Từ “Gian hàng 0 đồng” đến đi chợ giúp dân

18/08/2021
Gần ba tháng qua, TPHCM phải gồng mình chống dịch COVID-19. Cán bộ, hội viên phụ nữ thành phố cũng không nằm ngoài cuộc chiến ấy. Dù có người nhiễm bệnh nhưng các chị vẫn không ngại nguy hiểm, khó khăn, luôn làm việc với tinh thần khẩn trương và đầy trách nhiệm.
Để đảm bảo thực phẩm đến với người dân kịp thời, chị Đỗ Kim Hằng - Chủ tịch Hội LHPN phường 6 - không ngại đến trực tiếp siêu thị để chọn hàng

Để đảm bảo đời sống của những người khó khăn, các hộ dân đang bị cách ly, phong tỏa, Hội LHPN các cấp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ kịp thời. Từ những hoạt động tạm thời, đến nay, Hội LHPN mỗi địa phương đã có sự thay đổi mang tính dài hơi, khi tình hình dịch còn diễn biến khó lường.

Những "Gian hàng 0 đồng" khắp thành phố

Tôi vẫn nhớ như in ánh mắt chị Thạch Thị Mỹ tại “Gian hàng 0 đồng” ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè trong một sáng tháng Sáu. Món quà chị nhận, ngoài một thùng mì tôm, năm ký gạo, đường, nước mắm, dầu ăn, trứng gà, còn có một túi đủ loại rau xanh. Giữa khoảng sân rộng của Trung tâm Văn hóa Thể thao xã Hiệp Phước, chị ngồi bệt xuống cạnh hai túi quà, như tạm buông bỏ những lo lắng bấy lâu. 

* Với 2.099 “Gian hàng 0 đồng”, tính đến nay, Hội LHPN TPHCM đã trao 620.395kg gạo, 1.036.869kg rau củ quả và thực phẩm các loại… trị giá trên 41,5 tỷ đồng. Tại Hội LHPN TP.Thủ Đức, 21 quận, huyện và cơ sở “Gian hàng 0 đồng” được gọi với nhiều tên khác nhau như “Chợ 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “Bách hóa 0 đồng”… cũng đã trao tặng, chăm lo cho người dân 499.262 suất quà trị giá hơn 118,9 tỷ đồng.

Các cấp Hội còn triển khai mô hình “Đi chợ thay, phí 0 đồng” cho các khu cách ly, phong tỏa. Hằng ngày, cán bộ Hội tổng hợp nhu cầu mua hàng của các hộ và liên kết với Co.op để chuyển hàng hóa đến các hộ dân. Tính đến nay, Hội đã đi chợ thay cho hàng chục ngàn lượt gia đình.

Bỏ chồng ở lại với miếng ruộng nứt nẻ miền quê nghèo tỉnh Trà Vinh, cùng đứa con trai đang học lớp Bảy, chị chọn tha phương kiếm sống với mong muốn con sẽ được chăm lo đầy đủ hơn. Cuộc mưu sinh vỉa hè với một đôi quang gánh, trên ấy là bánh tráng, vài trái cóc, trái xoài… bao lần khiến chị cay xè đôi mắt. Nhưng chị nói, chưa lần nào đáng sợ bằng lần chạy dịch này.

Những ngày đầu dịch bùng lên, chị cố gắng trụ lại thành phố, với hy vọng khó khăn sẽ qua nhanh. Nhưng rồi, mọi thứ đi chệch quỹ đạo. Đôi quang gánh của chị cứ thế nằm yên một góc trong khu nhà trọ. Một tuần, rồi thêm hai tuần, khiến bụng chị nóng ran. “Ngồi không ăn lở núi”, chị nói về mối lo hiện tại, khi mấy đồng tằn tiện tích cóp cho năm học mới của con có nguy cơ rũ cánh ra đi.

May mắn, những “Gian hàng 0 đồng” của Hội Phụ nữ các cấp mọc lên trên khắp địa bàn. Đó thực sự là chỗ nương nhờ cho những cuộc đời lưu trú như chị Mỹ, trong thời điểm thành phố oằn mình chống dịch. Sự hỗ trợ, an ủi, động viên nhau không chỉ đến với người nghèo khó, mà những gian hàng như thế còn được đưa vào khu phong tỏa, cách ly, để đến tay người cần.

