Trung bình mỗi ngày cả nước có 7 trẻ bị xâm hại

27/05/2020
Sáng nay (27/5), Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về xâm hại trẻ em. Đây là chủ đề được Quốc hội lựa chọn giám sát tối cao do được dư luận đặc biệt quan tâm và tình hình xâm hại trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp.
Ảnh minh họa

4 năm có hơn 8.700 trẻ em bị xâm hại

Điều hành cuộc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Đoàn giám sát đã có một bản báo cáo đầy đủ, chi tiết dài 58 trang "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" gửi lên Quốc hội. Nội dung này được Quốc hội đặc biệt quan tâm, dành trọn ngày 27/5 để thảo luận.

Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ). Tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.

Nguồn: Báo cáo giám sát của Quốc hội

 

Báo cáo tóm tắt trước Quốc hội, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Phó trưởng đoàn giám sát dẫn báo cáo của Chính phủ về số liệu các vụ xâm hại trẻ em. Theo đó, từ 1/1/2015 đến 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục.

Hậu quả khiến 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại (trong đó có 191 trẻ bị giết, 146 trẻ bị các hình thức xâm hại khác dẫn đến tử vong); 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục; 193 trẻ bị rối loạn tâm thần; 375 trẻ bị thương tật…

Đoàn giám sát nhận thấy số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý trong giai đoạn 2015-2018 tăng nhiều hơn so với giai đoạn 2011-2014.

Đoàn giám sát Quốc hội làm việc tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em. Ảnh: D.H

Sự gia tăng đột biến này một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước.

Tuy nhiên, đoàn giám sát thừa nhận số vụ việc xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.

Một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ, nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được tiến hành thường xuyên; hình thức tuyên truyền chậm đổi mới; nội dung tuyên truyền còn nghèo nàn, chưa thiết thực.

Việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức; vẫn để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, thậm chí xảy ra cả trong gia đình và nhà trường.

Điển hình như vụ ở Trường Tiểu học – THCS Tam Lập, tỉnh Bình Dương, có 13 trẻ bị xâm hại; vụ ở trường tiểu học tại huyện Hoài Đức, Hà Nội có 9 trẻ bị xâm hại; vụ Hiệu trưởng trường THCS dân tộc nội trú tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ xâm hại tình dục 9 học sinh nam trong thời gian dài…

Vụ án Hiệu trưởng trường dân tộc nội trú Thanh Sơn (Phú Thọ) xâm hại học sinh nam gây rúng động dư luận

Đặc biệt, cùng với sự phát triển của du lịch, nhiều khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có cả những đối tượng đã có án tích về xâm hại trẻ em, nhưng biện pháp quản lý, giám sát các đối tượng này chưa chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ xâm hại trẻ em trong hoạt động du lịch, đặc biệt là xâm hại tình dục.

Công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ có nguy cơ bị xâm hại hoặc đã bị xâm hại còn một số hạn chế; nhiều địa phương chưa thống kê đầy đủ, chính xác số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nên không cảnh báo được nguy cơ và biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em chưa tương xứng với tình hình.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả chưa cao; hầu như chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu về phòng, chống xâm hại trẻ em; qua thanh tra, kiểm tra, rất ít phát hiện được vi phạm, trong khi tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp. Việc giải quyết một số vụ xâm hại trẻ em chưa kịp thời, chưa nghiêm, một số trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em tại nhiều địa phương còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều việc, thường xuyên có sự thay đổi, một bộ phận hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, nhất là cấp xã. Kinh phí bảo đảm cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Kiến nghị đạt trên 90%  tỷ lệ giải quyết các vụ xâm hại trẻ em

Đoàn giám sát có kiến nghị cụ thể đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 05 kiến nghị đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; 15 kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ thuộc Chính phủ; đồng thời có kiến nghị đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Đoàn giám sát nhấn mạnh một số giải pháp, cụ thể:

Đề nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong Báo cáo của Đoàn giám sát, giảm số vụ xâm hại trẻ em. Trong năm 2020, ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các Bộ ban hành các văn bản về Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em; Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình; Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường giáo dục; Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em; Quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em; Quy định về điều tra thân thiện đối với trẻ em; 

 Đề nghị Bộ Công an bảo đảm tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm đạt trên 90%, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao bảo đảm ra quyết định truy tố đúng thời hạn và truy tố bị can đúng tội danh đạt 100%, tòa án nhân dân tối cao bảo đảm tỷ lệ giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em đạt trên 90%.

Đề nghị Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các địa phương: thực hiện đầy đủ trách nhiệm Luật Trẻ em giao; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video