Tuyên Quang: Nữ đảng viên khôi phục nghề dệt thổ cẩm

22/01/2022
Đó là chị Ngô Thị Phin, người dân tộc Tày, nhà ở Bản Chợ, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang. Chị Phin năm nay 54 tuổi đời nhưng đã có 24 năm tuổi Đảng.
Ngô Thị Phin tại cửa hàng ở Bản Chợ, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang.

Theo lời chị Phin, năm 1998 chị được kết nạp vào Đảng. Thời gian đó chị vừa nhập học Trường Trung cấp Mầm non của tỉnh Tuyên Quang được 2 tháng. Có mốc son đáng nhớ này là nhờ từ năm 1994, chị được chị em tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn Nà Liềm, chị đã vận động chị em tích cực lao động, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Sau khi ra trường, ở cương vị là cô giáo Trường mầm non Thượng Lâm, nhiều năm chị được tặng danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” của huyện Na Hang (cũ) và từng được đi thi “Giáo viên viết chữ đẹp cấp tỉnh”. Sau lần bị cơn tai biến nhẹ, năm 2011, chị quyết định xin nghỉ chế độ.

Có số tiền nghỉ chế độ, chị Phin nói cho chồng mình biết về  dự định đã ấp ủ bấy lâu. Được chồng (từng là công nhân lâm trường cũng xin nghỉ chế độ) ủng hộ, chị quyết định đi du lịch xuyên Việt. Chị Phin kể lại: “Mình lên Tây Nguyên, xem thổ cẩm của đồng Ê Đê, Ba Na, xuống Ninh Thuận là thổ cẩm của dân tộc Chăm, tham khảo thổ cẩm của người Mông, mình thấy hoa văn mỗi nơi mỗi vẻ, đều có điểm chung là sắc màu hài hòa mà vẫn rực rỡ. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Nội… mình thấy nhiều cửa hàng bày bán đồ lưu niệm dệt thổ cẩm và có khách hàng tìm mua. Sau chuyến đi đó, những hoa văn mềm mại của thổ cẩm bà con các dân tộc Tày, Dao Thượng Lâm cứ tươi mới trong lòng mình. Mình quyết định khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm”.

Chị Phin nhớ lại, ngày bé đã từng được mẹ dạy dệt vải. Chị về nhà xin lại khung dệt nhưng đã bị đốt bỏ lúc nào, vì hơn chục năm không ai đụng đến. Điều này càng thôi thúc chị phải khẩn trương tìm cách giữ lại nghề truyền thống. Ý tưởng khởi nghiệp mới bừng sáng trong đầu chị dù đã qua tuổi bốn mươi. Gần gũi bà con dân bản, chị Phin biết nhà nào có nghề dệt vải. Chị kể: “Lần ấy đến Nà Bản, vừa đến chân cầu thang nhà chị Nguyễn Thị Ý, người bị cụt các ngón tay phải vì bị bỏng từ nhỏ, sững lại vì nghe tiếng người mẹ than thở: “mì hết chăng mì chin” nghĩa là “có làm mới có ăn”. Thì ra bà đang dạy chị Ý  bê dậu lúa. Lên nhà, nhìn bộ khung dệt còn để trong góc, mình mừng quýnh. Mình xin với bà mẹ cho chị Ý học dệt thổ cẩm. Bà đồng ý nhưng nhìn mình như có phần e ngại”.

Biết được những gia đình còn khung dệt và người biết dệt, chị Phin gom lại thành tổ dệt hàng thổ cẩm. Không có vốn lớn và đất đai để mở nhà xưởng tập trung, chị để chị em dệt tại nhà. Chị mạnh dạn vay ngân hàng và người thân được 500 triệu đồng để mua nguyên vật liệu như sợi bông, len, cung cấp cho tổ viên. Sẵn gia đình có cửa hàng gần chợ trung tâm xã bán đồ tiêu dùng lặt vặt, chị dành ra  một ngăn để bán, quảng bá, bao tiêu mặt hàng dệt thổ cẩm của chị em.

Sản phẩm dệt của chị em Tổ dệt thổ cẩm xã Thượng Lâm.

Từ 9 chị em tổ viên ban đầu, hiện tổ đã có 30 thành viên, trong đó có 2 người chuyên cắt may hoàn thiện sản phẩm. Ý tưởng sáng lập “Tổ dệt thổ cẩm xã Thượng Lâm” của chị Phin đã thành hiện thực năm 2016. Thời gian chưa nhiều nhưng sản phẩm của tổ dần phong phú về mặt hàng cũng như mẫu mã như khăn, gối, chăn, mặt địu… Mặt hàng chăn, áo thổ cẩm ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ thấm mồ hôi, góp điều tiết nhiệt độ cơ thể, phù hợp với trẻ em và người cao tuổi có giấc ngủ sâu. Có ưu thế đó là nhờ  sợi bông thô từ Nam Định nhập về, được nhuộm màu bằng các loại lá, vỏ cây lấy từ núi rừng Lâm Bình, Nà Hang, tốt cho sức khỏe, không hóa chất, không ô nhiễm môi trường.

Để bao tiêu sản phẩm, chị Phin đã học hỏi, sử dụng công nghệ thông tin, liên kết với các nhà du lịch cộng đồng (Homestay), đưa hàng lên mạng internet, phục vụ khách du lịch trong nước và ngoài nước. Nhiều mặt hàng của tổ đã đến đúng tay người tiêu dùng thông minh vì sức khỏe cộng đồng, nâng cao thu nhập cho các thành viên, lương bình quân mỗi người là 1,7 triệu đồng/tháng, mức lương còn khiêm tốn, nhưng ở thôn bản vùng cao được như thế là rất quý.

Với chị Phin, cái được lớn hơn là bước đầu khẳng định hiệu quả kinh tế và góp phần phát huy nghề dệt truyền thống tưởng chừng đã mất đi trong nhịp sống hiện đại. Nhìn những đôi tay khéo léo của chị em cần mẫn gửi gắm, thổi hồn vào nét hoa văn, đường kim, mũi chỉ trong từng sản phẩm, càng thêm nể trọng tình yêu quê hương của người tổ trưởng có vóc người mảnh mai, duyên dáng Ngô Thị Phin.

Cùng với chăm lo công ăn việc làm cho tổ dệt, chị Phin luôn thực hiện tốt vai trò một người đảng viên, gia đình chị sống với bà con trong Bản Chợ rất có trách nhiệm. Đợt chống dịch COVID-19 vừa qua, gia đình chị  đã ủng hộ nhiều nước uống, sữa hộp, riêng chị còn trực tiếp nấu cơm cho các thầy thuốc tuyến tỉnh lên xã chống dịch, góp phần trả lại cuộc sống bình yên cho thôn bản.

Sự nỗ lực vươn lên của đảng viên Ngô Thị Phin đã được ghi nhận. Nhiều năm liền chị là đảng viên xuất sắc của chi bộ, được Đảng bộ xã Thượng Lâm và Liên hiệp Hội Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang khen thưởng.

ĐCSVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video