Từ châu Phi đến Hội đồng Bảo an: Phụ nữ Sudan dẫn dắt sự thay đổi

12/11/2019
Cả Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) lắng nghe tiếng nói của nhà báo Sudan 22 tuổi Alaa Salah về vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh. Được xem là biểu tượng nữ quyền mới, hành trình của cô và nhiều người khác như Safaa Ayoub, Huda Ali và Samah Jamous là đấu tranh vì công lý, vì tương lai của Sudan.

Biểu tượng mới của nữ quyền ở Sudan

 

Cuối tháng 10 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên thảo luận mở về “Phụ nữ, Hòa bình và An ninh”, trong đó tập trung rà soát và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 1325 và các nghị quyết có liên quan trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ra đời Nghị quyết này. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nêu bật những kết quả đạt được về việc thúc đẩy sự tham gia và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình, thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia vị trí lãnh đạo và các hoạt động gìn giữ hòa bình của phụ nữ còn thấp khi phụ nữ chỉ chiếm 4,2% quân số trong các phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ. Tỷ lệ trung bình phụ nữ trong quốc hội trên toàn thế giới tăng lên 24,3% thì ở các nước có xung đột và hậu xung đột, tỉ lệ này chỉ ở mức 19%. Tại phiên thảo luận mở, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 2492, tập trung kêu gọi các quốc gia và cộng đồng quốc tế thành viên cam kết thực hiện chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hoà bình và An ninh và các ưu tiên về đảm bảo và thúc đẩy sự tham gia đầy đủ, công bằng và ý nghĩa của phụ nữ trong các tiến trình hoà bình.

Tại HĐBA LHQ đã xuất hiện một cô gái trẻ 22 tuổi người Sudan là nhà báo Alaa Salah. Cô được xem là biểu tượng nữ quyền mới ở Sudan. Cô chia sẻ, hành trình của cô và nhiều phụ nữ Sudan khác là đấu tranh vì hòa bình và công lý, vì tương lai của Sudan.

 

Phụ nữ Sudan đã đóng vai trò hàng đầu trong cuộc nổi dậy Sudan 2018-2019. Họ luôn đóng vai trò chính trong việc thách thức chế độ ở Sudan trong khi tranh đấu cho quyền bình đẳng của nữ giới. Chính cô Alaa Salah là thành viên tiên phong của Hiệp hội chuyên gia Sudan (SPA) với nòng cốt là phong trào đấu tranh của phụ nữ, chiếm 70% tổng số người diễu hành đòi chấm dứt 30 năm cầm quyền của Tổng thống Omar Hassan al-Bashir. Luật pháp Sudan dưới thời ông al-Bashir kiểm soát khắt khe đối với người phụ nữ trên mọi phương diện, từ ăn mặc, hành vi, giáo dục cho tới đời sống cá nhân… Những bé gái thường xuyên bị ép buộc kết hôn với những người đàn ông lớn tuổi hơn. Ngoài tảo hôn, bạo lực gia đình, quấy rối tình dục cũng là những mối đe dọa thường trực đối với phụ nữ Sudan. Chỉ tính riêng trong năm 2016 đã có tới 15.000 phụ nữ bị giam giữ, thậm chí bị đánh đập. Tức nước vỡ bờ, từ tháng 12/2018, các cuộc diễu hành phản đối chính sách của chính quyền al-Bashir tăng cao. Cuộc đấu tranh của Salah và hàng nghìn phụ nữ khác được người dân Sudan gọi là “Kandaka” (theo tên một nữ hoàng Sudan cổ đại từng chiến đấu dũng cảm vì quyền lợi của phụ nữ và đất nước mình). Trong trang phục truyền thống của phụ nữ Sudan, Salah đứng phát biểu giữa biển người diễu hành.


