Trường Sa - biển trời Tổ quốc

29/04/2010
Chúng tôi vinh dự có mặt trong Lễ mít tinh kỉ niệm 35 năm giải phóng Trường Sa được UBND tỉnh Khánh Hòa và Quân chủng Hải quân phối hợp tổ chức ngày 27/4 tại đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa. Đây cũng là điểm dừng chân cuối cùng của Đoàn công tác TƯ Hội LHPN Việt Nam thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa do đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam dẫn đầu. Hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió, Trường Sa hôm nay đã và đang đổi thịt thay da.


Ký ức

Mặc dù đã chớm lục tuần nhưng suốt hành trình trở lại chiến trường xưa, đại tá Nguyễn Ngọc Quế, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Đặc công 126 (Quân chủng Hải quân) vẫn rất nhanh nhẹn sau những ngày dập dềnh theo sóng nước của con tàu HQ 936 trong chuyến trở lại đảo, nơi 35 năm trước ông là một trong những người lính ra giải phóng Trường Sa. Đêm trước khi đến đảo Song Tử Tây, dường như đại tá Quế không ngủ, ông cứ lang thang trên boong tàu, dõi mắt theo mũi tàu hướng về phía đảo.

Bước chân lên đảo Song Tử Tây, kí ức của 35 năm trước như ùa về. Khi đó ông là trung úy, cùng 35 đồng đội trên con tàu mang số hiệu 673 đổ bộ lên giải phóng đảo. “Ngày 11/4/1975, tôi cùng đồng đội được lệnh xuống tàu đi làm nhiệm vụ. Tàu được nguy trang thành tàu đánh cá của ngư dân. Sau hơn 2 ngày lênh đênh trên biển, tàu phải đổi hướng nhiều lần để tránh sự theo dõi khá chặt của máy bay địch. Chiều ngày 13/4, tàu đã đến gần đảo. Trước khi tấn công địch, chúng tôi đã trinh sát rất kĩ. Rạng sáng ngày 14/4, chúng tôi chia làm 3 mũi đổ bộ lên đảo. Cảm giác mệt mỏi do say sóng suốt mấy ngày lênh đênh trên biển tự nhiên biến đâu hết, anh em chúng tôi thay nhau làm giá đỡ cho khẩu DKZ - hỏa lực chính tấn công đảo. Lúc này, tinh thần kháng cự của địch vẫn cao nhưng không thể bằng khí thế tấn công của quân ta. Vì thế, chỉ hơn 1 tiếng sau, chúng tôi đã giải phóng được đảo, khi đó là 5h30’ ngày 14/4/1975. Song Tử Tây là đảo đầu tiên được giải phóng trong số các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Sau Song Tử Tây, lần lượt là các đảo Nam Yết, Sinh Tồn và cuối cùng là đảo Trường Sa lớn được giải phóng ngày 29/4/1975”- đại tá Quế nhớ lại.

Song Tử Tây hôm nay đẹp lung linh giữa biển trời bởi những ánh đèn cao áp. Sải bước trên những con đường bê tông sạch sẽ, hai bên là những cây phong ba cổ thụ, nhiều gốc cây lớn đến mức một sải tay người ôm không hết. Đại tá Quế lâng lâng: “Trước khi đi, tôi không nghĩ là đảo đã được thay da đổi thịt như bây giờ. 3 căn nhà cấp bốn mái tôn trên đảo của ngày giải phóng đã được thay thế bởi những ngôi nhà, công sự kiên cố, thuận lợi cho dân sinh cũng như phục vụ tập luyện chiến đấu và phòng thủ”. Song Tử Tây hôm nay đã là một đơn vị hành chính của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Xã đảo này đã và đang đi vào nhịp sống đời thường bởi có sự hiện diện của các cơ quan dân chính đảng và người dân.