Ngày 7/6, một “Gian hàng 0 đồng” được mở ngay trong khu cách ly tại phường 4, quận 8. Hàng rào chặn lại ở hai đầu hẻm, từ số nhà 38 đến 148 đường Tám Danh - khi đó là điểm phong tỏa duy nhất trên địa bàn phường. Được sự hỗ trợ của lực lượng chức năng, Hội Phụ nữ phường 4 đưa gần tám tạ rau củ quả vào bên trong khu vực cách ly, lấy điểm sinh hoạt văn hóa khu phố 7 làm nơi tổ chức “Gian hàng 0 đồng”, kịp thời hỗ trợ cho 229 hộ dân nơi đây. Chị Nguyễn Thị Diễm My - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 4 - chia sẻ, tất cả các loại rau củ quả được bày biện lên kệ để các hộ dân đến lấy theo nhu cầu, không phân biệt người giàu kẻ khó, bởi trong hoàn cảnh đó, ai cũng cần.

Đưa nguồn hàng chất lượng đến người dân nhanh nhất

Các điểm phong tỏa ngày càng nhiều. Không có đủ thực phẩm để mở ra nhiều “Gian hàng 0 đồng”, và cũng xuất phát từ thực tế những người có điều kiện muốn nhường suất của mình cho người khó - họ nhờ Hội Phụ nữ hỗ trợ đi chợ giúp để vừa có thực phẩm cho gia đình, vừa giúp lại những người khó khăn trong khu vực cách ly - ý tưởng mô hình “Đi chợ giúp dân” được hình thành, để có sự hỗ trợ dài hơi hơn khi giãn cách xã hội kéo dài.

Chị Lê Thị Ái - Chủ tịch Hội LHPN phường 3 - đi chợ giúp người dân ở khu vực cách ly

Kết nối với chị Nguyễn Thị Diễm My, những ngày này, chúng tôi nhận thấy sự thuần thục trong các khâu nhận đơn - đặt hàng - giao hàng, giúp chị đỡ vất vả hơn so với những ngày đầu còn lúng túng.

Mỗi ngày, theo quy định, Hội Phụ nữ phường sẽ nhận đơn hàng từ các chi hội trưởng qua Zalo trước 4 giờ chiều. 5 giờ chiều, đơn hàng sẽ được chốt tại siêu thị gần nhất trên địa bàn. 13 giờ hôm sau, siêu thị sẽ giao tất cả đơn hàng đến Hội Phụ nữ phường, có bấm tên và hóa đơn trên từng bao hàng. Hội Phụ nữ phường và lực lượng hỗ trợ sẽ chuyển hàng đến các điểm cách ly, nhờ bảo vệ và chi hội phụ nữ tại các chốt theo địa chỉ nhà mà gửi cho từng người dân. Ở các khu phong tỏa, cách ly, tiền hàng sẽ được thu lại bằng cách chuyển khoản để đảm bảo an toàn.

Chúng tôi tự hào về các chị

Việc không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để tham gia phòng, chống dịch đã minh chứng sống động cho bản tính chịu thương, chịu khó, lăn xả vì dân, cũng như thể hiện sự năng động, sáng tạo của cán bộ Hội. Các chị mạnh dạn thay đổi phương thức tổ chức điều hành công việc, để dần thích nghi với hoàn cảnh mới. Có thể đó đây ở thành phố này, có trường hợp ngày đầu bị động vì cách ly, phong tỏa. Nhưng chỉ hôm sau thôi, ngay điểm phong tỏa, cách ly đó đã có bóng dáng cán bộ Hội vào cuộc. Các chị chủ động kết nối doanh nghiệp, nhà sản xuất, tìm nguồn hỗ trợ, vừa trao tặng, vừa đi chợ thay không tính phí… giúp người dân phần nào an tâm phòng, chống dịch. Chúng tôi tự hào về các chị, những người phụ nữ đã và đang dấn thân trong cuộc chiến chống COVID-19, mang hình ảnh đẹp của Hội lan tỏa trong cuộc sống ở thành phố này.

Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM

Đến nay, sau một thời gian triển khai, tất cả đã vào guồng theo đúng quy trình, việc “đi chợ giúp dân” cũng đã phục vụ nhiều đơn hàng hơn. “Nhanh lắm, bao nhiêu đơn gửi cũng xong. Làm như vậy mới đi chợ được cho nhiều người. Mỗi ngày khoảng 40 đơn lớn (là những đơn nhiều hộ gom chung). Có khi chúng tôi nhận chỉ 10 đơn hàng, nhưng đặt tới 1.000 con gà”, chị Nguyễn Thị Diễm My chia sẻ.

Ngày 15/6, hoạt động “đi chợ giúp dân” được Hội LHPN quận 8 triển khai nhằm hỗ trợ những người dân trong khu vực phong tỏa trên địa bàn quận 8. Chị Vũ Yến Oanh - Chủ tịch Hội LHPN quận 8 - cho biết, chuyện đi chợ là thế mạnh của chị em phụ nữ, đó cũng là trách nhiệm mà Hội LHPN có thể chia sẻ với chính quyền trong việc đảm bảo thực phẩm cho người dân. Những ngày đầu thực hiện mô hình này, việc “đi chợ giúp dân” chỉ loanh quanh khu phong tỏa. Hội đã kết nối với tám cửa hàng Co.op Food trên địa bàn, để đảm bảo người dân được mua hàng bình ổn thị trường, chất lượng cao với giá cả hợp lý trong mùa dịch.

Đến ngày 11/7, toàn thành phố thực hiện Chỉ thị 16, phần lớn chợ truyền thống đóng cửa; mô hình được mở rộng đến tất cả các hộ dân trên địa bàn quận - khi Hội nhận thấy tinh thần, trách nhiệm, sự hưởng ứng nhiệt tình của lực lượng hội viên tiêu biểu, khiến mô hình ngày càng lan tỏa. Có những chị em trước đây từng được đi chợ giúp, khi vừa dỡ bỏ phong tỏa, đã tình nguyện làm shipper, đi chợ giúp lại…

Có những lúc gặp khó khăn, hệ thống cửa hàng đóng cửa để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, chị Vũ Yến Oanh buộc phải san sẻ thực phẩm từ bếp ăn của Hội để thực phẩm kịp thời đến với người dân. Khi đơn hàng nhiều hơn, Hội phối hợp phòng Kinh tế quận, kết nối những kênh đầu mối để người dân tiếp cận nguồn hàng với giá tốt nhất.

Có những buổi tối, chị Lê Thị Ái, Chủ tịch Hội LHPN phường 3 - phải xách xe đi tìm cửa hàng chỉ để mua vài lốc sữa giúp một hộ gia đình có con nhỏ, hay mua viên thuốc cho người già. Vất vả cỡ nào chị cũng thấy vui. Chị kể, những ngày đi giao hàng, chị nhận được rất nhiều lời cảm ơn, vì nhiều người không đi chợ được, thậm chí ra được siêu thị nhưng không mua được hàng.

Tại quận Bình Thạnh, sau khi mô hình “Đi chợ giúp dân” của Hội LHPN phường 19 triển khai thí điểm, chuẩn bị cho sự phong tỏa toàn phường ngày 22/7, nhận được những phản hồi tích cực từ người dân, Hội LHPN quận Bình Thạnh quyết định triển khai đồng bộ 20 phường trên địa bàn. Hội LHPN 20 phường đã tạo các group Zalo liên kết từng tổ hội, chi hội với Hội LHPN phường. Nhiệm vụ của tổ hội sẽ tạo tiếp các group Zalo kết nối với các hộ dân trong khu vực phong tỏa, cách ly có nhu cầu mua lương thực, thực phẩm, sau đó tổng hợp các đơn hàng gửi đến chi hội phụ nữ. Chi hội sẽ tổng hợp tất cả đơn hàng của các tổ rồi gửi về Hội LHPN phường. Hội LHPN phường sẽ liên kết với các đơn vị cung ứng hàng hóa để mua lương thực, thực phẩm theo đơn đặt hàng của từng hộ dân, sau đó giao đến các hộ dân.

phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video