 Ảnh minh họa

 Alaa Salah diễn thuyết trước nhiều người ở Sudan

 

Cô Salah đã dũng cảm trèo lên nóc ô tô để hát, để hô vang các khẩu hiệu nhằm truyền tải thông điệp của mình, đó là “Sudan cho tất cả”, chứ không phải Sudan là sở hữu riêng của bất kỳ gã độc tài nào. Khi hình ảnh của Salah được lan truyền, cô phải đối mặt nhiều lời đe dọa ám sát. Mặc dù vậy, Salah vẫn nói: “Tôi sẽ không khuất phục. Tiếng nói của tôi không thể bị đàn áp”. Sự kiên cường của Salah và những người phụ nữ Sudan đã khiến thành viên nam của phong trào SPA khâm phục, còn lực lượng đàn áp dần chùn bước. Thậm chí chính những binh sĩ được lệnh trấn áp đã đứng ra bảo vệ đoàn người diễu hành. Nhiều sĩ quan quân đội cho rằng những người phụ nữ đã thay đổi suy nghĩ của họ về chế độ mà họ đang phục vụ. Salah mong muốn thành lập một chính phủ dân sự mới thúc đẩy lợi ích đất nước, đặc biệt là quyền bình đẳng cho phụ nữ, tăng tỷ lệ 25% phụ nữ tham gia các cơ quan lập pháp lên 50% thông qua đánh giá trình độ một cách công bằng và bình đẳng.


 Ảnh minh họa

 Alaa Salah (áo đỏ) chia sẻ tại phiên thảo luận mở về “Phụ nữ, Hòa bình và An ninh” của HĐBA LHQ


Những người cùng chí hướng

 

Sát cánh bên Salah là Safaa Ayoub, Huda Ali và Samah Jamous. Ngoài công việc nha sĩ vào ban đêm, cô Samah Jamous dành hết thời gian ban ngày để đấu tranh nâng cao nhận thức về quyền của phụ nữ trong các khu vực xung đột. Gần đây, Jamous đồng sáng lập ‘Phụ nữ vì Sáng kiến Hòa bình”, một phong trào do thanh niên lãnh đạo, tạo ra không gian an toàn cho phụ nữ, các nhà lãnh đạo cộng đồng trẻ tham gia vào các cấp độ khác nhau của quá trình ra quyết định. Samah Jamous là Cố vấn Chương trình tại Hope of Peoples of Sudan và gần đây là thành viên của Mạng lưới Lãnh đạo phụ nữ châu Phi.


 Ảnh minh họa

 Từ trái sang: Alaa Salah, Samah Jamous và Huda Ali

 

Cô Safaa Ayoub là tổng thư ký Hiệp hội phát triển cộng đồng phi lợi nhuận có trụ sở tại Khartoum, còn cô Huda Ali là thành viên của Mansan - Liên minh quyền phụ nữ gồm 176 thành viên với sự đại diện của 8 đảng chính trị khác nhau và 13 cơ quan xã hội dân sự. Cả hai người phụ nữ này muốn xây dựng một tiến trình hòa bình thực sự, giải quyết các vấn đề giải trừ quân bị và thực sự đảm bảo có 50% sự tham gia của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực ở Sudan.

 

Sudan hiện bước vào thời kỳ mới của quá trình chuyển đổi sang chế độ dân sự sau 30 năm cầm quyền của Tổng thống A.Bashir. Chính phủ mới của Thủ tướng A.Hamdok bao gồm 18 bộ trưởng, trong đó có 4 phụ nữ, có trách nhiệm điều hành đất nước Sudan trong thời gian chuyển tiếp 39 tháng. Chính phủ mới đối mặt nhiều thách thức như khôi phục kinh tế và chấm dứt xung đột giữa các nhóm quyền lực và phiến quân ở các khu vực. Tân Thủ tướng cũng chỉ ra sự cần thiết phải cải cách thể chế nhà nước, chống tham nhũng, xây dựng nhà nước pháp quyền và minh bạch, phát triển đường lối đối ngoại ôn hòa và đảm bảo công bằng cho phụ nữ.

 

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video