Tiếp bước

Trên con tàu HQ 936 ra với Trường Sa lần này có một nhân vật khá đặc biệt, đó là em Trần Thị Thủy, con của con anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương. Liệt sĩ Trần Văn Phương quê ở xã Quảng Phúc, huyện Phúc Trạch, tỉnh Quảng Bình, hi sinh năm 1988 khi đang là Đảo trưởng đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa). Anh Phương là một trong 64 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh trong trận hải chiến không cân sức năm ấy. Khi bố hi sinh, mẹ Thủy mới mang thai em được 2 tháng.

Thủy dần lớn trong tiếng ầu ơ của mẹ và khi biết cha đã hi sinh tại Trường Sa, em đã nung nấu một ước mơ là sau này phải làm một việc gì đó gắn bó với quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, để tiếp bước truyền thống anh hùng của người cha. Bởi vậy, ngay khi tốt nghiệp đại học, Thủy đã tình nguyện xin làm nhân viên thống kê của huyện đảo Trường Sa. Đây là lần thứ 2 Thủy ra với Trường Sa nhưng lần đi trước, em chỉ đến được đảo Trường Sa lớn. Lần này, tàu mới có dịp đến được gần đảo Gạc Ma - nơi cha em hi sinh. Hôm tàu qua khu vực gần đảo, Thủy đã nấc lên từng lời gọi tên cha giữa biển khơi ào ào sóng vỗ. Những người trong đoàn có mặt trên boong tàu hôm đó đều không cầm được nước mắt.

Được biết, người yêu của Thủy hiện cũng là cán bộ công tác trong quân đội tại Trường Sa. “Chúng em dự định sau khi cưới nhau, nếu được phép sẽ ra Trường Sa sinh sống”-Thủy bộc bạch.

Trường Sa hôm nay

Hôm ở đảo Trường Sa lớn, tranh thủ giờ đoàn nghỉ trưa, tôi cuốc bộ một vòng quanh đảo. Nghe tiếng sóng biển cùng tiếng gà cục tác dưới những tán bàng vuông hay những cây phong ba trước bão táp giữa muôn trùng khơi, lòng chợt ùa về cảm giác xốn xang đến khó tả. Tiếng kẻng báo thức của quân đội trên đảo vừa ngớt cũng là lúc tiếng đọc bài bi bô của các em học sinh vang lên. Ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng đoàn công tác ra Trường Sa, cho biết: Trường Sa lớn ngày một đẹp hơn với sân bay, bến cảng, điện thắp sáng bằng năng lượng mặt trời. Sau chuyến đi này, UBND sẽ chỉ đạo lập dự án xây dựng một trường tiểu học tại đảo này".

Nhiều công trình quốc phòng lẫn dân sinh đã và đang được cải tạo, xây dựng trên quần đảo Trường Sa. Đời sống vật chất của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo đã được cải thiện. Đi đến đảo nào chúng tôi cũng thấy màu xanh của sự sống giữa khơi xa, bên cạnh những công sự là những vuông rau muống, giàn mồng tơi, là tiếng gà cục tác, tiếng lợn ủn ỉn. Thậm chí, tại đảo Song Tử Tây, cán bộ, chiến sĩ còn nuôi được cả bò để góp phần cải thiện đời sống.

Đại tá Nguyễn Đức Thắng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) kiêm Chủ tịch huyện đảo Trường Sa, cho biết: “Hầu hết các đảo, điểm đảo đã có sóng truyền hình, radio, đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo ngày càng được nâng cao. Nhiều ngôi chùa ở các xã đảo đã và đang chuẩn bị được “hô thần nhập tượng” nhằm phục vụ đời sống tinh thần, tâm linh của chiến sĩ và người dân nơi đảo xa”.

Những ngày lênh đênh cùng sóng nước, qua nhiều điểm đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn, tiếp xúc với những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ vùng biển trời của Tổ quốc, được nghe câu chuyện cảm động của Thủy, của đại tá Nguyễn Ngọc Quế, tôi lại nghĩ về hình ảnh của những người lính trong Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa hàng trăm năm trước… Với tình yêu Tổ quốc, bao thế hệ người Việt Nam đã và đang tiếp bước nhau ra cắm mốc, giữ đảo để “biển, trời này mãi mãi là của ta”. 

Hoàng Phú (Báo PNVN)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video