Truyền thông bằng hài kịch về phòng, chống tội phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

26/12/2016
“Mỗi người phụ nữ hãy là người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có lương tâm, người tiêu dùng thông thái, tuyên truyền viên tích cực về ATVSTP và kiên quyết nói không với thực phẩm không an toàn, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về VSATTP” đó là thông điệp mà Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết muốn gửi tới công chúng trong buổi diễn chiếu ghi hình hài kịch truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm vừa diễn ra tại Hà Nội.

Đây là hoạt động do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức nhằm góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống các vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, góp phần nâng cao ý thức tiêu dùng thực phẩm an toàn; kêu gọi cán bộ, hội viên có trách nhiệm phát huy vai trò trong đảm bảo VSATTP từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu dùng.

Năm 2016, để tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền, Hội LHPN Việt Nam thử nghiệm một hình thức mới. Đó là truyền thông qua hình thức hài kịch, với mong muốn những tiếng cười sẽ lắng đọng lại trong mỗi người xem những suy ngẫm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay. Người tiêu dùng không có lỗi khi mong muốn được thưởng thức thực phẩm ngon, bổ, rẻ. Nhưng khi những người cung ứng thực phẩm quên đi đạo đức nghề nghiệp, dựa trên niềm tin, sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để trục lợi thì thực phẩm bẩn sẽ có nguy cơ phát tán tràn lan, ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe, môi trường mà còn làm suy thoái đạo đức của toàn xã hội. Và khi chung sống, dung túng cho vấn nạn thực phẩm bẩn, chính những người cung ứng thực phẩm cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả khôn lường.

Tại buổi công diễn, tiểu phẩm “Thực phẩm quê, ắt phải sạch” chuyển tải thông điệp về người cung ứng thực phẩm cần có lòng tự trọng, lương tâm, giữ chữ tín trong nghề nghiệp – nếu không, chính họ cũng sẽ không thoát khỏi hậu quả từ vấn nạn thực phẩm bẩn. Còn người tiêu dùng, họ cũng cần có ý thức truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tự trang bị kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm để tự bảo vệ mình.

Trong khi đó, tiểu phẩm “Tấm Cám – chuyện chưa kể” lại cho người xem chứng kiến quy trình sản xuất rau của Tấm và Cám. Qua đó hy vọng những người sản xuất sẽ rút ra bài học cho mình: thế nào là một quy trình sản xuất rau an toàn? Làm thế nào để tìm đầu ra cho sản phẩm rau an toàn của mình. Và Thông điệp gửi đến những người sản xuất là: Trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, chỉ có con đường làm ăn uy tín mới đem lại kết quả bền vững. Với những người chộp giật, chính thị trường và pháp luật sẽ đào thải họ.

Buổi công diễn với sự tham gia của gần 200 đại biểu đại diện cho cán bộ TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Công An, sinh viên Trường đại học sư phạm Hà Nội.

Nguyễn Thị Huyền - Ban Tuyên giáo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video