ thực hiện công tác kiểm tra trong hệ thống Hội. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ cơ sở; chú trọng kiểm tra theo chuyên đề. Phát triển các công cụ đánh giá theo yêu cầu của từng nhiệm vụ.

Nhiệm vụ 6. Tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.

- Xây dựng và thực hiện chiến lược công tác đối ngoại, vận động nguồn lực của các cấp Hội phù hợp với điều kiện hội nhập và Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình ở mức thấp.

- Mở rộng hợp tác quốc tế, đoàn kết hữu nghị với nhân dân, phụ nữ các nước, đặc biệt các nước láng giềng, các nước có quan hệ truyền thống và các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Củng cố, phát triển quan hệ song phương, đa phương, tham gia tích cực vào các diễn đàn khu vực và thế giới; tham gia các phong trào đấu tranh của phụ nữ và nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, nhân đạo và bảo vệ môi trường. Chủ động vận dụng thực hiện và tham gia giám sát, đánh giá việc thực hiện các cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam liên quan tới quyền của phụ nữ và bình đẳng giới.

-Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại hai chiều; nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về công tác đối ngoại nhân dân và tình hình phụ nữ trên thế giới. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong công tác phụ nữ. Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh biên giới, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy địa phương, hàng năm có kế hoạch cụ thể tham gia chủ động, phù hợp vào các hoạt động hợp tác, hữu nghị với các nước láng giềng, góp phần bảo đảm an ninh biên giới và chủ quyền quốc gia, phòng chống buôn bán người.

- Vận động, tập hợp phụ nữ Việt Nam sinh sống ở nước ngoài đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt ổn định và phát triển tại nước sở tại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp tích cực, phù hợp vào phong trào phụ nữ và công cuộc phát triển đất nước.Tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ quyền và nhân phẩm của phụ nữ trong các giao dịch, quan hệ có yếu tố nước ngoài.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video